Huyện Chương Mỹ, thầy và trò duy trì việc dạy, học trong mùa lũ

Sau lễ khai giảng năm học mới 2024 -2025 được 2 ngày, do ảnh hưởng bởi bão số 3, một số xã ven sông Bùi của huyện Chương Mỹ bị ngập nặng, làng mạc, nhà cửa, trường học đều bị nước nhấn chìm. Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, lúc cao điểm, toàn huyện có 5 ngôi trường bị chìm trong lũ; một số trường học tuy không bị ngập, nhưng học sinh nằm trong vùng lụt, nên cũng không thể đến trường…

Trường THCS Mỹ Lương là điểm sơ tán người dân và bệnh xá dã chiến của huyện Chương Mỹ những ngày mưa lũ

Do đó việc dạy và học của thầy trò ngành giáo dục huyện Chương Mỹ đã bị gián đoạn một thời gian. Trong những ngày đỉnh cao của lũ, giải pháp học online cũng đã được đặt ra, tuy nhiên, khi lũ dâng cao, việc cắt điện để đảm bảo an toàn là điều tất yếu, đồng nghĩa với sóng điện thoại, mạng internet cũng không có, vì vậy việc học online cũng chập chờn, không hiệu quả.

Xem thêm: Đảm bảo an toàn cho 66 hộ dân trước nguy cơ sạt lở ở Sông Mã, Sơn La

Phòng Đoàn, Đội của Trường THCS Mỹ Lương thành nơi lưu trú bệnh nhân

Trao đổi với chúng tôi, Phó hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Lương Tào Văn Ngọc thông tin, sau khai giảng được 2 ngày, lũ tràn về, các thôn Khôn Duy, Mỹ Lương đã bị nước nhấn chìm, nhà trường phải cho học sinh nghỉ học. Do lũ lụt kéo dài, nước chưa biết đến khi nào rút, để đảm bảo việc học không bị đứt gãy, chiều 18/9, nhà trường bắt đầu tổ chức dạy online cho học sinh, tuy nhiên, do điều kiện mưa lũ, điện bị cắt nên mạng internet cũng bị cắt theo, sóng 3G, 4G cũng chập chờn, nên việc học cũng chưa mang lại hiệu quả cao.

Lãnh đạo huyện Chương Mỹ chỉ đạo bảo vệ đê Gò Khoăm, xã Mỹ Lương những ngày lũ đỉnh cao.

Trên địa bàn huyện, các trường Tiểu học Nam Phương Tiến A, THCS Nam Phương Tiến A, Mầm Non Nam Phương Tiến (xã Nam Phương Tiến) cũng đều bị ảnh hưởng của mưa lũ. Điện bị cắt trên diện rộng, nên việc dạy và học online gần như không thể triển khai.

Bí thư Đảng ủy xã Nam Phương Tiến Trần Thị Thu Hằng cho biết, do ảnh hưởng của lũ lụt, trên địa bàn xã có khoảng 600 học sinh các cấp phải nghỉ học từ 7/9.

Cửa đình tám mái thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến vẫn đang là... bến thuyền.

Đứng trước tình hình lũ lụt diễn biến phức tạp, chưa biết đến khi nào nước rút, và để việc học không bị gián đoạn quá lâu, từ 18/9 xã Nam Phương Tiến đã chủ động chuyển toàn bộ học sinh của Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A về học tại cơ sở của Trường THCS Nam Phương Tiến B, đưa học sinh Trường Mầm Non Nam Phương Tiến A sang học Trường Mầm Non Nam Phương Tiến B và đưa học sinh Trường THCS Nam Phương Tiến A sang học nhờ Trường THCS Tân Tiến.

Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng cho biết thêm, vì có sự xáo trộn về địa điểm, nhiều học sinh phải di chuyển xa nên chính quyền xã đã chủ động bố trí 2 xe (loại 45 chỗ), để đưa đón học sinh đến trường đúng giờ và an toàn. Ngoài ra, xã còn hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn uống cho những học sinh đang tạm trú tại 5 khu sơ tán của xã.

Bữa ăn trưa của các em nhỏ tại khu sơ tán xã Nam Phương Tiến.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ Nguyễn Hữu Thìn thông tin, lúc đỉnh lũ, toàn huyện có tới 12.000 học sinh phải nghỉ học, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho trẻ. “Ngoài việc dạy và học online, sau lũ chúng tôi sẽ tăng cường học tất cả các ngày trong tuần, để bù lại phần kiến thức các em chưa được học…”- ông Nguyễn Hữu Thìn khẳng định.

Hiện nay việc đi lại của người dân các xã ven sông Bùi của huyện Chương Mỹ vẫn dựa vào thuyền.

Xem thêm: Góc nhìn hôm nay: Cần thiết hoàn thiện pháp luật về giao dịch chứng khoán

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Chương Mỹ, lúc 15h 30 chiều 24/9, mực nước sông Bùi vẫn “neo” ở mức 7,39 (trên báo động 3). Hiện tại huyện Chương Mỹ đã sơ tán 2.034 hộ với 8.547 nhân khẩu đến nơi an toàn và duy trì 5 điểm sơ tán tập trung tại xã Nam Phương Tiến.

Trần Thụ