Kỳ cuối: Trách nhiệm từ cơ sở và sự đồng thuận của người dân

Nhiều khó khăn, thử thách

Qua khảo sát tại cơ sở, lãnh đạo huyện Na Rì nhận thấy sẽ có nhiều khó khăn trong thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố.

Huyện Na Rì hiện có 222 thôn, tổ nhân dân, trong đó có khoảng 200 thôn, tổ nhân dân dự kiến phải sáp nhập do không đủ tiêu chuẩn về số hộ dân. Số lượng thôn, tổ nhân dân cần phải sáp nhập lớn, lại cần triển khai trong thời gian gấp rút sẽ là áp lực không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và ngành chuyên môn của huyện. Hơn nữa, là huyện miền núi, địa hình chia cắt, dân số ít, thưa thớt, nhiều thôn cách trung tâm xã cả chục cây số, giao thông trở ngại nên việc sáp nhập sẽ có không ít khó khăn, trở ngại.

Xem thêm: Clip: Khoảnh khắc sạt lở đất đè trúng nhiều xe, nhà dân ở Hà Giang

Bà Bế Thị Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Vũ (Na Rì) kiến nghị: “Toàn xã có 22 thôn, phương án dự kiến sẽ sáp nhập còn 09 thôn. Tuy nhiên, đa số các thôn có địa hình rộng, dân cư phân tán, có khi phải sáp nhập đến 03 thôn với nhau cũng chưa bảo đảm tiêu chuẩn về số hộ. Sau sáp nhập vấn đề làm đường giao thông kết nối, xây dựng nhà văn hóa và một số hạ tầng thiết yếu khác cũng cần được cấp trên hỗ trợ địa phương”.

Năm 2019, thôn Thôm Pá và thôn Pá Yếu (xã Hà Vị cũ) sáp nhập thành thôn Đoàn Kết (nay thuộc xã Quân Hà, huyện Bạch Thông). Năm 2022, bằng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, đóng góp của người dân và huy động các nguồn xã hội hóa, thôn Đoàn Kết xây dựng Nhà văn hóa với 100 chỗ ngồi. Hiện tại, tổng số hộ của Đoàn Kết là 70 hộ nên dự kiến vẫn sẽ sáp nhập với thôn Nà Ngàng (hơn 40 hộ). Như vậy, để đáp ứng chỗ ngồi cho hơn 110 hộ dân của thôn mới thì cần nguồn lực để cải tạo, mở rộng nhà văn hóa thôn hiện có của thôn Đoàn Kết.

Ngoài những khó khăn nêu trên, qua khảo sát và báo cáo, kiến nghị từ các địa phương cho thấy, sẽ còn nhiều vấn đề cần giải quyết khi sáp nhập thôn, tổ dân phố như: Thay đổi giấy tờ hành chính cho người dân với tên gọi mới; kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn, tổ dân phố; chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư sau sắp xếp…

Tăng cường trách nhiệm từ cơ sở

Xã Quân Hà (Bạch Thông) tổ chức Hội nghị triển khai sáp nhập thôn.

Với khối lượng công việc lớn, thời gian gấp rút, hơn nữa việc hoàn thành sớm việc sáp nhập sẽ tạo thuận lợi cho việc tổ chức Đại hội các chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở vào đầu năm 2025, nên tinh thần, trách nhiệm của hệ thống chính trị càng cần nâng cao.

Kế hoạch số 620/KH-UBND ngày 16/9/2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2024 đã nêu rõ mốc thời gian thực hiện. Theo đó, sẽ rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố hoàn thành trước ngày 27/9/2024; xây dựng Đề án sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố cấp xã hoàn thành trước ngày 25/10/2024; xây dựng đề án cấp huyện hoàn thành trước ngày 01/11/2024; đề án cấp tỉnh hoàn thành trước ngày 15/11/2024.

Xem thêm: Làng làm chuồn chuồn tre Thạch Xá- nơi lưu giữ ký ức tuổi thơ

Ngay sau Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố để quán triệt, triển khai, hướng dẫn công tác sáp nhập thôn, tổ dân phố (17/9), Huyện ủy, UBND huyện Bạch Thông đã tăng cường chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn và ngành chuyên môn tập trung cho nhiệm vụ chính trị quan trọng này.

Ông Triệu Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Quân Hà (Bạch Thông) thông tin: “Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, ngày 23/9, UBND xã đã tổ chức Hội nghị về triển khai thực hiện sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố. Hội nghị có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể, bí thư chi bộ và trưởng các thôn. Mục đích để cán bộ, đảng viên, công chức và nhất là lãnh đạo các thôn nắm được chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về việc sáp nhập thôn, tổ, qua đó sẽ làm tốt trách nhiệm được giao, nhất là trong tuyên truyền, vận động người dân đồng tình ủng hộ”.

Hiện các huyện, thành phố cũng đang khẩn trương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này. Từ tổ chức hội nghị, ban hành văn bản chỉ đạo, tổ chức rà soát, xây dựng phương án, đề án sáp nhập, tổ chức tuyên truyền, họp lấy ý kiến Nhân dân.

Tạo sự đồng thuận từ người dân

Sở Nội vụ thành lập Đoàn công tác đi khảo sát, kết hợp tuyên truyền, vận động tại các địa phương về chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố.

Theo Hướng dẫn số 1421/HD-SNV, ngày 13/9 của Sở Nội vụ, quá trình triển khai thực hiện các nội dung về sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố phải đảm bảo khoa học, phù hợp với điều kiện tại địa phương, tôn trọng phong tục, tập quán của cộng đồng dân tộc; việc đổi tên thôn, tổ dân phố được thực hiện theo quy định của pháp luật, phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân sinh sống tại thôn, tổ dân phố. Khi thực hiện, việc sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố phải nhận được trên 50% số cử tri đại diện hộ gia đình của từng thôn, tổ dân phố có liên quan tán thành. Như vậy, cùng với sự tích cực, chủ động của các cấp, ngành, hệ thống chính trị thì việc ủng hộ, đồng thuận của người dân trong sáp nhập thôn, tổ là rất quan trọng.

Ông Nông Văn Nguyên, Bí thư Huyện ủy Na Rì cho biết: Đa số các thôn, tổ nhân dân trên địa bàn huyện dễ sáp nhập đã thực hiện xong từ 02 đợt sáp nhập năm 2019 và 2021. Trong đợt này, Na Rì dự kiến phải sáp nhập 200 thôn, tổ nhân dân, trong khi thời gian gấp rút, nhiều thôn dự kiến có thể sáp nhập với nhau có khoảng cách địa lý khá xa, khác biệt về dân tộc, phong tục, tập quán.

Lường trước những khó khăn này, Na Rì xác định công tác tuyên truyền, vận động để dân hiểu, dân đồng tình có ý nghĩa quyết định đến thành công của việc sáp nhập.

Sáp nhập thôn cần sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.

Ông Lê Văn Hội , Giám đốc Sở Nội vụ nêu quan điểm: Một trong những nhân tố bảo đảm thành công cho quá trình sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đạt chuẩn là sự đồng thuận của người dân. Đối với vấn đề này, Sở đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận thức rõ về chủ trương của Đảng về sắp xếp tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy hành chính. Đặc biệt là tại các thôn, tổ dân phố dự kiến sáp nhập trong năm nay, công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, quần chúng hiểu, đồng thuận với chủ trương của cấp trên.

Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.

Sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố là chủ trương, quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Xuất phát từ yêu cầu của hệ thống hành chính cấp xã nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chính quyền cấp xã phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của tỉnh. Để công tác sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh năm 2024 được triển khai thực hiện thống nhất, nghiêm túc, hiệu quả, đúng tiến độ cần quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu các đơn vị, địa phương cùng sự đồng thuận của người dân./.

Xuân Nghiệp