Hương tết cổ truyền độc đáo trong bánh chưng Tranh Khúc

Đến làng nghề bánh chưng Tranh Khúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đúng dịp "vào vụ" mới cảm nhận được hết cái tất bật, nhộn nhịp của một làng nghề nổi tiếng hàng trăm năm. Chẳng ai biết rõ nghề làm bánh chưng đã bắt đầu bén duyên với người dân nơi đây từ bao giờ, chỉ biết "từ hồi các cụ đã có rồi, bây giờ đến chúng tôi nối nghiệp".

Ở làng Tranh Khúc gần như nhà nào cũng làm bánh chưng, lấy đó là thu nhập chính, nuôi sống gia đình.

Với gần 50 năm kinh nghiệm làm nghề, bà Nguyễn Thị Dạp (63 tuổi) cho hay: "Tôi từ bé đã được tiếp xúc với nghề và bắt đầu làm từ năm 16 tuổi. Nghề này mang lại nguồn thu nhập chính cho mỗi gia đình. Số tiền kiếm được từ nghề làm bánh chưng không chỉ đủ để chi tiêu sinh hoạt gia đình hằng ngày mà còn đủ để chúng tôi nuôi dạy con cái, dựng vợ gả chồng, xây nhà cửa... ổn định cuộc sống".

Xem thêm: Quận Hoàn Kiếm Hà Nội có gì chơi?

Khi nói tới bí quyết làm bánh chưng, bà Dạp cho biết, từ khâu chọn thịt cũng phải “chọn mặt gửi vàng” nơi người bán: “Phải là người tin cậy thì chúng tôi mới dám đặt”.

Lá dong sau khi xếp thành từng bộ 4 cái một sẽ được để riêng thành từng bó đến khi gói cho tiện.

Gạo nếp phải là gạo nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung thì khi lên bánh mới thơm, đậu xanh thì phải chọn loại ngon để khi luộc lên, đánh ra sẽ tơi, không bị sượng: “Công đoạn chọn nguyên liệu là công đoạn cực kỳ quan trọng để có một chiếc bánh ngon. Mỗi nguyên liệu đặt một nơi khác nhau và luôn phải là đồ tươi mới”.

Xem thêm: Câu nói đùa ác ý từ bạn thân của chồng làm tôi bật khóc trong ấm ức

Không giống với địa phương khác, bánh chưng Tranh Khúc đòi hỏi sự kì công hơn nhiều. Bánh chưng thông thường được gói bằng đỗ sống nhưng ở Tranh Khúc, đỗ sau khi tách vỏ sẽ được trộn muối và đồ trong vòng nửa tiếng đầu cho đến khi bở, dền.

Nhân của chiếc bánh chưng Tranh Khúc được nắm tròn với lớp đậu bao quanh thịt. Tuy nhiên, không lấy đậu bọc kín thịt mà luôn để hở, khi luộc bánh mỡ chảy ra thấm vào lớp vỏ gạo.

Anh Sơn cho biết bắt đầu từ ngày Rằm tháng Chạp lượng công việc đã bắt đầu nhiều hơn, đợt cao điểm rơi vào khoảng 26 đến 30 tết : “Càng cận Tết, chúng tôi làm không quản ngày đêm. Trừ những phút nghỉ ngơi ít ỏi ra, thời gian còn lại mọi người đều quây quần làm bánh. Sáng sớm khoảng 3-4h sáng đã bắt đầu công việc".

Thị trường tiêu thụ chủ yếu của gia đình bà Dạp hay anh Sơn đều là những khách quen quanh Hà Nội, chủ yếu là bán sỉ tại các cửa hàng khu vực Lĩnh Nam, Khâm Thiên, Giảng Võ...

Giá bánh ngày thường khoảng 30.000 đồng/cái lớn. Tết đến có nhiều loại để khách hàng lựa chọn hơn: loại 50.000 đồng, 60.000 đồng và 70.000 đồng, trọng lượng dao động từ 1 - 1,5kg/cái. Có sự chênh lệch đó là bởi trọng lượng, chất lượng sản phẩm tăng và một phần cũng do nguyên vật liệu làm bánh ngày tết cũng tăng cao, có thời điểm chỉ riêng lá dong đã lên đến 250.000 đồng/100 lá.

Bây giờ việc nấu bánh chưng không còn vất vả như ngày xưa nữa nên năng suất, sản lượng bánh làm ra cũng được cải thiện hơn rất nhiều. Thay vì dùng những nồi tròn nấu bằng củi như cách đây khoảng 10 năm, giờ người dân làng nghề bánh chưng Tranh Khúc đã đầu tư nồi inox cỡ lớn nấu bằng điện. Bánh được nấu bằng nồi hơi sẽ chín đều, các mặt nhừ mà vẫn giữ được độ thơm ngon, béo ngậy của bánh.

Người dân làng nghề bánh chưng Tranh Khúc đến nay vẫn duy trì công việc một cách ổn định mặc dù có lúc số lượng người sản xuất nhiều lên, có thời gian sẽ ít đi nhưng chất lượng, hương vị bánh vẫn được nguyên vẹn và có phần ngon hơn theo năm tháng.

Ông Nguyễn Văn Mão - Phó Chủ tịch xã Duyên Hà cho biết hiện nay xã Duyên Hà đã được công nhận là xã du lịch và sắp tới mong muốn đẩy mạnh du lịch trên địa bàn xã theo hướng du lịch trải nghiệm, hướng tới giới thiệu mô hình sản xuất bánh chưng, bánh dày truyền thống của làng nghề tới các trường học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Lâm Thùy Dương