Kết quả ấn tượng từ việc chống khai thác IUU ở Hà Tĩnh

Sau bảy năm nỗ lực thực hiện chống khai thác hải sản không hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), cùng cả nước chung tay gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với hải sản Việt, Hà Tĩnh đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong công tác này.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, về công tác triển khai các giải pháp chống khai thác IUU.

Nhiệm vụ cấp bách

Xem thêm: Nơi kết nối niềm đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử

. Phóng viên: Hà Tĩnh có những giải pháp nào để đẩy mạnh chống khai thác IUU, thưa ông?

Ông Lê Đức Nhân.

+ Ông Lê Đức Nhân: Với quyết tâm cùng cả nước nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng IUU, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo và yêu cầu các sở, ban ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về chống khai thác IUU, coi đây là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm để triển khai thực hiện.

Trong đó, tập trung các nội dung như: Tăng cường công tác tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2017; Nghị quyết 52 ngày 22-4-2024 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đồng thời, tỉnh đã tổ chức cho ngư dân ký cam kết không khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài; triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra nghề cá hằng năm; kiện toàn Ban Chỉ đạo IUU cấp tỉnh; thành lập và duy trì bộ phận để thực hiện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá trên địa bàn Hà Tĩnh (văn phòng đại diện kiểm tra, kiểm soát nghề cá) nhằm tăng cường công tác chống khai thác IUU.

Tuy vậy, để tập trung cùng với cả nước trong nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU, đặc biệt là chuẩn bị cho đợt kiểm tra lần thứ năm của EC dự kiến trong tháng 10 này, các sở, ngành và địa phương cần tập trung thực hiện bốn nội dung lớn gồm: Quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu cá; xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; tăng cường thực thi pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm; ngăn chặn, xử lý tàu cá, ngư dân khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Ngư dân Hà Tĩnh phấn khởi sau chuyến ra khơi bội thu. Ảnh: THÁI OANH

. Công tác triển khai các giải pháp phòng, chống khai thác IUU ở Hà Tĩnh đã đạt kết quả như thế nào, thưa ông?

+ Kết quả rất tích cực. Cụ thể, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện với nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, người dân, các chủ tàu cá.

Tỉ lệ đăng kiểm, cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp giấy phép khai thác thủy sản ngày càng được nâng cao.

Việc phối hợp thực hiện thanh tra, xử lý vi phạm đã được các cấp, các ngành phối hợp tổ chức thực hiện quyết liệt. Do vậy, các vi phạm về khai thác IUU trên địa bàn đã giảm đáng kể so với các năm trước đây.

Đến nay, Hà Tĩnh không có ngư dân bị bắt giữ vì tham gia khai thác hải sản trái phép; không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đây là dấu hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tâm niệm là không được lơ là, chủ quan.

Xử lý nghiêm những vi phạm

. Việc xử lý các tàu cá trong tỉnh và tỉnh bạn vi phạm trong việc khai thác trái phép khu vực, ngành nghề ra sao, thưa ông?

Xem thêm: Điểm tin thế giới sáng 3/10: Hải quân Trung Quốc tiến vào Bắc Cực, Ukraine thay đổi nhân sự tình báo, Tổng thống Iran thăm Qatar

+ Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2024 thay thế Nghị định 42/2019 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Nghị định 38 đã hỗ trợ đắc lực, giúp hạn chế ở mức tối đa những sai phạm trong khai thác IUU, khi mọi hành vi vi phạm được quy định rõ ràng, cụ thể hơn và hình thức xử phạt cũng có tính răn đe, nghiêm khắc hơn.

Trong tám tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 80 đợt tuần tra, kiểm soát trên biển, đã phát hiện 32 vụ/34 đối tượng/34 tàu cá vi phạm các quy định về khai thác IUU, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 606,5 triệu đồng.

. Những giải pháp nào để quản lý tối ưu các tàu cá “ba không”, thưa ông?

+ Nhờ làm tốt với nhiều giải pháp đồng bộ, thời gian qua, các tàu cá từ 15 m trở lên ở Hà Tĩnh hoạt động rất tốt, không vi phạm nhưng Hà Tĩnh hiện có hơn 1.000 tàu cá “ba không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản).

Để triển khai đăng ký tàu cá “ba không”, Sở NN&PTNT đã ban hành Văn bản 2827 hướng dẫn các địa phương trình tự thực hiện các bước đăng ký; đồng thời thường xuyên đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện.

Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc công khai danh sách các chủ tàu và đang hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục để được đăng ký theo quy định, dự kiến hết ngày 31-12 năm nay sẽ hoàn thành việc đăng ký cho các tàu cá “ba không” trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh có 78/78 tàu cá đang hoạt động khai thác thủy sản vùng khơi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), đạt 100%.

. Hà Tĩnh có những đề xuất gì trong thời gian tới để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác IUU và ngư dân yên tâm bám biển, thưa ông?

+ Hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chỉ mới có hai cảng cá chỉ định tại hai địa phương trong khi toàn tỉnh có sáu huyện, thị xã ven biển. Để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp trong thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương bố trí, ưu tiên nguồn vốn đầu tư để sớm hoàn thành việc xây dựng, nâng cấp các cảng cá đảm bảo điều kiện theo yêu cầu của EC.

Đối với các luồng lạch ra vào cảng cá thường xuyên bị bồi lắng, kính đề nghị Chính phủ cần có cơ chế, chính sách để nạo vét luồng lạch thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn cho tàu cá hoạt động.

. Xin cảm ơn ông.

...............................

Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh tổ chức nhiều cách để tuyên truyền cho các ngư dân hiểu được các quy định về chống khai thác IUU.

Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra ngư cụ trên tàu thuyền.

Các ngư dân được tuyên truyền về các quy định đánh bắt hợp pháp trước khi đi biển.

Bộ đội biên phòng trao tặng áo phao cho các ngư dân bám biển. Ảnh: T.MẠNH

***************************************

BAN TỔ CHỨC

ĐẮC LAM