Giám định ADN: hành trình tìm lại tên cho liệt sĩ

Sau hơn nửa thế kỷ tìm kiếm, gia đình đã vô cùng xúc động khi đón được liệt sĩ Chử Văn Cần (Thanh Sơn, Vĩnh Phúc) trở về an nghỉ tại quê nhà.

Nhập ngũ tháng 8/1971, liệt sĩ hy sinh năm 1972 khi đang thực hiện nhiệm vụ tại mặt trận phía Tây. Nhờ phương pháp giám định ADN, đối chiếu thông tin với gen của thân nhân, cơ quan chức năng đã xác định được danh tính, tìm lại tên tuổi, quê quán của liệt sĩ.

Anh Đỗ Văn Hoàng, cháu họ liệt sĩ Chử Văn Cần, chia sẻ: "Gia đình vô cùng xúc động khi được Bộ Lao động báo tin về kết quả giám định xác định danh tính liệt sĩ".

Xem thêm: Khám phá di tích lịch sử ở quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nhưng những gia đình xác định được hài cốt của người thân như vậy không nhiều. Hơn một năm nay, gia đình chị Diện vẫn ngóng chờ từng ngày kết quả giám định ADN của liệt sĩ Nguyễn Đình Luyện (Phù Tiên, Hải Hưng cũ).

Hiện cả nước còn hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ nhưng chưa xác định được danh tính và khoảng 180 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa tìm kiếm, quy tập được.

Thông tin trong những năm chiến tranh đôi khi không chính xác, lại trải qua thời gian dài nên phai mờ dần. Đây là khó khăn lớn nhất cho công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ hiện nay.

Giám định ADN hài cốt liệt sĩ.

Mặc dù đã đạt được những thành công bước đầu, song việc giám định ADN hài cốt liệt sĩ ngày càng khó hơn. Chất lượng giám định ADN sẽ giảm dần vì các mẫu xương bị phân hủy rất mạnh theo thời gian.

Anh Hà Hữu Hảo, Trưởng khoa Y - Sinh học, Viện Pháp Y quốc gia, cho biết công tác giám định gen ADN liệt sĩ đang gặp một số khó khăn do hoàn cảnh lịch sử để lại như thời tiết Việt Nam nóng ẩm nên xương bị phân hủy nhanh, thông tin về thân nhân liệt sĩ không có. Vì vậy, nếu xác định ADN mà so với số lượng mẫu rất lớn (hàng triệu mẫu) thì tỷ lệ thành công rất khó.

Xem thêm: Điều du khách đặc biệt lưu ý khi du lịch đảo Bali

Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐTB&XH, cho biết Bộ đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các địa phương tổ chức lấy trên 50.000 hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; đã phân tích được hơn 25.000 kết quả ADN để so sánh, đối khớp và lưu trữ vào trung tâm lưu trữ ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ. Trong quá trình lưu trữ và so sánh đối khớp, đã xác định được trên 1.500 danh tính liệt sĩ.

Đề án giám định gen, định danh liệt sĩ sau 10 năm triển khai đã mang lại niềm hy vọng cho các gia đình liệt sĩ. Đi qua các cuộc chiến tranh, đất nước ta có gần 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường. Đến giờ phút này vẫn còn rất nhiều liệt sĩ chưa xác định được danh tính, đồng nghĩa với còn rất nhiều gia đình khắc khoải mong chờ “ngày trở về” của liệt sĩ.