Gốm Mường về Thủ đô - hành trình một thập kỷ

Mong muốn bảo tồn và giới thiệu văn hóa dân tộc Mường đến gần hơn với công chúng cả nước, tháng 8 vừa qua, họa sĩ Vũ Đức Hiếu chính thức đưa gốm Mường về với Thủ đô trong không gian đậm đà bản sắc văn hóa tại địa chỉ số 85 Nhật Chiêu, quận Tây Hồ (Hà Nội).

Hơn 130 tác phẩm gốm Mường được họa sĩ Vũ Đức Hiếu trưng bày tại số 85 Nhật Chiêu, quận Tây Hồ (Hà Nội).

Chúng tôi gặp lại họa sĩ Vũ Đức Hiếu khi nhận tin gốm Mường có bước tiến mới sau 10 năm hình thành và phát triển. "Mở xưởng gốm Mường” tại Hà Nội chính là sự kiện đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của gốm Mường, đưa dòng gốm vừa lạ vừa quen này đến gần hơn với công chúng.

Xem thêm: Những hình ảnh 3D trực tuyến về Hà Nội một thời hào hùng và vang vọng

Nếu chỉ nghe qua cái tên gốm Mường nhiều người sẽ nghĩ đó là sản phẩm gốm thông thường của đồng bào người Mường tạo nên. Nhưng trên thực tế không có thông tin lịch sử nào ghi nhận về việc người Mường phát triển nghề sản xuất gốm. Gốm Mường chỉ bắt đầu xuất hiện vào tháng 9/2014, khi họa sĩ Vũ Đức Hiếu lựa chọn cái tên này để đặt cho xưởng gốm và các sản phẩm gốm được hoàn thiện tại khuôn viên Bảo tàng không gian văn hóa Mường (số 202, đường Tây Tiến, phường Thái Bình, TP Hòa Bình).

Xem thêm: Triển lãm số sử dụng màn hình tương tác đầu tiên tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Khác với những dòng gốm hiện có trên thị trường, gốm Mường là những tác phẩm nghệ thuật độc bản không theo khuôn mẫu sẵn, được lấy cảm hứng chính từ lịch sử, văn hóa, con người, vùng đất Mường Hòa Bình. Đặc biệt, hơn 90% nguyên liệu để chế tác và nung gốm, như đất tổ mối, đất sét (tạo cốt gốm); chất pha chế men gio (tro), phụ liệu đặc sắc... hầu hết được khai thác tại chỗ và xung quanh khu vực của Bảo tàng không gian văn hóa Mường. Có thể nói, mỗi tác phẩm gốm Mường đều là sự kết tinh của tâm hồn và cảm xúc, mang theo câu chuyện về văn hóa và con người xứ Mường.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông nhận xét: "Từ những nguyên liệu thô sơ của đất mẹ, qua bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, gốm Mường đã vượt qua giới hạn của vật chất, trở thành một hình thức nghệ thuật độc đáo, thể hiện sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản địa và quốc tế. Tư duy tạo hình (của gốm Mường) như một mạch nguồn cảm xúc tự nhiên, vừa có bóng dáng đồ vật, giàu tính biểu hiện phồn thực…, vừa gợi liên tưởng tới các totem nguyên thủy xa xôi”.

Nói về tâm huyết với gốm Mường, họa sĩ Vũ Đức Hiếu chia sẻ: "Bản thân là một nghệ sĩ, tôi mong muốn văn hóa và nghệ thuật có thể song hành cùng phát triển, lấy lịch sử văn hóa để sáng tác câu chuyện nghệ thuật. Chính vì thế, trong 10 năm qua chúng tôi thường xuyên tổ chức workshop và festival nghệ thuật, những chương trình trong nước và quốc tế để giới thiệu về gốm Mường. Ngoài mục đích giao lưu, học hỏi, trao đổi nghề nghiệp, điều tôi mong muốn nhất là để các nghệ sĩ tìm hiểu về văn hóa bản địa của dân tộc Mường nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung. Nghệ sĩ khi tìm thấy nguồn cảm hứng và sáng tác tại gốm Mường cũng chính là cánh tay nối dài để giới thiệu về văn hóa Mường tới cộng đồng trong nước và quốc tế”.

Sau 10 năm nỗ lực không ngừng nghỉ, gốm Mường đã có những bước tiến mới, dần định vị được cái tên trong làng gốm Việt. Năm 2014, những thành phẩm đầu tiên của gốm Mường được trưng bày tại triển lãm gốm mang tên "Mường Ceramic” ở số 83 Xuân Diệu, Hà Nội. Năm 2017, workshop "Gốm Mường” quy tụ cùng lúc hơn 30 nghệ sĩ điêu khắc, họa sĩ yêu thích sáng tác gốm từ khắp nơi đến trực tiếp tạo tác, để lại những kinh nghiệm, phương thức mới và thành phẩm chất lượng.

Để đưa các tác phẩm gốm Mường đến gần hơn với người dân yêu nghệ thuật Thủ đô, sự kiện "Mở xưởng gốm Mường” diễn ra vào tháng 8/2024 tại Hà Nội đã được họa sĩ Vũ Đức Hiếu cùng các cộng sự dày công chuẩn bị nhân dịp kỷ niệm 10 năm hoạt động của xưởng. Hơn 130 tác phẩm được lựa chọn trưng bày đến từ nhiều nghệ sĩ, tác giả đã tham gia sáng tác tại xưởng gốm Mường trong 10 năm qua. Địa chỉ số 85 Nhật Chiêu trở thành nơi trưng bày thường xuyên, mở cửa hàng ngày đón công chúng và du khách quan tâm, yêu thích gốm Mường nói riêng và nghệ thuật gốm nói chung.

Huyền Trang