Đơn hàng dồi dào, doanh nghiệp may mặc ở Hà Tĩnh đảm bảo việc làm cho công nhân

Những ngày này, không khí sản xuất tại nhà xưởng của Công ty Cổ phần BGG Hương Sơn hết sức khẩn trương, nhộn nhịp. Hơn 230 công nhân làm việc tại 4 dây chuyền sản xuất đang nhanh tay hoàn thiện các sản phẩm áo jacket, áo ấm để kịp tiến độ các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Châu âu.

Công ty Cổ phần BGG Hương Sơn nhận được nhiều đơn hàng từ nay đến cuối năm.

Ông Nguyễn Minh Tú - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần BGG Hương Sơn cho biết: “Công ty vừa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2024 nhưng số lượng đơn hàng nhận được từ đối tác khá lớn. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi dự kiến sản xuất khoảng 700 nghìn sản phẩm; đến nay, đã đạt hơn 50% kế hoạch đề ra. Ngoài ra, công ty cũng đã tìm kiếm, kết nối đơn hàng cho dịp tết Nguyên đán 2025, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động trong thời gian tới”.

Xem thêm: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình 'Đêm hội trăng Rằm'

Chị Đặng Thị Hoa và các đồng nghiệp ở Công ty Cổ phần BGG Hương Sơn sẵn sàng tăng ca khi công ty có nhu cầu.

Đơn hàng dồi dào, trang thiết bị tại nhà xưởng mới mẻ, hiện đại; các chế độ lương thưởng, đãi ngộ được đảm bảo theo quy định giúp người lao động phấn khởi, hăng hái thi đua lao động, sản xuất. Chị Đặng Thị Hoa - công nhân tổ may 1 (Công ty Cổ phần BGG Hương Sơn) chia sẻ: “Hiện lương bình quân của công nhân mới vào nghề như tôi là hơn 5 triệu đồng/tháng. Ở những thời điểm công ty cần đẩy nhanh tiến độ đơn hàng, chúng tôi luôn sẵn sàng tăng ca để vừa giúp công ty cung ứng sản phẩm kịp thời cho đối tác, vừa kiếm thêm thu nhập. Chế độ tăng ca, lương thưởng được công ty thanh toán đầy đủ. Công đoàn cơ sở vừa mới thành lập nhưng đã có nhiều hoạt động chăm lo, động viên người lao động nên chúng tôi yên tâm làm việc”.

Hiện nay, Công ty Cổ phần BGG Hương Sơn đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, lắp đặt thêm các chuyền may và tuyển mới thêm 500 công nhân để đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Công nhân phấn khởi vì công ty có nhiều đơn hàng, đảm bảo việc làm và thu nhập.

Tại Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh (Khu kinh tế Vũng Áng), hơn 380 công nhân cũng đang tất bật với các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Châu Âu.

Xem thêm: Đi du thuyền khám phá Đồng bằng sông Cửu Long

Ông Đặng Viết Thực - Giám đốc Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi hiện nay là sản xuất 130 nghìn sản phẩm/tháng để đáp ứng được nhu cầu của các đối tác. Đơn hàng ổn định nên từ nay đến đầu năm 2025, về cơ bản xí nghiệp đảm bảo được việc làm, thu nhập và các chế độ chính sách cho người lao động".

Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động nhờ đơn hàng ổn định.

Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh cũng đón nhận nhiều tín hiệu vui khi doanh nghiệp đã vượt qua được giai đoạn khó khăn, đơn hàng ổn định từ nay đến hết năm 2024; việc làm và thu nhập của người lao động được đảm bảo.

Theo dự kiến, năm nay, công ty sẽ sản xuất gần 4,7 triệu sản phẩm (vượt 9,2% kế hoạch đề ra của năm 2024). Đơn hàng từ nay đến cuối năm đã được lấp đầy; thu nhập bình quân của lao động gần 6,3 triệu đồng/người/tháng. Ở những tháng cuối của năm 2024 nhưng công ty đã chủ động kế hoạch tìm kiếm thêm đơn hàng cho năm 2025, dự kiến mở rộng năng lực sản xuất tăng ít nhất 15% so với năm 2024.

Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh đã nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bà Võ Thị Tâm - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh cho biết: “Bên cạnh nỗ lực của lãnh đạo doanh nghiệp, công đoàn công ty cũng thường xuyên phát động các phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”… Hằng tháng, các bộ phận sẽ bình xét những công nhân có sáng kiến ứng dụng hiệu quả vào sản xuất để BCH công đoàn, lãnh đạo công ty khen thưởng nên đã góp phần động viên, khích lệ công nhân hăng hái thi đua lao động sản xuất, tăng sản lượng và thu nhập”.

Lý giải nguyên nhân đơn hàng dồi dào trong những tháng cuối năm 2024, các chủ doanh nghiệp ngành dệt may đều cho rằng: do tình hình chính trị của một số nước bất ổn, tình trạng chiến tranh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sở tại, trong đó có ngành dệt may. Hơn nữa, sản phẩm may mặc của các doanh nghiệp Việt ngày càng được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới...

Những nỗ lực của các doanh nghiệp dệt may trong việc tìm kiếm, duy trì đơn hàng không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển ổn định mà còn tạo cơ hội chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng cơ hội việc làm, thu nhập cho người dân trên địa bàn Hà Tĩnh.

Video: Không khí lao động sản xuất sôi nổi tại các doanh nghiệp may mặc ở Hà Tĩnh.

Kiều Minh