Dòng sông tôi mang theo

Tấm bạt khiến cú ngã không nặng. Bác hàng xóm đưa ông Hào vào viện. Nhưng rồi loay hoay làm thủ tục một lúc, đã thấy ông biến mất. Những ngày đấy không ai còn đi được vào tâm trí của bố tôi nữa, sau rất nhiều rượu và rất nhiều drama dài của cả công việc lẫn hôn nhân. Không ai hiểu vì sao ông bỏ đi. Cũng không ai dám chắc, rằng ngay từ đầu, ông đã ngã, hay nhảy từ cái ban công ấy.

Một buổi trưa bà Minh Anh về, ôm lấy tôi và khóc. Bác Huấn ở Yên Bái xuống tìm nhiều ngày, tìm thấy một cái nấm mộ ven sông. Người bên sông đã tìm thấy và kéo vào, một người, mặc chiếc áo thi đấu thể thao của Bệnh viện Y học dân tộc Hải Phòng. Người dược sĩ chỉ được nhận diện bằng chiếc áo đó.

Tôi hóa vàng trong đám ma ông ở chiếc cầu tàu bên bờ sông. Chiếc cầu tàu mà bạn sẽ nhìn thấy trong nhiều bức tranh về Tam Bạc, của các họa sĩ Hải Phòng.

Xem thêm: TP.HCM bắn pháo hoa ở 2 điểm đón tết Dương lịch 2024

Nhiều năm sau này, khi đã lớn, tôi thỉnh thoảng vẫn khóc khi xem đoạn Simba chạy xuống thung lũng, khi Mustafa đã chết, chui vào lòng bố mình, rồi kêu, “Bố ơi đi về đi”. Hôm ngồi xem vở The Lion King ở Broadway, tôi cũng khóc đoạn ấy. Anh bạn New Zealand hỏi sao dưng mày lại khóc ở đoạn này, tao không hiểu, mày có kỷ niệm gì à. Tôi chỉ im lặng.

Căn nhà tập thể nhìn ra bờ sông là căn nhà cuối cùng của bố tôi. Tôi đã ngồi đó nhiều buổi chiều về với bố, nhìn xuống bờ sông đang chìm dần vào bóng tối. Thành phố khi đó không nhiều ánh sáng như bây giờ. Trên lòng sông cạn, bên kia những tấm bạt màu xanh và cam, những lưng người màu xám đang cào một con gì đó tôi không biết.

Bờ sông ấy giờ đã lát đá, thành một chuỗi nhà liền kề theo phong cách shophouse. Nhưng người Hải Phòng sẽ vĩnh viễn nhớ đến khu phố cũ người Tàu đã xây, đằng sau chợ Sắt. Khu phố mà bạn sẽ nhìn thấy trong tất cả các bức tranh về Tam Bạc, của những họa sĩ Hải Phòng.

Không phải dòng sông, mà chính khu phố đó mới là Tam Bạc.

Xem thêm: TPHCM bắn pháo hoa chào đón năm mới 2024

Tôi không phải người sưu tập. Chưa bao giờ có ý định sưu tập tranh, hay nghiên cứu về nguyên tắc của việc mua tranh (như cách tôi ứng xử với mọi lĩnh vực khác trong đời). Chỉ là xây một căn nhà, và tự nhiên cảm thấy cần tranh. Năm đó, lúc nhà sắp hoàn thiện, tôi mạnh dạn nhắn tin cho họa sĩ Đặng Tiến, hỏi anh về một bức Tam Bạc.

Vừa xây nhà xong mà dám hỏi tranh Đặng Tiến là cũng sẵn sàng đón nhận một cú sốc tài chính kinh khủng đấy. Nhưng họa sĩ không còn bức Tam Bạc nào. Rồi trong nhà vị chủ tịch hội mỹ thuật Hải Phòng, tôi tình cờ thấy một bức Tam Bạc màu xanh của anh Cao Nam Tiến.

Những căn nhà của thời xa vắng hay ở lại trong ký ức tập thể bằng một màu vàng loang lổ rêu. Nhưng Tam Bạc của anh Cao Nam Tiến màu xanh, ánh sáng của buổi chiều bỗng nhiên xanh dịu dàng, phủ lên những khối nhà lô nhô một vẻ mát lành.

Cứ thế, đôi năm sau, thỉnh thoảng tôi lại treo lên tường một bức tranh Tam Bạc, tự mua, hay là bạn bè thấy hay thì mua tặng. Như bức sơn mài khổ lớn của anh Nguyễn Đình Hợp là anh Dương Tiêu mua cho tôi.

Nó sẽ không trở thành bộ sưu tập, vì đã không được xây dựng từ ý thức sưu tập. Tôi không có một tiêu chí về việc thế nào là Tam Bạc, hay thế nào là Hải Phòng. Tôi không nặng nề chất lượng hội họa. Tôi tôn trọng ý niệm riêng của từng họa sĩ, mình ngẫu nhiên gặp, về khúc sông đó, với những tấm bạt, cái cầu tàu, và những khối nhà cao có ô cửa sổ mà tôi tưởng rằng chính mình đã ngồi ở đó, những ngày về với bố, 25 năm trước kia.

Tôi không có nhiều kết nối với thành phố hiện tại, với các khu đô thị và super mall mới xây. Tôi cũng không thực lòng muốn liên tục kết nối với thành phố quá khứ của-chính-mình, vì bạn thấy đấy, nó là những chuyện buồn không cần thêm đay nghiến. Treo những bức Tam Bạc – những gì mà các họa sĩ cho rằng đẹp nhất về nơi ấy – chỉ là cách tôi vừa duy trì kết nối, vừa thản nhiên nhìn lại quá khứ, không oán than.

Hôm nọ, The Muse Gallery ở Tràng Tiền tổ chức triển lãm của các họa sĩ Hải Phòng. Bà chủ Diệp Phạm nhắn tin, bảo anh ơi, có Tam Bạc nè. Tôi qua trước triển lãm một ngày, “gắn nơ” một bức Tam Bạc nữa, cũng màu xanh – của họa sĩ Phạm Anh Tuấn. Lần này là màu xanh bàng bạc của ký ức – thứ ký ức chỉ có những hình khối, không (muốn) có những con người.

Tôi khoe tranh mới với bạn bè, rồi bảo, giờ em mới hiểu hết được cái câu, trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình.

Tôi, có lẽ cũng giống nhiều người xa quê, với cách vận hành phức tạp của ký ức, những nhảy múa lẫn lộn của vui buồn, của hân hoan và oán than, thậm chí đã không hề nhận ra rằng mình muốn mang theo dòng sông đó.

Đinh Đức Hoàng