Đồng thuận về nhận thức sẽ giúp Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa

Đó là ý kiến của PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trong trả lời phỏng vấn Báo Kinh tế & Đô thị.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Tư duy đổi mới

Xem thêm: Công an huyện Ứng Hòa tặng bình PCCC cho giáo xứ, giáo dân dịp Giáng sinh

Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội nêu rất rõ mục tiêu của Hà Nội là trở thành một TP sáng tạo ở tầm vóc châu Á và CNVH phải trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, có thể đóng góp đến 8% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP (vào năm 2030) và 10% GRDP của TP (đến năm 2045). Ông đánh giá thế nào về khả năng thực hiện mục tiêu này của Thủ đô?

- Tôi đánh giá cao nỗ lực và tầm nhìn của Thủ đô trong việc định hướng phát triển các ngành CNVH. Hà Nội có cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa trong phát triển văn hóa nói chung, CNVH nói riêng.

Nếu như về chủ trương, đường lối, chính sách, Hà Nội đã ban hành riêng một Nghị quyết 09 của Thành ủy về phát triển CNVH, hay trong Luật Thủ đô (sửa đổi) sắp tới cũng có nhiều điều khoản ưu đãi và hành lang pháp lý thông thoáng cho lĩnh vực quan trọng này thì trên thực tế, Thủ đô ta có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển các ngành CNVH.

Tất nhiên, bên cạnh những lợi thế từ truyền thống, Hà Nội cũng cần có những biểu tượng văn hóa mới cho mình. Những biểu tượng này có thể xuất phát từ những ý tưởng có liên quan đến truyền thống của Thủ đô, cũng có thể là những ý tưởng mới hoàn toàn.

Đây là điều mà chúng ta đang nghĩ đến khi lên kế hoạch xây dựng thương hiệu TP sáng tạo, cột mốc số 0, hay những công trình mới như Trung tâm Hội nghị quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, cầu Nhật Tân và một số sự kiện như Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam, Lễ hội âm nhạc Gió mùa... Điểm quan trọng ở đây là, chúng ta đã có tư duy đổi mới trong việc hình thành nên những biểu tượng mới cho thủ đô.

Sự hấp dẫn này sẽ biến Hà Nội không chỉ trở thành TP đáng sống, mà còn là nơi mơ ước đặt địa điểm của các tổ chức, tập đoàn tài chính quốc tế hay nơi nhất định phải đến thăm của du khách trong và ngoài nước. Đạt được mục đích này,

Hà Nội sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển, đáp ứng kỳ vọng của Nhân dân cả nước. Chính vì quyết tâm đó, tôi hoàn toàn tin tưởng Hà Nội sẽ đạt được những mục đích mà mình đặt ra cho phát triển các ngành CNVH.

Thưa ông, làm thế nào để biến những tiềm năng, mà chúng ta hay ví von có giá trị như những “mỏ vàng”, thành những nguồn tiền vật chất có thể sờ nắm được?

- Điều quan trọng nhất, theo tôi, chúng ta cần tạo ra một môi trường khuyến khích sáng tạo, hỗ trợ cho sự phát triển các ngành CNVH ở Thủ đô. Đây là yếu tố trọng yếu khi chúng ta biết kho tàng vô giá về văn hóa Hà Nội, chứng kiến như nhiệt thành của các tổ chức quốc tế, các cá nhân yêu và mong muốn Thủ đô phát triển đã tham gia tích cực trong các cuộc hội nghị, hội thảo do Hà Nội tổ chức về chủ đề CNVH này.

Để sự nhiệt thành, tâm huyết đó được triển khai trên thực tế, chúng ta nhất thiết phải đưa những chủ trương, chính sách nhanh chóng đi vào thực tiễn. Việc triển khai thật tốt, hiệu quả Nghị quyết 09 của Thành ủy về phát triển các ngành CNVH ở Hà Nội và đưa các nội dung hỗ trợ phát triển CNVH vào trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có tác dụng định hướng rất lớn cho lĩnh vực quan trọng này, đồng thời là cơ sở pháp lý để Hà Nội có thêm chính sách về ưu đãi thuế, đất đai, đối tác công tư, quản lý, sử dụng tài sản công... hỗ trợ cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật.

Bên cạnh đó, vì CNVH liên quan đến 4 yếu tố bao gồm tài năng sáng tạo, tiềm năng văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh nên Hà Nội cũng phải chú trọng đến cả 4 yếu tố này.

Xem thêm: Những làng nghề ẩm thực truyền thống ở Biên Hòa

Đầu tư có trọng điểm

Thưa ông, CNVH ở Thủ đô hiện nay về cơ bản vẫn khai thác những lợi thế có sẵn, chưa phát triển những ngành công nghiệp đòi hỏi sáng tạo cao như thiết kế, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi điện tử… Theo ông, Hà Nội nên lựa chọn những đặc trưng, thế mạnh gì để phát triển CNVH đủ năng lực cạnh tranh, làm nên bản sắc riêng biệt, định vị thương hiệu Thủ đô trên bản đồ CNVH của khu vực và thế giới?

- Theo tôi, để phát triển các ngành CNVH ở Hà Nội, chắc chắn chúng ta cần tập trung đến một số lĩnh vực cụ thể để bảo đảm quá trình đầu tư của TP có trọng điểm và tạo điểm nhấn, lan tỏa tác động của các ngành CNVH sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.

Xét tổng quan, tôi nhận thấy Hà Nội có thể quan tâm đến một số lĩnh vực sau: thứ nhất là âm nhạc, Hà Nội có một sự phong phú về âm nhạc đa dạng, bao gồm âm nhạc dân gian, nhạc truyền thống và âm nhạc hiện đại. Đặc biệt, nhiều nhạc sĩ, bài hát nổi tiếng ở TP này đã tạo nên thương hiệu nhất định cho Hà Nội. Những sự kiện như lễ hội âm nhạc quốc tế Monsoon (Gió mùa), hay gần đây là các đêm biểu diễn của nhóm nhạc BlackPink… đã giúp quảng bá hình ảnh và danh tiếng của Hà Nội trên bản đồ âm nhạc quốc tế và nâng cao sự nhận thức về thương hiệu Hà Nội - TP sáng tạo của UNESCO.

Thứ hai là điện ảnh, Hà Nội nên tập trung vào phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. TP đã có Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội (Haniff), có nhiều rạp chiếu phim, cung cấp nền tảng cho các nhà làm phim và diễn viên để sản xuất các bộ phim độc lập, phim tài liệu và phim truyền hình. Việc tập trung cho điện ảnh giúp Hà Nội tận dụng lợi thế của một TP lớn, có nhiều tài năng sáng tạo, có thể thu hút các dự án phim độc lập và các nhà làm phim quốc tế đến quay tại địa phương.

Thứ ba là du lịch văn hóa, Hà Nội có một di sản văn hóa đa dạng, phong phú, bao gồm các di tích, trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống và nghệ thuật thủ công. TP đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, và cần biến những thành quả này trở thành đầu vào cho phát triển du lịch văn hóa.

Hà Nội là một điểm đến du lịch với các di tích lịch sử và văn hóa đặc trưng. TP cần đầu tư vào phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa như tham quan di tích, làng cổ và các chương trình trải nghiệm văn hóa để thu hút du khách và phát triển ngành du lịch.

Ngoài các ngành công nghiệp chủ lực đã đề cập, Hà Nội cũng nên khuyến khích sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo khác như thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí, quảng cáo... TP nên tạo điều kiện và hỗ trợ cho việc hình thành các không gian sáng tạo, các DN khởi nghiệp sáng tạo và cá nhân để khám phá và phát triển tiềm năng của mình trong các lĩnh vực này.

Thưa ông, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành CNVH dự kiến diễn ra trong tháng 12/2023. Ông có kỳ vọng thế nào về hội nghị này?

- Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành CNVH Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển các ngành CNVH ở Việt Nam.

Sau gần 10 năm khi phát triển các ngành CNVH đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa được đưa vào là nhiệm vụ thứ 5 trong 6 nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong Nghị quyết 33-NQ/TW (năm 2014) và gần 8 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (năm 2016), hội nghị này là thời điểm chúng ta kiểm điểm lại những gì đã làm được (và cả chưa làm được), từ đó vạch ra lộ trình mới cho sự phát triển các ngành CNVH ở nước ta.

Giờ đây, việc xây dựng một tòa nhà, một con đường, một cây cầu hay bất kỳ một công trình hay sự kiện văn hóa nghệ thuật nào khác, chúng ta đều hướng suy nghĩ của mình đến điểm nhấn sáng tạo trong kiến trúc, biểu tượng, phục vụ cho sự hài hòa và cái đẹp của
Hà Nội. Điều đó đáng quý vô cùng để Thủ đô phát triển bền vững, xứng đáng là Thủ đô, trung tâm chính trị và văn hóa của một nước
Việt Nam chưa bao giờ có một cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay, của thời đại Hồ Chí Minh.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành CNVH Việt Nam, đặc biệt do Thủ tướng chủ trì, sẽ là cơ hội tuyệt vời để chúng ta đánh giá lại những thành công/thất bại để từ đó hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho các ngành CNVH

Việt Nam, cũng là cho cả đất nước. Sự chung tay, trên dưới đồng lòng của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương chắc chắn sẽ giúp CNVH trở thành lĩnh vực đột phá mới cho sự phát triển bền vững đất nước, thực hiện khát vọng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc của dân tộc.

Xin cảm ơn ông!

Lại Tấn