'Giúp đỡ người khác chính là cho mình cơ hội tìm thấy niềm vui'

Chị Nguyễn Thị Giang Như (trái) đang hỗ trợ bệnh nhân cùng người nhà tại bệnh viện

Đã 5 năm trôi qua, chị Lành Thị Thời (ở xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) vẫn chưa quên được cảm giác phải cóp nhặt từng đồng, đưa con xuống Hà Nội chữa bệnh thì bị kẻ xấu lừa lấy hết. Con của chị Thời được các bác sĩ tuyến tỉnh chẩn đoán bị ung thư võng mạc, khoản chi phí điều trị dự kiến sẽ rất lớn.

Đang ngậm ngùi định bắt xe đưa con quay về Sơn La thì chị Thời được chị Nguyễn Thị Giang Như hỗ trợ vào bệnh viện làm thủ tục và còn quyên góp thêm kinh phí điều trị. "Ngay từ khi sinh bé Sen, gia đình tôi đã biết con không thể nhìn thấy ánh sáng nhưng vì không có tiền nên không thể cho con đi khám bệnh.

Xem thêm: Thấy cái máy tính xách tay cũ của chồng, tôi đau thấu tim gan khi đọc tin nhắn giữa chồng với bạn dược sĩ

Đến khi con thứ hai là cháu Vui chào đời, biết con cũng có dấu hiệu tương tự, gia đình tôi tuyệt vọng lắm nhưng không còn cách nào khác để chạy chữa cho các con. May mắn là có chị Như hỗ trợ. Hiện giờ, tình trạng của các con tôi đã ổn định", chị Thời tâm sự.

Nói về lý do bắt đầu với hành trình hỗ trợ bệnh nhân người dân tộc thiểu số xuống khám bệnh tại Hà Nội, chị Như cho biết, ngày chị còn nhỏ, anh của chị bị mắc bệnh suy thận cấp, bố mẹ chị đưa xuống bệnh viện điều trị thì bị kẻ gian lừa hết số tiền tích cóp để điều trị cho con.

"Nếu như thời điểm ấy có người nào đấy sẵn sàng chỉ đường đi nước bước cho bố mẹ tôi thì có lẽ đã không xảy ra chuyện đó. Sau này đi học và lập nghiệp ở Hà Nội, tôi đã nung nấu ý định hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn từ các tỉnh xuống Hà Nội chữa bệnh", chị Như chia sẻ.

Chị Như hiện là chủ của một cửa hàng nông sản ở quận Hà Đông, Hà Nội. Công việc kinh doanh khá bận rộn nhưng hễ nhận được thông tin có người cần giúp đỡ là chị lại thu xếp để đi hỗ trợ ngay. Mỗi bệnh nhân xuống Hà Nội khám bệnh đều được chị Như hỗ trợ đón từ bến xe, đưa vào bệnh viện làm các thủ tục khám.

Nếu họ phải nhập viện, chị sẽ hỗ trợ làm thủ tục, sau đó nấu cơm, mang cơm đến hoặc đặt cơm cho người nhà bệnh nhân cho tới khi họ điều trị khỏi và ra viện. Những trường hợp bệnh nhi nặng, bố mẹ là người dân tộc thiểu số, không biết nói tiếng phổ thông, chị sẽ vào chăm sóc trực tiếp.

Những việc làm ấm áp của chị Như không chỉ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng mà còn có sự đồng hành của các thành viên trong gia đình chị.

"Bố tôi là người vừa chăm hai cháu giúp tôi những lúc tôi đi hỗ trợ bệnh nhân. Thậm chí những lúc tôi bận, ông sẽ là người nấu cơm, mang cơm cho bệnh nhân. Nhiều lần, để đón được bệnh nhân từ bến xe lúc 2-3 giờ sáng, tôi phải đi từ sớm, việc đưa đón con đi học phải nhờ người thân hỗ trợ".

Trong hành trình hỗ trợ bệnh nhân của mình, nhiều lúc, chị Như phải chứng kiến người bệnh khi đến được bệnh viện thì đã quá muộn. Buổi sáng vừa hỗ trợ đưa bệnh nhân vào bệnh viện, buổi chiều đã phải đưa họ về vì không thể cứu chữa.

Đã có lúc, chị cảm thấy ám ảnh và muốn dừng lại công việc hỗ trợ này. Thế nhưng trái tim người phụ nữ ấy lại không thể kìm lòng được trước những mảnh đời đang cần sự giúp đỡ.

"Có một nữ bệnh nhân bị ung thư vú, nhà nghèo lắm, ở huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Khi đi đường, khối u bục ra, chị í phải dừng lại, mua bông gạc để băng tạm. Đến khi đưa được chị í vào bệnh viện thì bác sĩ bảo cho bệnh nhân về nhà còn kịp gặp mặt người thân lần cuối.

Xem thêm: Tục đi tu báo hiếu của người Khmer ở Trà Vinh

Mình rất buồn, cứ nghĩ là nốt trường hợp này sẽ không nhận hỗ trợ nữa, mình cảm thấy bất lực, không giúp được gì cho người ta. Nhưng những cuộc gọi mong được hỗ trợ vẫn cứ tiếp tục và tôi không thể đứng nhìn. Tôi còn sống ở đất Hà Nội này thì sẽ còn hỗ trợ những người cần giúp đỡ".

Anh Đào