Hành trình gần một thập kỷ của Gốm Mường

Thổi hồn đương đại vào chất liệu bản địa

Có lẽ cái tên Hiếu Mường không còn xa lạ với công chúng quan tâm và yêu văn hóa Mường, bởi hành trình hơn một thập niên gìn giữ và phát triển di sản của họa sĩ Vũ Đức Hiếu.

Họa sĩ Hiếu Mường và tác phẩm.

Xem thêm: Phú Thọ: Ra mắt 'Làng nghệ thuật Việt Nam' tại huyện Thanh Thủy

Năm 2007, trên mảnh đất xứ Mường, anh đã thành lập Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường- nơi không chỉ lưu giữ những di sản quý giá của ông cha mà còn là một không gian nghệ thuật sống động, nơi truyền thống và hiện đại giao thoa, tạo nên sức hút đặc biệt với người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước. Đối với họa sĩ Hiếu Mường, đó là một hành trình đầy cảm hứng, kết nối giữa quá khứ với hiện tại, để đưa văn hóa Mường đến gần hơn với công chúng. Khi xây dựng bảo tàng, anh chú trọng đến việc sưu tầm hiện vật Mường như chiêng, gốm, phục trang, đồ dùng thường nhật, nhà cửa.

Nhưng với họa sĩ Hiếu Mường, bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị truyền thống. Đó còn là nơi anh tổ chức các workshop kết nối với các nghệ sĩ đương đại để tạo ra những sản phẩm mới.

Qua nhiều năm nghiên cứu, học hỏi từ các nghệ nhân lão luyện và trải nghiệm thực tế tại các làng gốm danh tiếng khắp cả nước như Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu, Đông Triều, Mường Chanh, Phước Tích, Châu Ổ, Tây Giang, Bàu Trúc, Biên Hòa..., nghệ sĩ Vũ Đức Hiếu cùng các cộng sự đã chắt lọc những tinh hoa của đất, của lửa, của bàn tay tài hoa người nghệ nhân, để từ đó kiến tạo nên một dòng gốm độc đáo, một tinh thần gốm rất riêng mà mọi người yêu mến định danh với tên gọi: Gốm Mường.

Tháng 9/2014, với sự ra đời của Mường Studio cùng xưởng Gốm Mường đã tạo nên sân chơi đặc biệt dành cho các nghệ sĩ trong và ngoài nước tới sáng tác với một chất liệu thú vị: Gốm. Gốm Mường được ra mắt trưng bày, giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật lần đầu tiên năm 2014 trong cuộc triển lãm: “Mường Ceramic”. Triển lãm được phối hợp với Module 7 (83 Xuân Diệu, Hà Nội), là sự kết hợp giữa gốm và những thiết kế nội thất đều lấy cảm hứng từ tinh thần cô đọng tối giản, đậm chất triết lý Á Đông.

Năm 2017, Mường Studio tổ chức workshop: “Hội tụ Gốm Mường” quy tụ hơn 30 nghệ sĩ, nhà điêu khắc, họa sĩ từ khắp các miền đất nước đến trực tiếp sáng tác, thể hiện với chất liệu gốm. Những tác phẩm ra đời trong trại sáng tác mang đến những hiệu quả thẩm mỹ đặc biệt và đầy bất ngờ. Bằng những nguyên liệu rất bản địa, được khai thác trực tiếp tại chỗ như đất đồi, đất tổ mối.. kết hợp các loại men gio, men khô làm theo phương thức truyền thống nhưng được lấy từ vỏ cây, tro trấu, vật liệu địa phương… hay cách nung đốt bằng lò ga, lò điện, lò củi với nhiều thử nghiệm khác nhau. Họa sĩ Vũ Đức Hiếu cùng các nghệ sĩ đã tạo nên một tinh thần gốm rất đặc biệt, rất mới nhưng vẫn gần gũi và thân thuộc.

Xem thêm: Hoạt động tình nguyện hướng đến thanh thiếu niên dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk

Gốm vượt qua khuôn mẫu của những bình lọ thông thường mà được ghi nhận trở thành chất liệu riêng biệt, độc lập tạo nên những tác phẩm điêu khắc với những biểu đạt mà không phải chất liệu nào cũng có được sắc thái ấy. Mười năm qua, Mường Studio và Gốm Mường vẫn luôn thu hút nhiều khán giả tham quan, được nhiều người yêu thích, sưu tầm; đồng thời cũng là địa chỉ uy tín mà nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế đến trải nghiệm, trực tiếp sáng tác.

Nhiều nghệ sĩ trong nước và quốc tế đến sáng tác tại lò gốm Mường.

Có thể nói, gốm Mường là sự kết tinh của tâm hồn và cảm xúc, mỗi tác phẩm đều mang một câu chuyện về văn hóa và con người độc đáo xứ Mường. “Từ những nguyên liệu thô sơ của đất mẹ, qua bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, gốm Mường đã vượt qua giới hạn của vật chất, trở thành một hình thức nghệ thuật độc đáo, thể hiện sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản địa và quốc tế”, nhà phê bình Vũ Huy Thông nói.

Với những nỗ lực tôn vinh văn hóa Mường truyền thống đồng thời gắn liền với những hoạt động, sáng tạo nghệ thuật đương đại, năm 2013, Bảo tàng Không gian văn hóa Mường vinh dự được trao giải: Giải thưởng Phan Châu Trinh về Văn hóa – Giáo dục (2013). Đến năm 2020 tiếp tục được ghi nhận với giải thưởng quốc tế Jeonju International Awards 2020 (Hàn Quốc)…

Khát vọng mang gốm đi xa

Sau hành trình 10 năm bền bỉ sáng tạo, gốm Mường đã định vị một cái tên trong làng gốm Việt. Và lần này, tại địa chỉ số 85 Nhật Chiêu - Tây Hồ, hơn 100 tác phẩm Gốm Mường được giới thiệu trong cuộc trưng bày: “Mở Xưởng Gốm Mường”. Đây là các tác phẩm gốm độc bản của nhiều nghệ sĩ - tác giả đã tham gia sáng tác tại Mường Studio trong nhiều năm, được chọn lựa để ra mắt khán giả trong và ngoài nước tại địa chỉ nghệ thuật rất mới này.

Theo một chuyên gia nghiên cứu mỹ thuật, gốm Mường hấp dẫn, độc đáo vì nó không chỉ là một sản phẩm thủ công, mỹ nghệ. Những tác phẩm gốm chứa đựng cả một hành trình sáng tạo và khám phá không ngừng nghỉ của các thế hệ nghệ sĩ. Ở đó là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người và thiên nhiên, giữa truyền thống và đổi mới. Điều ấn tượng với gốm Mường là cách tạo hình độc đáo, gợi cảm, nhưng không khuôn vào một hình hay “phom” nào. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông nhận xét: “Tư duy tạo hình, (của gốm Mường) như một mạch nguồn cảm xúc tự nhiên, vừa có bóng dáng đồ vật, giàu tính biểu hiện phồn thực…, vừa gợi liên tưởng tới các totem nguyên thủy xa xôi”.

Còn họa sĩ Vũ Đức Hiếu, chủ nhân của gốm Mường chia sẻ rằng, hơn 100 tác phẩm được lựa chọn để trưng bày tại không gian 85 Nhật Chiêu bên Hồ Tây lần này của một số tác giả, họ sáng tạo trên chất cốt và tông màu men, cùng một nguồn gốc. Như tượng Phật là do anh hoàn thành chung cùng nghệ sĩ Bùi Văn Đạo, trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Tây Bắc. Nếu quan sát kỹ, thì mỗi một loại “phom” sẽ ra phong cách riêng của mỗi tác giả. “Còn “phom” của tôi”, Hiếu nói: “Thì tự nhiên có ảnh hưởng từ hình khối đường nét vật dụng sinh hoạt trong đời sống của người Mường như nơm, đó, giỏ, gùi, ớp (đồ đeo bên hông phụ nữ Mường) do trước đây tôi vẽ những đồ này rất nhiều. Ngoài ra, còn có cả tinh thần văn hóa Mường chắt lọc trong hình hoa văn, họa tiết được tôi dùng trong cách họa men…”.

Họa sĩ còn nhấn mạnh, dòng “gốm Mường” của anh tại Hòa Bình tuy hướng tới cách thức sáng tác độc bản, nhưng lại rất mong muốn thu hút quy tụ được nhiều nghệ sĩ với những phong cách khác nhau tham gia sáng tạo. Đó là cách nối dài đời sống cho nghệ thuật truyền thống, để gốm Mường đến gần hơn với công chúng yêu nghệ thuật.

Thực tế hiện nay, ở Việt Nam, có nhiều làng gốm cổ đã gần như biến mất như làng gốm Thổ Hà, gốm Hương Canh. Những làng gốm dần mai một vì không có những thế hệ kế cận, trao truyền. Nhưng có lẽ, quan trọng hơn, đó là gốm cần nối dài đời sống bằng những sinh lực mới, những sáng tạo mới phù hợp với đời sống và thẩm mỹ đương đại. Mở xưởng Gốm Mường tại Hà Nội của họa sĩ Hiếu Mường và các cộng sự là một cách lan tỏa những giá trị đương đại của gốm Mường nói riêng và văn hóa Mường nói chung. Sự nỗ lực đó, chắc chắn sẽ được cộng đồng đón nhận và kết nối, để những di sản truyền thống sẽ tồn tại và phát triển và không ngừng, tạo ra những giá trị mới cho gốm.

Mỹ Trân