Hiểu hơn về món bánh cuốn '68 năm tuổi' tại Đà Nẵng

Qua tìm hiểu, bánh cuốn Tiến Hưng mở bán được 68 năm. Dù hương vị có phần quen thuộc như bánh cuốn miền Bắc nhưng sự khác biệt nhất chính ở nước chấm và hành phi giòn tan.
Cô Phạm Thị Thanh Chung (63 tuổi), chủ quán bánh cuốn Tiến Hưng, cho hay bố mẹ cô là người từ Bắc vào miền Trung, khởi nghiệp bởi món bánh cuốn từ năm 1955.

Bánh cuốn Tiến Hưng những ngày đầu mở bán. Ảnh tư liệu quán

Công thức, cách làm vẫn lấy từ gốc là bánh cuốn miền Bắc, nguyên liệu bột gạo nguyên chất tự làm, không pha chất phụ gia, hành phi chiên cẩn thận, có công thức riêng nên khi để lâu hành vẫn giòn, không bị mềm. “Người miền Bắc hay Hà Nội khi đi du lịch đến quán chúng tôi ăn khá nhiều, họ thấy bánh cuốn ở đây ngon không kém gì ở miền Bắc và rất thích hành phi nơi đây”, cô bày tỏ.

Xem thêm: Lễ hội mùa Đông Sa Pa hút khách với nhiều sản phẩm du lịch mới

Hiện thương hiệu có hai cơ sở, cơ sở đông khách nhất nằm ở số 190 Trần Phú (cách Chợ Hàn 400m), đây là khu vực có nhiều khách du lịch đến mua sắm và ăn uống. Mỗi ngày cơ sở này bán khoảng 300 phần bánh, chủ yếu là khách nước ngoài đến trải nghiệm. Món được thực khách gọi nhiều nhất là bánh cuốn chả, do chả ở đây ngon khi ăn kèm với bánh. Bánh cuốn ở đây tuy mỏng nhưng cuốn một lớp nhân thịt nấm và gắp ra chấm cùng nước dùng thì không bị đổ phần nhân bên trong.

Một phần bánh cuốn Tiến Hưng. Ảnh: Cao Linh

Phần mặt trên bánh rải lớp chà bông và hành phi, hành phi nhiều và giòn nên hợp cho những ai thích ăn hành. Vị mặn chà bông xen lẫn chút ngọt bùi của hành phi, kết hợp cùng nước mắm chua ngọt tạo nên một đĩa bánh cuốn chất lượng, gây thương nhớ cho khách du lịch lẫn người địa phương khi đến đây ăn.

Xem thêm: Khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn thị xã Ngã Năm

Giá món ăn: từ 30.000 – 48.000 đồng (quán có bán riêng chả, chà bông và hành phi tự làm). Ngoài chi nhánh Trần Phú, quán còn một chi nhánh ở 140 Núi Thành. Giờ mở cửa 6:00 – 21:30 mỗi ngày.

Cao Linh