Đồng bào Chăm Ninh Thuận vui đón Lễ hội Katê năm 2024

Đông đảo người dân địa phương và du khách tề tựu về tháp Pô Klong Grai, phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) để vui đón Lễ hội Katê năm 2024 của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Năm nay, mồng 1/7 Chăm lịch, nhằm ngày 2/10 Dương lịch. Ngay từ sáng sớm, trên các trục đường giao thông liên xã, liên huyện, thành phố từ các làng Chăm thuộc các huyện Ninh Phước, Thuận Nam… đi đến tháp Pô Klong Grai rất đông người dân đi lại. Lễ hội Katê thu hút đông đảo người dân địa phương, du khách trong nước và quốc tế tham gia.

Các chức sắc đồng bào Chăm huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) đón rước y trang của nữ thần Pô Inư Nưgar được đồng bào Raglai ở xã Phước Hà, huyện Thuận Nam cất giữ, nay đưa xuống, giao cho đồng bào Chăm rước về đền thờ Pô Inư Nưgar ở thôn Hữu Đức để chuẩn bị phục vụ cho nghi thức ngày lễ chính của Lễ hội Katê năm 2024. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Xem thêm: Đông người tiêm, đặt giữ chỗ vaccine sốt xuất huyết

Theo phong tục, trước đó (chiều 1/10), tại sân vận động thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn thực hiện các nghi thức truyền thống, như: Làm lễ đón và rước y trang nữ thần Pô Inư Nưgar (còn gọi là thần Mẹ xứ sở - người dạy đồng bào Chăm trồng lúa, dệt vải, chăn nuôi, giúp người dân có cuộc sống no ấm) được đồng bào Raglai ở xã Phước Hà, huyện Thuận Nam cất giữ, nay đưa y trang xuống, giao cho đồng bào Chăm đón và rước y trang về đền thờ Pô Inư Nưgar ở thôn Hữu Đức để chuẩn bị phục vụ các nghi thức ngày lễ chính của Lễ hội Katê năm 2024.

Những thiếu nữ Chăm mặc trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu, biểu diễn chương trình nghệ thuật ca, múa, nhạc đặc sắc trong không gian rộng lớn tại sân vận động Hữu Đức, chào đón lễ hội. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Sau nghi lễ đón rước y trang, người dân địa phương và du khách có dịp thưởng thức các chàng trai, cô gái Chăm mặc trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu, biểu diễn chương trình nghệ thuật ca, múa, nhạc đặc sắc trong không gian rộng lớn tại sân vận động Hữu Đức, làm cho không khí lễ hội càng rộn ràng, hấp dẫn.

Đoàn rước y trang của Nữ thần Pô Inư Nưgar từ đền Pô Inư Nưgar thuộc huyện Ninh Phước đến tháp Pô Klong Grai ở phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (NinhThuận) để thực hiện nghi thức lễ chính thức Lễ hội Katê năm 2024 vào sáng 2/10. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Hàng nghìn người Chăm theo đạo Bà-la-môn bày nhiều lễ vật để thực hiện các nghi thức dâng cúng tưởng nhớ công ơn tổ tiên, trời đất đã độ trì mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và vui Lễ hội Katê truyền thống năm 2024 tại khuôn viên tháp Pô Klong Grai, phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận). (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Sáng 2/10, các nghi thức của Lễ hội Katê chính thức được tổ chức tại ba khu vực đền, tháp Chăm gồm: tháp Pô Klong Garai (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm), tháp Pô Rômê và Đền Pô Inư Nưgar (huyện Ninh Phước). Theo đó, tại các đền, tháp Chăm diễn ra những nghi lễ trang trọng, gồm: lễ rước y trang lên tháp, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc y phục và đại lễ.

Các thiếu nữ Chăm với điệu múa truyền thống "Dâng hoa đền tháp" tại tháp Pô Klong Grai trong buổi lễ chính thức. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Dịp này, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã tặng quà chúc mừng đồng bào Chăm và mong muốn đồng bào tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy các hoạt động văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm hòa cùng văn hóa các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận tặng quà chúc mừng đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn vui đón Lễ hội Katê năm 2024 an bình, thân thiện. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG)

Sau lễ chính thức, lễ hội Katê tiếp tục diễn ra tại các làng chăm, tộc họ và gia đình người Chăm theo đạo Bà-la-môn. Cùng với đó, các địa phương kết hợp tổ chức các trò chơi dân gian, các hội thi nghệ thuật làm gốm, văn nghệ, thể thao, ẩm thực, trình diễn trang phục... để người dân và du khách vui chơi, giải trí cho đến hết ngày 3/10.

Xem thêm: Khi người già 'cô đơn' tìm cách vượt qua nỗi buồn

Với ý nghĩa văn hóa, lịch sử đặc sắc, năm 2017, “Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận” đã được đưa vào danh mục là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

NGUYỄN TRUNG