HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua các chính sách, biện pháp hỗ trợ, tái thiết kinh tế - xã hội sau bão số 3

Trước khi tiến hành phiên khai mạc kỳ họp, các đại biểu tham dự đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do cơn bão số 3

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã xem xét, thảo luận đối với 6 tờ trình, 5 dự thảo nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh trình và các báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh nhằm thảo luận và quyết nghị kịp thời một số chính sách, biện pháp khẩn cấp theo trình tự, thủ tục rút gọn để hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi) trên địa bàn tỉnh và thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Vi Ngọc Bích phát biểu khai mạc kỳ họp

Xem thêm: Tập đoàn TH: Tiên phong hướng đến chuẩn hóa dinh dưỡng học đường

Với sự thống nhất tuyệt đối của các đại biểu tham dự, HĐND tỉnh đã quyết nghị thông qua 5 nghị quyết quan trọng. Trong đó, có Nghị quyết về một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 (bão Yagi) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024 với những nội dung cơ bản:

Hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trừ học sinh tiểu học trường công lập và các đối tượng đã được hưởng chính sách hỗ trợ học phí theo quy định của tỉnh trong năm học 2024-2025.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Ánh điều hành nội dung thảo luận tại kỳ họp

Hỗ trợ xây nhà ở, sửa chữa nhà ở theo Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16.7.2021 của HĐND tỉnh: Hộ gia đình có nhà ở bị đổ, sập, hư hỏng nặng không có khả năng khôi phục cần phải xây mới thì được hỗ trợ chi phí xây dựng nhà ở mới, với mức hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ. Hộ gia đình có nhà ở bị hư hỏng nặng mà phần còn lại không thể ở được thì được hỗ trợ chi phí sửa chữa nhà ở, với mức 50 triệu đồng/hộ.

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Văn Hồi phát biểu thảo luận

Hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện sản xuất là tàu, thuyền đăng ký tại tỉnh Quảng Ninh bị chìm do cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Mức hỗ trợ là chi phí trục vớt phương tiện bị chìm 50 triệu đồng đối với phương tiện có chiều dài từ 12m trở lên; 15 triệu đồng đối với phương tiện có chiều dài từ 6m đến dưới 12m.

Xem thêm: Mưa lớn khiến 3 người tử vong, hàng trăm nhà dân bị hư hỏng

Nghị quyết cũng chỉ rõ, không xem xét hỗ trợ đối các phương tiện tàu thuyền đã mua bảo hiểm thân, vỏ tàu; các phương tiện tàu, thuyền không chấp hành nghiêm túc các quy định phòng, chống bão hoặc không thực hiện di chuyển, neo đậu vào đúng vị trí (khu vực) neo đậu, tránh trú bão theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương. Phấn đấu hoàn thành việc hỗ trợ trong tháng 11.2024.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy thay mặt UBND tỉnh làm rõ thêm một số nội dung đại biểu HĐND tỉnh quan tâm

HĐND tỉnh Quảng Ninh giao UBND tỉnh tổ chức triển khai nghị quyết, phấn phấn đấu hoàn thành hỗ trợ trong tháng 11.2024.

Cùng với nghị quyết trên, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua 4 nghị quyết quan trọng khác, về: sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16.7.2021 của HĐND tỉnh Quảng Ninh quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh lên mức 700 nghìn đồng/người/tháng; điều chỉnh, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2024; xác nhận kết quả bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh Quảng Ninh Khóa XIV, nhiệm kỳ và miễn nhiệm Ủy viên UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết trình kỳ họp

Theo báo cáo thống kê mới nhất về thiệt hại do bão số 3 gây ra, Quảng Ninh xác định có 29 người chết; 1.609 người bị thương được điều trị tại các cơ sở y tế; 4 người mất liên lạc...

Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 24.223 tỷ đồng và kéo theo các sự cố mất điện, nước, thông tin liên lạc trên diện rộng. Trong đó, TP. Hạ Long là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất, khoảng 8.765,1 tỷ đồng. Tiếp đó là huyện Vân Đồn khoảng 3.693,5 tỷ đồng; TP. Uông Bí khoảng 3.200 tỷ đồng; thị xã Quảng Yên khoảng 2.305,8 tỷ đồng; thị xã Đông Triều 2.219.9 tỷ đồng; TP. Cẩm Phả khoảng 1.127 tỷ đồng...

Công tác khắc phục thiệt hại của bão số 3 và hoàn lưu sau bão được xác định là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của toàn tỉnh Quảng Ninh. Đến nay, các sự cố mất điện, nước, thông tin liên lạc trên địa bàn đã cơ bản được khắc phục hoàn toàn.

Toàn bộ các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, khu công nghiệp, khu kinh tế, mỏ khai thác than... đã hoạt động trở lại bình thường. Nhiều cơ sở, đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch và vịnh Hạ Long cũng đã sẵn sàng đón khách trở lại.

Hiện Quảng Ninh đang tập trung vào việc khôi phục, tái thiết kinh tế sau bão số 3.

Mạnh Tuân