Đột phá về chính sách, nhưng không phá vỡ cấu trúc hệ thống pháp luật

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 37, sáng 25.9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Tăng quyền tự chủ, sáng tạo của nhà giáo

Xem thêm: Thông báo dời lịch tổ chức Giải leo núi 'Bước chân trên mây' lần thứ 2 - Chinh phục đỉnh Tà Xùa năm 2024

Theo Tờ trình dự án Luật Nhà giáo do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng trình bày, so với quy định tại các luật liên quan như Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp thì dự thảo Luật Nhà giáo có một số điểm mới, trong đó, làm rõ đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo với tính chất là hoạt động đặc thù so với các ngành, nghề khác ở 4 khía cạnh: là hoạt động có tính chuyên nghiệp, sáng tạo cao; sản phẩm của hoạt động này là phẩm chất, năng lực của người học; được thực hiện theo năm học hoặc khóa học; được cụ thể hóa theo từng cấp học và trình độ đào tạo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Dự thảo Luật quy định đầy đủ về quyền của nhà giáo theo hướng tăng quyền tự chủ, sáng tạo trong hoạt động giảng dạy và giáo dục của nhà giáo, quyền được áp dụng các biện pháp kỷ luật tích cực trong giáo dục và bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các nội dung sáng tạo, đổi mới trong giáo dục; quyền được làm việc trong môi trường an toàn, được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể; được đối xử bình đẳng trong hoạt động và thăng tiến nghề nghiệp…

Đi đôi với các quyền là nghĩa vụ của nhà giáo được quy định theo hướng: tăng cường nghĩa vụ của nhà giáo trong bảo vệ, hỗ trợ người học, bảo đảm liêm chính học thuật, nhất là nghĩa vụ giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự, đạo đức nhà giáo – vấn đề then chốt, đóng vai trò quan trọng, góp phần quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động sư phạm và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Dự thảo Luật cũng dành 1 điều quy định về đạo đức nhà giáo (khái niệm, thẩm quyền ban hành bộ quy tắc ứng xử của nhà giáo, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tham gia xây dựng, giám sát, tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử của nhà giáo) làm căn cứ thực hiện đồng bộ trong toàn ngành.

Để đảm bảo chất lượng giáo dục, đảm bảo môi trường an toàn cho nhà giáo hoạt động nghề nghiệp, dự thảo Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với nhà giáo và các tổ chức, cá nhân có liên quan…

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, Thường trực Ủy ban cho rằng, dự thảo Luật đã thể chế hóa quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về vai trò, vị thế nhà giáo và việc hoàn thiện pháp luật về nhà giáo; phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.

Xem thêm: HĐND các địa phương thông qua nghị quyết sáp nhập đơn vị hành chính

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất với các luật liên quan đang điều chỉnh đối tượng nhà giáo; nội luật hóa các công ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Dự thảo Luật quy định nhiều chính sách liên quan tới nguồn lực, nhất là về tài chính. Do đó, cần đánh giá tác động đầy đủ, dự báo chi tiết về nguồn lực, nhân lực và các điều kiện để bảo đảm tính khả thi.

Đãi ngộ người tài, tránh “sống lâu lên lão làng”

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc ban hành Luật Nhà giáo cần làm rõ đặc thù chính sách dành cho nhà giáo; có phân biệt giữa nhà giáo và nhà quản lý giáo dục hay không. Đây là luật mới hoàn toàn, do đó, cần xác định rõ Quốc hội sẽ ban hành cơ chế, chính sách gì (bao gồm cả lĩnh vực công và tư) để không trùng lặp với các luật khác; đồng thời phải bảo đảm thận trọng, nhất quán, chất lượng, đột phá về chính sách, nhưng không phá vỡ cấu trúc của hệ thống pháp luật hiện hành.

Đánh giá dự thảo Luật có sự giao thoa rất lớn với các luật có liên quan, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng quy định của dự thảo Luật để tránh mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lặp. Cụ thể, các hoạt động về nghề nghiệp của nhà giáo đang được quy định bởi Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt đối với các giáo viên, giảng viên làm việc tại các trường công lập là viên chức thì hoạt động được điều chỉnh bởi Luật Viên chức… Hay vấn đề hợp đồng lao động đối với nhà giáo ở các cở sở giáo dục ngoài công lập cũng chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng trình bày Tờ trình dự án Luật Nhà giáo. Ảnh: Lâm Hiển

Về chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ dành cho nhà giáo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã quy định tương đối đầy đủ theo hướng ưu tiên, thể hiện chủ trương của Đảng tại Kết luận số 91- KL/TW ngày 12.8.2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương vềđổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là "lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng".

Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng lưu ý, cải cách tiền lương của nhà giáo là công tác khó khăn, phức tạp, phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn theo hướng linh hoạt, bảo đảm đãi ngộ với người tài trong ngành giáo dục, tránh câu chuyện “sống lâu lên lão làng”, lương cứ tăng tuần tự, trong khi đó, người giỏi, người sau làm tốt nhưng lại không có chính sách khuyến khích.

Các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của cơ quan thẩm tra, tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia, nhà quản lý để hoàn thiện dự thảo Luật và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sau trên tinh thần thận trọng, nhất quán, thiết thực, hiệu quả, giải quyết được những vấn đề đang vướng mắc, nhất là liên quan đến phát triển đội ngũ nhà giáo.

Cùng với đó, cần rà soát xác định rõ đối tượng áp dụng cho từng nhóm chính sách đặc thù để bảo đảm tính khả thi, làm rõ những vấn đề mới, những vấn đề đủ mạnh, tạo ra những thay đổi, chuyển biến rõ nét, tích cực khi ban hành luật.

Hoàng Ngọc