Họa sĩ Đỗ Hương: Mạng xã hội không còn là ảo

Họa sĩ Đỗ Hương.

Họa sĩ Đỗ Hương chia sẻ, Facebook mang lại lợi ích về cơ hội hiểu biết và học tập những tiến bộ mà thời trước chị chưa biết. Nhưng nó cũng làm mất thời gian quá nhiều nếu không ý thức về cuộc sống và công việc ngoài đời thật.

Trên mạng có đủ thứ hay ho và cũng đủ kiểu lừa lọc từ tình cảm đến tiền bạc. Ảo rất nhiều, và chỉ có chút ít thật. Lên mạng ai cũng như được “đánh phấn tô son” về tư chất và đời sống. Nó giống như sân khấu riêng của mỗi người, kịch bản do mình viết ra.

Xem thêm: XSMB 2/7 - Kết quả xổ số miền Bắc hôm nay 2/7/2024 - XSMB thứ Ba

Có điều bây giờ mạng xã hội là nơi quá nhốn nháo khi người ta vội vã cả về tiền và danh trước mắt.

Họa sĩ Đỗ Hương sử dụng mạng xã hội, cụ thể là Facebook để giữ liên lạc với gia đình. Thỉnh thoảng ngơi việc, chị dùng thời tiết, xã hội, tình yêu làm chất xúc tác để viết văn, viết thơ cho vui, rồi lại buông đấy vẽ tranh, chơi nhạc và làm việc của mình: “Viết tếu táo cho vui là chính. Đưa tranh ảnh nghệ thuật, giữ quan hệ với những người bạn có chung nghề nghiệp và sở thích. Tôi ít bạn, nhưng chơi với ai là thân, dù nghề nghiệp khiến tôi quan hệ rộng. Tôi không coi Facebook là nơi tôi “làm báo”, không dùng mạng để nói xấu hay nêu quan điểm chính trị, xã hội, tôn giáo. Tôi coi mạng xã hội giống như đọc “tiểu thuyết”, tức mỗi cá nhân đều có hư cấu bản thân như trang điểm”.

Điều mà họa sĩ Đỗ Hương thấy rõ nhất là biết thêm nhiều thông tin về xã hội, đó cũng là điểm chung lợi và hại. Biết nhiều thông tin và hoạt động của những người tài năng và hay ho, mà ở ngoài rất khó gặp cả trong nước và quốc tế. Chị biết giới trẻ, cha mẹ, ông bà trong gia đình và xã hội đang hiểu thế nào về quan niệm và nhận thức.

Chị thấy có niềm vui, nỗi buồn của các thế hệ khi va nhau: “Nhưng phải nói rằng, Facebook là cách nhanh nhất cập nhật văn minh và khoa học tiến bộ, ngày nào cũng có thông tin mới, nên người chơi sẽ bị thu hút. Có lợi cho các cụ già cô đơn ở nhà khi lên mạng thấy cả thế giới.

Cũng chính về thế mà… nhiều người ít vận động hơn. Sức khỏe kém đi”.

Xem thêm: Những đối tượng cần đi tầm soát ung thư gan sớm

Nhiều người đang bị cuốn vào cuộc sống trên mạng xã hội, hùa theo các trào lưu mà không có cách ứng xử linh hoạt, sáng suốt.

Họa sĩ Đỗ Hương khẳng định, Facebook ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa và cách ứng xử giữa con người với nhau. Là mạng ảo, ai muốn ý kiến cũng rất mạnh dạn, như Facebook là một tờ báo riêng của họ, trong khi các vấn đề chưa được kiểm chứng. Nghe đến đâu đưa đến đó, tác động vào cộng đồng thực tế từ tích cực đến tiêu cực, từ hay đến dở.

Chị để chế độ công khai vì chỉ nói về văn hóa gia đình và văn thơ tranh ảnh: “Tôi không phát ngôn bừa hay trình bày quan điểm, quan hệ về chính trị, văn hóa, tôn giáo, như một thói quen nghề nghiệp. Đưa ra công luận, cần trung thực, có trách nhiệm, đúng nơi, đúng chỗ”.

Theo quan sát của họa sĩ Đỗ Hương, giới trẻ đang bị ảnh hưởng bởi những phát ngôn của “người già” trên Facebook. Họ là những người biết đúng sai, thấy hay và dở. Hai tầng lớp đó gần như đối lập nhau trong quan điểm và nhận thức. “Người già” muốn lớp trẻ có ý thức về văn hóa, mà lên mạng xã hội lại không chú trọng làm gương cho con cháu mình, từ lời nói đến việc làm.

“Giáo dục lý thuyết mà không thực hành nên giới trẻ dùng mạng xã hội để gây cười, tạo trend, tạo nhóm hài hoặc kinh doanh, hoặc phổ biến ăn chơi cũng là để kiếm tiền. Một số không quan tâm đến thế sự thăng trầm, nhưng là nơi lan tỏa thái độ", họa sĩ Đỗ Hương chia sẻ và cho rằng, trên mạng xã hội, đa số cả người lao động lẫn trí thức, từ già đến trẻ dễ bị dẫn dắt nếu biết khơi gợi chuyện lạ.

Có chuyện có tác động rất tốt. Nhưng có chuyện nhạt nhẽo thì kéo theo số đông người trẻ a dua. Giải trí nhanh không cân nhắc xấu tốt dai bền. Cứ chơi với nhau là ủng hộ, cái gì cũng like cho khỏi mất quan hệ, việc này không tán dương thì lờ đi, gặp nhau còn nhìn là bạn. Tôi sợ nhất kiểu này. Trên mạng hầu như người ta không quan tâm đến sự thật, hoàn cảnh và đạo đức cá nhân, khi đã là bạn của nhau, vấn đề gì cũng like vì quen biết.

Người viết giỏi buông lời chê bai hay nói xấu ai đó cộng đồng mạng hùa theo có thể ảnh hưởng cả sự nghiệp hoặc con người đó. Không tìm hiểu căn nguyên, cội rễ, cũng chẳng thị phạm hay có chứng cứ. Nếu người viết là người có tên tuổi, còn được xã hội biết đến như một người có chức sắc, địa vị, hay người nổi tiếng ở lĩnh vực chuyên môn nào đó, thì đám đông đương nhiên coi đó là người tin cậy và tử tế.

“Không cứ là nhận đút lót hay hối lộ mới làm xã hội đi xuống. Thái độ cả nể, quen biết là vỗ tay hoặc làm ngơ trước việc xấu, thậm chí hùa theo là mầm mống của thói hư tật xấu, là bè nhóm dẫn đến lợi ích cá nhân về vật chất, ngay cả khi biết bạn mình sai. Người thẳng thắn cương trực có. Nhưng dám thể hiện thì quá ít, vì họ vẫn bị chi phối về quản lý trong một tổ chức cơ quan nhỏ, những người đó phần lớn sợ mất tình cảm hơn là mất tiền, cũng là một cách thiếu trách nhiệm xây dựng”, họa sĩ Đỗ Hương nêu quan điểm.

Mỗi cá nhân sử dụng mạng xã hội có ý thức trách nhiệm về con người và xã hội là điều quan trọng. Phải hiểu mình đưa bài như thế vì mục đích gì? Viết ra cho thấy mình có quan điểm có nghĩ đến hậu quả cá nhân và xã hội không? Hay đưa lên mạng xã hội để cho biết ta là người thạo tin? Hay vì lợi ích nào đó?

“Tôi vẫn nghĩ đến trách nhiệm công dân. Dù là dùng mạng xã hội, khi viết cũng phải nghĩ đến “vận hạn” của cá nhân và tổ chức mình sau khi mình đưa lên. Ngoài tính trung thực, phải biết điều đó có thể gây tổn hại đến uy tín, xã hội, văn hóa và chính trị, vì mạng xã hội là xã hội toàn cầu rồi. Có bài đăng lên, dù người viết nói là mua vui, người ta vẫn nhận thấy tâm, tầm và ý thức sống của người đó. Là người tử tế và có trách nhiệm hay không, điều này không phụ thuộc vào lứa tuổi hay nghề nghiệp", họa sĩ Đỗ Hương nói.

Việt Quỳnh (thực hiện)