Họa sĩ Một Quả Tắc: Viết nhật ký bằng tranh

Triển lãm trưng bày 15 bức tranh lụa xoay quanh con người và mảng thực vật trong không gian sống. Về kỹ thuật vẽ mảng thực vật trên lụa cần có nhiều lớp lang và độ chuyển màu linh hoạt, quá trình sáng tác đối với nữ họa sĩ cũng rơi vào trạng thái chìm đắm tương tự.

Một vài bức lụa lột tả vẻ đẹp xuyên sáng đặc trưng của chất liệu tranh lụa Việt Nam. Ngắm tranh, mang đến cho người xem cảm giác hòa mình vào những mảng xanh xôn xao, để cảm nhận nhiều hơn vẻ đẹp của thiên nhiên cây cỏ.

Họa sĩ Một Quả Tắc

Xem thêm: Cưới phải người ái kỷ sẽ khổ sở thế nào? Đây là dấu hiệu bạn đã kết hôn với người ái kỷ

Họa sĩ Một Quả Tắc (tên thật Lê Thị Quế Hương, sinh năm 1996) tốt nghiệp chuyên ngành Tranh lụa khoa Mỹ thuật tạo hình tại Đại học Mỹ thuật TPHCM. Nói về lý do để bắt đầu vẽ về đề tài thiên nhiên, vốn đã quá quen thuộc trong hội họa, Quế Hương chia sẻ: “Ngày tôi dọn ra ở riêng và tự chăm chút cho không gian sống của riêng mình, tôi còn nhớ căn phòng nhỏ với ban công mở ra khu hẻm yên tĩnh, xung quanh không có nhiều mảng xanh. Bức Hương/scent đầu tiên ra đời với nỗi niềm về một mảng xanh nơi đô thị, bức tranh mở ra một không gian mới xanh mát nhiều sức sống, một chút ký ức về vườn xanh ở nhà, tôi nhớ”.

Thiên nhiên và con người là một trong những đề tài lớn họa sĩ Quế Hương lựa chọn những năm gần đây. Quế Hương bày tỏ: “Phải kể đến hậu Covid-19 đã thay đổi góc nhìn của tôi về nhiều phương diện. Tôi luôn muốn hướng bản thân tích cực hơn và lan tỏa những cảm xúc xoa dịu hơn. Giữa nhịp sống hối hả, tôi muốn ghi dấu lại những khoảnh khắc yên bình khi ta ngắm nhìn một khóm cây đung đưa trong gió, một bụi hoa nở xôn xao, sự xôn xao của cỏ cây lay động tâm hồn mình nhè nhẹ. Tôi yêu những khoảnh khắc bình yên như vậy, và rồi cứ thế tôi đuổi theo những mùa hoa”.

Triển lãm như một lời mời gọi người xem cùng họa sĩ tìm lại những khoảnh khắc bình yên trong cuộc sống. Trong bối cảnh xã hội hiện đại đầy xô bồ, mỗi bức tranh trở thành một điểm dừng chân tĩnh lặng, nơi người xem có thể tạm gác mọi lo toan và đắm mình vào sự dịu dàng của thiên nhiên. Từng bức tranh như những mảng xanh nhỏ bé giữa lòng đô thị, những vườn hoa bình yên trong ký ức… mà mỗi người ai cũng có một góc nhỏ bình yên sâu thẳm và xanh thắm trong lòng mình.

“Tôi thích lắng nghe âm thanh của thiên nhiên, lắng nghe bản thân mình, lắng nghe những sự sống khác, âm thanh của cuộc sống đang hiện hữu. Nó khiến mình có cảm giác đang sống và bao bọc quanh mình là những sự sống khác. Như tác phẩm Mấy chậu nha đam của mẹ là quãng thời gian tôi ở gần gia đình, sống trong sự chăm sóc bao bọc, lắng nghe và thấu hiểu của mẹ. Dù có những thứ không cần nói ra bằng lời cũng cảm nhận được tình yêu thương”, Quế Hương tâm sự.

Đối với Quế Hương, mỗi bức tranh như một trang nhật ký. Nhìn thấy một điều gây xúc cảm trước mắt, nữ họa sĩ ghi dấu lại nó, biến cái đẹp trong khoảnh khắc thành cái đẹp qua những lớp lụa dịu dàng. Mạch cảm xúc giữa sự vật sự việc, người vẽ và người xem tranh mắc nối nhau.

Xem thêm: Chồng tôi luôn giao giảng đạo lý về chung thủy nhưng ngoại tình từ rất lâu

Quế Hương bày tỏ: “Mỗi tác phẩm đối với họa sĩ là cách để truyền đạt và giao tiếp với mọi người. Dù bao thăng trầm, cảm xúc trồi sụt, nhưng người vẽ đã vẽ bằng những nét cọ bình tâm nhất. Tôi hy vọng người xem cũng sẽ cảm nhận được cảm xúc bình tâm, vững chắc bên trong chính mình và bên trong tác phẩm một cách tích cực như vậy”.

KIM LOAN