'Game show dân gian' của trẻ em dân tộc Lự

Trò chơi đối đáp với bà mụ

Cũng theo lệ ngày Tết cấm bản của các tộc người khác ở Tây Bắc, Tết cấm bản của người Lự ở xã Nậm Tăm tự ngàn xưa quy định nội bất xuất, ngoại bất nhập. Có nghĩa là, trong 3 ngày Tết, người ngoài tộc không được vào bản và người trong bản không được ra ngoài.

Nói về nguồn gốc của ngày Tết này, bà Lò Thị Son cho biết, từ lâu lắm rồi có một trận đại dịch tràn bản làng của người Lự vùng Sìn Hồ, gây chết chóc đa số là trẻ em gái và phụ nữ. Để bảo tồn giống nòi, nhiều nhánh tộc người Lự trong vùng đã phải bỏ bản, bỏ mường di cư sang vùng đất Tam Đường sinh sống để tránh dịch. Những nhánh, tộc còn trụ lại vùng Nậm Tăm tìm trăm phương ngàn kế để chống dịch nhưng không thành, người phụ nữ Lự cứ mất dần đi, không còn người sinh nở, bản làng càng tiêu điều xơ xác.

Xem thêm: PVFCCo tổ chức Ngày hội Hiến máu nhân đạo 'Nhiệt huyết người dầu khí' năm 2024

Trò chơi chi chi chành chành của các em bé gái ở Nậm Tăm. Trò chơi này giống với cách chơi của người Việt, người Thái nhưng những lời đọc lại nói về ý nghĩa người Lự khai khẩn vùng đất Nậm Tăm

Một đêm, một già bản trong vùng được Bun (tiếng Lự nghĩa là Phật) báo mộng rằng, phụ nữ dân tộc Lự hay tắm gội làm bẩn dòng suối Nậm Tăm, dòng suối này là nước uống của thần Rồng trên núi Phiêng Chá (tiếng Lự gọi là Núi Đầu Rồng) nên bị thần Rồng phạt. Dân bản phải làm lễ cấm bản rồi Bun dạy cho trẻ em gái các trò chơi để tôn vinh và tưởng nhớ đến Bun, đến thần Núi Đầu Rồng.

Ban đầu Bun báo mộng truyền dạy chỉ có hai trò chơi là đối đáp với bà mụ và trò rồng lăn nhưng sau này, do ảnh hưởng của người Thái, người Mông, người Dao trong vùng nên trong Tết cấm bản, trẻ em gái Lự đã chơi nhiều trò như ngày nay.

Bà Lò Thị Son cũng cho biết thêm, ban đầu Bun báo mộng truyền dạy chỉ có 2 trò chơi là đối đáp với bà mụ và trò rồng lăn nhưng sau này, do ảnh hưởng của người Thái, người H’Mông, người Dao trong vùng nên trong Tết cấm bản, trẻ em gái Lự đã chơi nhiều trò như ngày nay. Bên cạnh đó, những trò chơi này thể hiện ý chí và khát vọng từ ngàn xưa là phụ nữ cũng là một bộ phận cấu tạo nên làng, bản, gia đình, trẻ em gái lớn lên đảm việc nhà, duyên dáng.

Bà Tao Thị Chùm, người đã có thâm niên hơn chục năm làm giám khảo trong các trò chơi của các bé gái dân Lự trong ngày Tết cấm bản cho biết, trò đối đáp với bà mụ thể hiện nhiều nhất và rõ nhất văn hóa truyền thống của người Lự. Trò chơi này gồm 2 đội ngồi thành hàng và trước mỗi hàng có một bà mụ (người phụ nữ lớn tuổi, có tri thức và hiểu biết) đóng vai bà mụ. Mỗi thành viên trong đội nhảy quanh rồi lên hỏi bà mụ về những điều về cuộc sống, về bản làng, về văn hóa của người Lự. Nếu người nào hỏi mà bà mụ không trả lời được hoặc trả lời sai thì bé gái đó thắng cuộc.

Trò chơi rồng lăn. Các em gái chia làm 2 đội đan tay 2 hàng để cho một người trườn qua. Đội nào buông tay thì sẽ thua cuộc

Theo bà Tao Thị Chùm, từ trò chơi này, rất nhiều tri thức dân gian và văn hóa của người Lự được truyền dạy lại cho các bé gái. Nếu người nào muốn thắng cuộc, muốn được dân bản tôn vinh thì phải tìm hiểu sâu về văn hóa của tộc người mình. Thì ra, từ những “game show dân gian” như thế mà văn hóa người Lự vẫn được bảo tồn dù tộc người này chỉ còn hơn 5.000 người, sinh sống chủ yếu ở hai huyện Sìn Hồ và Tam Đường của tỉnh Lai Châu, xung quanh là người Thái, Mông, Dao mà vẫn không bị hòa tan. Điểm đặc trưng dễ nhận thấy nhất là trang phục của phụ nữ luôn được trân trọng, phụ nữ dân tộc Lự dù đi đâu, làm gì cũng rất tự hào diện bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Trò chơi đẩy gậy của bé gái dân tộc Lự

Trong 3 ngày Tết cấm bản của người Lự, tôi mới được biết, người Lự ở Nậm Tăm ví bà Tao Thị Chùm như “cuốn bách khoa tri thức” của bản làng. Bà biết và thuộc nhiều bài hát dân ca, trò chơi dân gian, biết nhiều đạo lý... Nhiều gia đình trong vùng khi có khúc mắc, xô xát, chuyện khó xử đều đến hỏi và xin ý kiến bà Chùm. Vì vậy, bà Tao Thị Chùm năm nào cũng là giám khảo cho các trò chơi đầy chất tri thức và văn hóa của người Lự. Thật may mắn khi chúng tôi được trò chuyện với bà Tao Thị Chùm để hiểu được cách người Lự bảo tồn văn hóa của tộc người mình hàng nghìn năm qua.

Trẻ em dân tộc Lự rất giỏi trong việc đánh bắt cá tôm trên suối Nậm Tăm

Xem thêm: Những người 'giữ lửa' hát xẩm ở Biên Hòa

Người Lự là một dân tộc thiểu số sinh sống trong khu vực Lào, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam và Trung Quốc. Theo điều tra dân số 1999, ở Việt Nam, người Lự có khoảng 5.000 người, cư trú chủ yếu tập trung ở hai huyện Sìn Hồ và Tam Đường của tỉnh Lai Châu, một lượng đáng kể di cư vào tỉnh Lâm Đồng.

Trịnh Thông Thiện