Dòng máu Việt-Lào hòa quyện, nuôi dưỡng nghĩa tình hai bờ biên giới

Thiếu tá Lê Minh Tuấn hỏi thăm, trò chuyện với bà Y Cúc trong một lần lên thăm bà con bản Tuộc. (Ảnh: BP)

Bản Tuộc hạnh phúc

Định cư ở bản Tuộc, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là những hộ dân mang trong mình hai dòng máu Việt Nam-Lào. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng, BĐBP Quảng Bình, người dân tự tin lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Xem thêm: Lần đầu tiên tổ chức giải chạy bộ đêm Nha Trang

Thiếu tá Lê Minh Tuấn, nhân viên Trạm quân dân y kết hợp bản 61, Đồn Biên phòng Cà Roòng (là cán bộ BĐBP tăng cường làm Phó Bí thư Chi bộ bản Tuộc) chia sẻ rằng cụm dân cư có 29 hộ/129 nhân khẩu, trong đó, nhiều gia đình có con, cháu mang trong mình hai dòng máu Việt Nam-Lào.

Từ dưới chân con dốc nhìn lên đỉnh đồi thấp, bằng phẳng, bản Tuộc rất đẹp, những ngôi nhà sàn kiên cố được bố trí theo hàng dọc, lợp mái tôn đỏ. Ở ngôi nhà tại vị trí trung tâm bản, cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng, gió mùa Xuân.

Ở bản Tuộc có người phụ nữ khá đặc biệt - bà Y Cúc, người gốc Lào, sinh ra, lớn lên từ cụm bản Noọng Ma, tỉnh Khăm Muộn (Lào). Trong chiến tranh, quê hương cũng bị bom đạn của Mỹ dội xuống, khiến nhiều người chết, nhà cửa bị tàn phá. Sợ hãi, cô gái trẻ Y Cúc lúc đó đã cùng một số dân bản chọn cho mình cách di tản đi ngược với hướng hành quân của bộ đội Việt Nam và đi sâu vào biên giới tỉnh Quảng Bình lúc nào mà không hề hay biết.

Sau đó, Y Cúc ở lại Việt Nam, nên duyên vợ chồng với Đinh Chay, một trai bản người Ma Coong, có với nhau tất thảy 7 người con (gồm 5 trai, 2 gái), rồi định cư tại bản Tuộc cho đến tận bây giờ. Trong 17 ngôi nhà được chính quyền địa phương xây dựng, trao tặng nhân dân ở bản, thì có 6 ngôi nhà thuộc đại gia đình người phụ nữ gốc Lào.

So với nhiều bản làng khác, những đứa trẻ ở đây dường như được bố mẹ chăm sóc tốt hơn, chúng nói tốt tiếng phổ thông, trò chuyện với người lạ mà không ngại ngùng.

Một điều khá đặc biệt được ghi nhận ở bản Tuộc, đó là các gia đình thực hiện khá tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình và bình đẳng giới. Ông Đinh Phương, trưởng bản Tuộc chia sẻ: “Ở đây, mọi gia đình đều sống hòa thuận, đoàn kết, một lòng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và BĐBP, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no. Nhân dân trong vùng gọi bản chúng tôi là bản hạnh phúc là vì thế”.

Hai vợ chồng Hồ Văn Đanh, Hồ Thị May trò chuyện với Bộ đội Biên phòng Quảng Trị. (Ảnh: TTXVN)

Đôi bờ sông Sê Pôn

Những mối tình Việt-Lào cũng kết trái, đơm hoa trên nhiều xã tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, trong đó có những địa phương như xã Ba Tầng, A Dơi. Chia sẻ với báo chí, Trung tá Trần Đức Tứ, Chính trị viên Đồn Biên phòng xã Ba Tầng cho biết thời gian qua, tại bản A Dơi Đớ thuộc xã A Dơi có một bộ phận người Lào trong quá trình sinh sống đã nảy sinh tình cảm và quan hệ hôn nhân với người Việt Nam. Đến năm 2019, đã có 242 trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam, cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Trong tổng số 157 hộ với gần 780 khẩu của A Dơi Đớ thì có 30 cặp vợ chồng Việt-Lào.

“Mối quan hệ giữa nhân dân hai bên biên giới đã hình thành, duy trì từ lâu. Nhân dân hai bên đoàn kết, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau. Việc hôn nhân này càng làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp đó”, Trung tá Trần Đức Tứ khẳng định.

Chị Hồ Thị May (ngoài 40 tuổi) là dâu tại bản A Dơi Đớ. Nơi đây gắn bó với chị đã 23 năm, từ khi người phụ nữ gốc Lào có gương mặt hiền lành, đôi mắt đen sâu thẳm này về làm dâu đất Việt. Cửa chính ngôi nhà của May nhìn ra con đường bê tông vào bản dài gần 1km, theo chuẩn nông thôn mới. Hai bên đường là những ngôi nhà sàn nằm cạnh những rẫy sắn, chuối xanh mướt.

Nơi nóc một số nhà, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới nổi bật trên nền trời xanh ngắt. Phía sau lưng May, ô cửa sổ nhìn thẳng ra dòng sông Sê Pôn với các bản làng của vùng Muang Samoyay (tỉnh Savanakhet, Lào) quần tụ dọc theo bờ sông.

Hồ Thị May nói tiếng Việt rất thạo. Theo lời kể của chị, mối duyên vợ chồng với anh Hồ Văn Đanh, 38 tuổi, vốn là hẹn ước của những đấng sinh thành. Bố của May và bố của Đanh dù ở hai bên biên giới nhưng do mối thâm tình giữa hai nước, lại thân quen nhau từ nhỏ nên họ vẫn thường vượt sông Sê Pôn qua lại thăm nhau. Khi bố Đanh ốm nặng, hai nhà đã làm đám cưới cho May và Đanh.

Xem thêm: Bí ẩn lời sấm truyền về dòng họ học giỏi bậc nhất Việt Nam xưa, 2 lần thoát đại nạn nhờ 'trời giúp'

Câu chuyện tình xuyên biên giới của Y Cúc - Đinh Chay hay Hồ Văn Đanh - Hồ Thị May và hàng trăm cặp đôi Việt-Lào nên duyên vợ chồng dọc dài 10 tỉnh biên giới Việt-Lào đã tô đậm thêm mối tình keo sơn hai nước. Khi dòng máu hồng của hai dân tộc Việt Nam-Lào hòa quyện vào nhau thì tình cảm của những cư dân nơi biên giới hai nước cũng vì thế mà càng thêm thiêng liêng, thủy chung.

Vy Anh