Đồng hành cùng con trên hành trình đặc biệt

Ở giai đoạn đầu đời, rất khó để phát hiện các dấu hiệu mắc rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ

Chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ

Ở giai đoạn đầu đời, rất khó để phát hiện các dấu hiệu mắc rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ, đặc biệt là khoảng từ 0-6 tháng tuổi vì lúc này trẻ vẫn chưa phát triển toàn bộ các giác quan. Để nhận biết sớm trẻ có mắc hội chứng này hay không, cha mẹ cần chú ý quan sát các biểu hiện thường ngày của trẻ.

Xem thêm: Tử hình kẻ sát hại, phi tang xác cô gái trẻ ở sông Hồng

Cô Hà Thị Thanh Nhi (giáo viên (GV) Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Long An) cho biết, tùy vào thể trạng, mỗi trẻ mắc tự kỷ sẽ có biểu hiện khác nhau. Các biểu hiện giúp cha mẹ dễ nhận biết nhất như khoảng 12 tháng tuổi, trẻ không phát âm được bất kỳ từ nào; trẻ không nhận biết được tên mình, không có phản xạ khi được gọi; khoảng 16 tháng tuổi, trẻ vẫn chưa nói được từ đơn, 24 tháng tuổi chưa nói được từ đôi; thoái lui hoặc mất dần các kỹ năng cơ bản như ăn, uống, ngủ,... nhưng lại có khả năng vận động rất tốt.

Trẻ em mắc chứng tự kỷ thường có xu hướng hành hung chính mình và người xung quanh. Trẻ rất dễ kích động, tức giận, gào khóc, cào cấu khi gặp phải những thay đổi xung quanh hoặc khi trẻ cảm thấy không hài lòng. Ngoài ra, cần chú ý đến ánh mắt của trẻ, trẻ rối loạn thường có ánh mắt xa xăm, không có mục tiêu cụ thể.

Chị L.H.Y. (huyện Bến Lức) có 4 năm đồng hành cùng con vượt qua chứng tự kỷ, chia sẻ: “Do không biết về bệnh tự kỷ nên đến khi con 2 tuổi, thấy con vẫn không nói được những từ cơ bản và không thể tập trung chơi bất kỳ món đồ chơi nào mà chỉ cắn hoặc đập phá, tôi mới lo lắng đưa con đi khám. Lúc đó, bác sĩ kết luận con tôi bị tự kỷ mức độ vừa, cần can thiệp sớm để con không bị nặng hơn”.

Chứng tự kỷ nếu không được can thiệp sớm sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển nhận thức, khả năng học tập và hòa nhập cộng đồng của trẻ. Giai đoạn trước 36 tháng tuổi là khoảng thời gian tốt nhất để can thiệp sớm, giúp trẻ cải thiện các chức năng.

Đồng hành cùng trẻ tự kỷ

Các lớp học can thiệp sớm thường có sự đồng hành của phụ huynh

Trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ cần rất nhiều sự quan tâm, yêu thương và bao dung của mọi người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ. Ngoài chuẩn bị tinh thần vững chắc, kiến thức đúng và đủ để hỗ trợ trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn, phụ huynh còn phải dành thật nhiều thời gian, sự kiên nhẫn để đồng hành cùng con.

Cô Hà Thị Thanh Nhi cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tự kỷ ở trẻ vẫn chưa được xác định cụ thể nên việc điều trị gặp rất nhiều thách thức, nhất là sự kiên nhẫn của phụ huynh. Thời gian GV tiếp xúc với các em không nhiều, then chốt nhất vẫn là sự quan tâm, chăm sóc và yêu thương từ cha mẹ".

Gia đình đóng vai trò quan trọng trong điều trị chứng tự kỷ ở trẻ. Trẻ em bị rối loạn phổ tự kỷ cần được quan tâm, tương tác với người xung quanh càng nhiều càng tốt, đặc biệt trong giai đoạn tuổi ấu thơ. Được giao tiếp và tham gia các trò chơi kích thích giác quan sẽ giúp trẻ phát triển tốt ở giai đoạn này.

Nhận thấy con chậm nói khi ở giai đoạn 18 tháng tuổi, chị N.H.T.M. (TP.Tân An) - mẹ bé L.N.T.V. (4 tuổi), đưa con thăm khám tại nhiều bệnh viện và bé được các bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn phổ tự kỷ. Chị M. tâm sự: “May mắn của gia đình tôi là phát hiện bệnh của con từ rất sớm để kịp thời can thiệp. Hiện tại, ngoài học kèm 1-1 với GV ở lớp can thiệp sớm 1 buổi/tuần, tôi cho con học hòa nhập tại lớp mầm non để con có điều kiện tiếp xúc, giao tiếp với các bạn. Ở nhà, vợ chồng tôi luôn dành thời gian chơi và nói chuyện cùng con. Gần đây nhất, GV nhận xét con phát triển gần như theo kịp các bé cùng trang lứa”.

Người thân, đặc biệt là cha mẹ phải kéo trẻ ra khỏi “thế giới một mình", không để trẻ chơi một mình hoặc tiếp xúc với các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại thông minh, máy tính bảng. Một trong những phương pháp hỗ trợ trẻ tự kỷ tốt nhất là cha mẹ kiên nhẫn dành thời gian tham gia nhiều hoạt động cùng trẻ, giúp trẻ tương tác với các đồ vật và thế giới xung quanh nhằm kích thích các giác quan và sự phát triển của não bộ.

Chị T.T.K.H. (huyện Châu Thành) - mẹ bé N.H.C (5 tuổi), chia sẻ: “Điều trị tự kỷ cùng con là một quá trình rất dài để đổi lại những thay đổi rất nhỏ. Vì vậy, tôi luôn nhắc mình phải kiên nhẫn, thấu hiểu, cùng con vượt qua rào cản, những khó khăn từ cơ bản nhất để giúp con dần dần hòa nhập với môi trường xung quanh”.

Theo cô Hà Thị Thanh Nhi, GV chỉ có thể hỗ trợ trẻ một phần khi trẻ học can thiệp sớm tại trường. Quan trọng nhất là phụ huynh cần trao đổi, lắng nghe hướng dẫn từ GV để áp dụng điều trị tự kỷ cho trẻ tại nhà. Phụ huynh không thể phó mặc trẻ cho GV mà phải dành nhiều thời gian cùng học, cùng chơi và hướng dẫn con các thói quen sinh hoạt từ cơ bản nhất.

Xem thêm: Hằng Du Mục khoe khoảnh khắc tổ chức sinh nhật cho con trai

Trẻ tự kỷ hoàn toàn có thể trở lại cuộc sống bình thường, hòa nhập cùng các bạn đồng trang lứa nếu được can thiệp sớm trong sự yêu thương, kiên nhẫn đồng hành của cha mẹ và những hỗ trợ tích cực của GV./.

Thi Mỹ