Hoài niệm cùng… xích lô

Trong không khí se lạnh của những ngày giáp Tết Nguyên đán, hình ảnh những cô gái mặc áo dài, tay cầm bó hoa, cành mai, ngồi trên những chiếc xích lô du xuân đã đi vào trong phim ảnh, khiến những người đạp xích lô lại hồi tưởng về một thời được xem là “huy hoàng” của cái nghề tuy vất vả nhưng thú vị trong đời sống văn hóa Việt.

Ảnh: Duy Hiệu

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Nam, một người chạy xích lô hơn 1/3 thế kỷ tâm sự: “Nghề này là cha truyền của tôi đấy! Cha tôi về già, để lại cho tôi cái “cần câu cơm” này. Những năm trước, nghề này cũng đủ để tôi nuôi vợ, nuôi con, giờ khó khăn hơn rồi…”. Nói tới đây, ông Nam vuốt vuốt chiếc “cần câu cơm” mà ông xem như báu vật. Cũng phải thôi, cũng từ chiếc xích lô đó mà người cha già ngoài 90 tuổi của ông đã duy trì cuộc sống cho đại gia đình ông trong thời kỳ khó khăn.

Xem thêm: Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh dâng cúng bánh tét Quốc tổ Hùng Vương và Đức Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh

Ông Nam bồi hồi nhớ về những ngày còn nhỏ, cứ chiều về cha ông lại ngất ngưởng trong men say nhưng không quên mua cho các con những món quà nhỏ. Thích nhất là khi tan trường, cha chở khách về ngang qua cổng “vợt” đàn con và mấy đứa trẻ hàng xóm lúc tan trường. Bốn, năm đứa trẻ trên xe, vừa đi vừa la hét, đùa giỡn, khiến xe có lúc chao đảo. Những lúc đó, người cha chỉ nhắc “ngồi yên không té cả lũ!”, rồi ông lại vẹo người bên này, đảo qua bên kia, cần mẫn chở những vị “khách quý” về nhà.

Tết là những ngày vui nhất của gia đình. Những ngày giáp Tết, người cha vì công việc mưu sinh thường về muộn. Ông hay ngồi chờ cha về bởi kiểu gì cũng có quà cho anh em. Mẹ ông khỏi phải nói, bà không giấu được niềm vui, vì những ngày đó, tiền cha ông kiếm một ngày có khi bằng cả tháng. Đến lượt ông, dù không kiếm được nhiều tiền như thời của người cha, nhưng nếu mươi, mười lăm năm trước, thì nghề đạp xích lô của ông cũng đủ nuôi con ăn học nên người.

Nhiều năm về trước, khi taxi, xe ôm còn hạn chế thì xích lô là một trong những phương tiện giao thông được ưa chuộng của người dân TP Hồ Chí Minh. Nhất là với những người già, các bà nội trợ. Họ chọn xích lô, đơn giản chở được nhiều hàng và có thể vào được các con hẻm chật hẹp. Những ngày gần Tết, các bác tài xích lô chỉ sợ không có sức mà chở khách, chở hàng, chở hoa… Giờ ít người đi xích lô, nếu có chỉ là du khách, Việt kiều, những người muốn sống chậm, muốn trải nghiệm, hoặc đi xích lô như một hoài niệm.

Xem thêm: Bánh chưng đừng vội cho tủ lạnh, cách này để được nửa tháng vẫn thơm ngon

Nghề của những người kiếm sống bằng xích lô buồn nhiều hơn vui, nhưng đôi khi cũng có những khoảnh khắc hạnh phúc. Ông Nam kể, lần ấy chở khách về đến đường Thủ Khoa Huân, gần chợ Bến Thành, ông thấy hai vợ chồng người nước ngoài đang loay hoay tìm người giúp đỡ. Nhìn họ có vẻ lo lắng lắm. Thấy vậy, ông Nam dừng xe, bập bẹ vài câu tiếng Anh bồi hỏi thăm, ông biết con gái họ gặp chuyện. Ông vội vàng bước xuống, bế cô bé lên xe, không nói không rằng, ông chở cô bé tới Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Cha mẹ cô bé hoảng hốt chạy bộ theo xe của ông. Khi tới Trung tâm cấp cứu, nhìn thấy biểu tượng dấu “thập đỏ” họ mới an tâm. Sau khi con gái được cấp cứu, hai vợ chồng Tây quay ra tìm người đạp xích lô để cảm ơn. Người vợ lục tìm trong túi còn mấy chục USD. Bà đếm đi đếm lại rồi quyết định đưa cho bác xích lô toàn bộ số tiền có trên tay và nói lời cảm ơn. Ông Nam xua tay từ chối: “Tôi giúp cháu, giúp ông bà đâu phải để lấy tiền cảm ơn. Mong con gái ông bà mau khỏe…!”. Đương nhiên ông Nam nói mấy câu tiếng Anh bồi, nhưng vợ chồng người Tây nọ hiểu và cảm ơn rối rít. Xong việc cứu cháu gái người nước ngoài, ông Nam lại tiếp tục cuộc mưu sinh của mình.

Thời gian trôi đi, ông đã quên chuyện mình từng làm phúc. Một hôm, giật mình khi đồng nghiệp gọi với giọng gấp gáp, quay lại, thấy hai người nước ngoài đang xì xồ, chỉ vào ông.

Gặp lại ân nhân từng cứu con mình, hai vợ chồng người Tây không giấu được niềm vui. Họ mở điện thoại, hết nhìn người trong hình và người bên ngoài rồi hỏi: “Có phải ông là người trong hình?”. Ông Nam ngạc nhiên vì không hiểu sao họ lại có hình của ông và họ tìm ông có việc gì? Ông nghĩ mình chở biết bao nhiêu khách, Tây, ta có cả, nhưng chưa có ai tìm ông và tìm có việc gì.

Từng có “con sâu làm rầu nồi canh”, ông nghĩ không lẽ mình có khúc mắc gì với hai vị khách Tây này, đồng thời ông nhìn quanh xem có chú Công an nào không. Biết ông Nam chưa nhận ra mình nên hai vị khách Tây níu lấy bác xích lô và hỏi: “Ông không nhớ chúng tôi sao?”. Ông Nam ngạc nhiên và lắc đầu. “Chúng tôi là bố mẹ của cháu bé được ông cứu 2 năm về trước. Nay chúng tôi qua Việt Nam tìm lại ân nhân của mình. May quá tìm được ông…!”. Thấy ân nhân vẫn ngạc nhiên và nghi ngờ, vợ chồng người Tây chỉ tay vào một cô gái, tất nhiên cũng là cô gái Tây đứng bên cạnh và giải thích: “Đây là cô bé ông từng cứu cháu 2 năm về trước…”. Lúc này ông Nam mới nhớ ra và khen cháu bé lớn, xinh quá nên ông không nhận ra.

Nói xong bà Tây lấy ra 100 USD đưa cho ông Nam. Cũng như hai năm trước, ông lại từ chối không nhận. Mặc dù với người đạp xích lô như ông khoản tiền đó trị giá bằng 10 ngày công còng lưng chở khách. Ông lắc đầu và hỏi: “Thế này là sao, tiền gì…?”. Lúc này ông bà Tây mới giải thích: “Cảm ơn ông, nếu hôm đó không có người tốt bụng như ông, con gái tôi đã gặp nguy hiểm. Hôm đó là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ, chúng tôi chuẩn bị về thì gặp sự cố, may mà có ông. Hôm đó chúng tôi hết tiền”, vợ chồng ông Tây trình bày. “Lần này chúng tôi qua đây, ngoài du lịch, chúng tôi còn muốn tìm gặp ân nhân để cảm ơn. Ông không nhận số tiền này chúng tôi sẽ không vui…!”. Lúc này ông Nam mới yên tâm và nhận món quà thật ý nghĩa từ vợ chồng người nước ngoài. Hai vợ chồng người Tây còn nói, Việt Nam luôn là lựa chọn đến của họ, vì nơi đây, không chỉ đẹp về danh thắng, văn hóa mà đẹp nhất chính là con người.

Bác tài xích lô Lê Văn Hoàng, ngụ quận 4, TP Hồ Chí Minh, kinh nghiệm 40 năm có lẻ, là một trong những tài xế xích lô biết hai thứ tiếng Anh, Pháp. Với kinh nghiệm của mình, ông Hoàng cho biết, xích lô bây giờ chủ yếu phục vụ du khách ngoại quốc.

Trên những chiếc xích lô, du khách có thể có thể ghé thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh, nơi lưu giữ những “lát cắt lịch sử” của một thời chiến tranh khốc liệt… Du khách cũng có thể đến Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, bến Bạch Đằng… những nơi không kém phần thú vị. Ngoài ra, cùng xích lô, du khách tham quan chợ hoa Hồ Thị Kỷ, chợ truyền thống Bình Tây, chùa Bà Thiên Hậu, chùa Ngọc Hoàng, một điểm đến của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào năm 2016...

Khi những chiếc xích lô đã làm tròn “sứ mệnh” chuyên chở khách, giờ nó lại mang một nhiệm vụ khác, đó là tìm lại ký ức và lưu giữ một chút hồn xưa đối với du khách trong và ngoài nước. Mặc dù xã hội ngày một văn minh, xe pháo ngày càng hiện đại, sang trọng, không ai đoán chắc rằng phương tiện giao thông này sẽ còn tồn tại mãi, nhưng nếu một ngày nào đó nó đi vào quên lãng hoặc biến mất khỏi đời sống con người thành thị thì cũng tiếc thật!

Bùi Thanh