Đổi thay trên sóc Tà Ngáo

Người dân thu hoạch mật thốt nốt vào buổi sáng mỗi ngày. Ảnh: Tân An

Thủ phủ cây thốt nốt

Chúng tôi xuống thăm bà con nhân dân sóc Tà Ngáo vào một ngày cuối Hè. Dưới cái nắng vàng của buổi sáng vùng Bảy Núi, trên khắp các con ngõ nhỏ xuyên qua tán rừng cây thốt nốt, từng tốp phụ nữ Khơ me nhanh chân gánh nước mật về nhà nấu đường thốt nốt. Hương thơm ngạt ngào lan tỏa khắp xóm, làm cho người ta mê say hương vị đặc trưng của miền biên viễn này.

Xem thêm: Nhiều hoạt động ý nghĩa trong Đêm hội trăng rằm

Trên đường vãn cảnh chùa Tà Ngáo- ngôi chùa nổi tiếng với hơn 200 tuổi đời của người Khơ me, tôi được Sư cả Chau Khi, trụ trì của chùa Tà Ngáo cho biết, từ lâu, vùng biên giới Bảy Núi thuộc thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn của tỉnh An Giang được biết đến là nơi trồng nhiều cây thốt nốt nhất các tỉnh, thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long nói chung và miền Tây Nam bộ nói riêng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, duy chỉ cánh đồng Tà Ngáo mới được mệnh danh là “thủ phủ” trồng cây thốt nốt. Hàng năm, nơi đây cung cấp lượng lớn đường thốt nốt cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngày nay, đường thốt nốt không chỉ được bán trong nước, mà còn xuất sang thị trường khó tính, như: Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Chúng tôi ghé vào nhà chị Neàng Mi, trú ở Sóc Tà Ngáo, khi chị vừa lấy nước mật về đến nhà. Lấy tay lau vội dòng mồ hôi trên mặt, chị cho biết: “Sáng nào cũng vậy, bà con phải tranh thủ đi lấy nước thốt nốt từ sớm để đem về nhà thắng đường. Nếu để đến trưa thì nước mật bị ôi chua, nấu đường không còn thơm ngon. Muốn cho ra một mẻ đường chất lượng, phải đun sôi liên tục 5-6 giờ. Sau đó để nguội, thương lái đến cân nườm nượp. Dứt vụ thu hoạch, bình quân mỗi hộ kiếm lời trên 30 triệu đồng”.

Ông Chau Rô Thi, trú tại sóc Tà Ngáo đã ngoài 60 tuổi và có hơn 40 năm kinh nghiệm trong việc thu hoạch mật thốt nốt cho biết thêm: “Cây Thốt nốt là loại cây chỉ có ở vùng Nam Á và Đông Nam Á, phân bố từ Indonesia đến Pakistan. Ở Việt Nam được trồng phổ biến ở miền Nam, nhất là ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh và Kiên Giang. Loại cây này chịu hạn rất khỏe, có tuổi thọ rất cao, cây càng già càng cho nhiều nước, sản lượng mỗi năm lại tăng thêm và có trữ lượng đường cao. Cây thốt nốt khoảng 30 - 40 năm tuổi hầu như ra bông, cho trái và cho nước quanh năm. Muốn lấy nước mật, người ta phải chặt một cây tre gai già thật dài và thẳng. Cứ mỗi nhánh chừa lại khoảng một gang tay, rồi cột cố định vào thân thốt nốt để dùng làm thang leo. Khi lưỡi mèo (bông thốt nốt) ra dài là lúc cắt mạch lấy mật đem nấu thành đường thốt nốt. Mùa này nắng gắt, 7 lít nước nước mật nấu thành phẩm 1kg đường. Mùa mưa, tới 10 lít mật thốt nốt nấu được 1kg đường. Đường thốt nốt có 2 loại chủ yếu là đường đặc đựng trong hộp nhựa và đường tán tròn gói bằng lá thốt nốt”.

Xem thêm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp đại sứ Sri Lanka trình Quốc thư

Phường An Phú, thị xã Tịnh Biên có 170 hộ, với 800 nhân khẩu làm nghề chế biến các sản phẩm từ cây thốt nốt, như: rượu thốt nốt, nước thốt nốt, chè, thạch thốt nốt, bánh bò thốt nốt, thốt nốt rim, mứt thốt nốt, nước màu thốt nốt và đồ thủ công mỹ nghệ. Trong đó, đường thốt nốt là sản phẩm chính xuất khẩu sang Đài Loan, Nhật Bản, với sản lượng hàng chục tấn. Trước đây, bà con chỉ biết lấy nước rồi nấu đường theo tập quán nên sản lượng và chất lượng chưa tốt, bán giá cũng không cao. Từ khi được tham gia tập huấn kỹ thuật khai thác nước và chế biến theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm thì đường do các gia đình nấu ra bán được giá cao hơn. Trung bình, mỗi hộ nấu từ 50-100kg đường, thu nhập từ 500 nghìn đến gần 1 triệu đồng/ngày. Mỗi mùa, “thủ phủ” thốt nốt Tà Ngáo cung cấp khoảng 12 tấn đường/ngày, suốt 8 tháng trong năm. Nhiều thương hiệu đường thốt nốt ở đây nổi tiếng khắp nơi cả trong và ngoài nước.

Vì tính độc đáo của nghề nấu đường thốt nốt của đồng bào dân tộc Khơ me, năm 2011, phường An Phú được UBND tỉnh An Giang ra quyết định công nhận “Làng nghề nấu đường thốt nốt” và mới đây nhất, ngày 21/2/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa nghề nấu đường thốt nốt vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình thủ công truyền thống.

“Áo mới” Tà Ngáo

Ngồi trong ngôi nhà khang trang, vững chãi vừa mới được dựng lên từ nguồn vốn hỗ trợ của chính quyền và bằng công sức tần tảo của cả 2 vợ chồng, chị Neàng Tha La, trú tại sóc Tà Ngáo chia sẻ: “Nhờ có Chương trình 134, 135, bà con Khơ me trong sóc Tà Ngáo nói chung và gia đình tôi nói riêng đã có nhà ở ổn định và các chùa cũng được Nhà nước quan tâm công nhận cơ sở thờ tự văn hóa, xây lò hỏa táng... Bây giờ, ở các phum, sóc rất tốt, có đèn chiếu sáng an toàn, đường sá đi lại rất thuận tiện hơn trước rất nhiều, được bê tông chắc chắn, còn trồng hoa, xây hàng rào cây xanh rất đẹp và sạch sẽ. Dịp lễ hội, bà con còn được Nhà nước tặng quà, khám bệnh miễn phí, ai nấy đều rất vui mừng, phấn khởi”.

Người dân sóc Tà Ngáo nấu đường thốt nốt. Ảnh: Tân An

Sư cả Chau Khi, trụ trì chùa Tà Ngáo cũng vui mừng cho biết thêm: “Chúng tôi rất phấn khởi trước sự đổi thay mạnh mẽ của quê hương, càng phấn khởi hơn là cùng với sự đổi thay đó, đời sống của mọi nhà, mọi người dân Khơ me trong sóc Tà Ngáo cũng không ngừng được nâng lên, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành. Hiện nay, người Khơ me ở sóc Tà Ngáo ngoài làm nông nghiệp, khai thác và nâng cao giá trị các sản phẩm làm từ cây thốt nốt, còn phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn trái, vì vậy, UBND phường An Phú đã huy động các nguồn lực, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng ý thức nỗ lực tự vươn lên của đồng bào Khơ me, tỷ lệ hộ nghèo ở sóc Tà Ngáo từng bước kéo giảm”.

Từ một xóm nghèo heo hút nơi vùng biên viễn, người dân chủ yếu sống bằng nghề hái trái và làm đường thốt nốt, bây giờ, sóc Tà Ngáo đã “thay da đổi thịt” từng ngày, khoác lên mình chiếc “áo mới”. Nhờ vào các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, người dân đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất và chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như: nuôi bò, dê, trâu, lợn, gà, vịt... đạt hiệu quả cao. Từ đó, góp phần thoát nghèo bền vững, đời sống người dân trong sóc Tà Ngáo cũng khấm khá hơn nhiều. Khi kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực thì diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khơ me trong sóc Tà Ngáo ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng.

Tuy nhiên, để phát triển, duy trì các làng nghề, nghề truyền thống cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người dân sóc Tà Ngáo cần nỗ lực, năng động, nhạy bén tìm hướng đi, cách làm sáng tạo, mang đến sức sống mới cho làng nghề, nghề truyền thống. Trong tương lai không xa, thực hiện kế hoạch phát triển du lịch gắn với văn hóa truyền thống ở An Giang, những làng nghề nấu đường thốt nốt ở sóc Tà Ngáo sẽ là sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, mang lại những trải nghiệm về nấu đường và cách chế biến vô cùng hấp dẫn với du khách. Từ đó, mang lại thêm nhiều nguồn thu nhập cho người dân trong sóc Tà Ngáo.

Tân An