Điện Thái Hòa vẫn mở cửa đón khách trong khi trùng tu

Giám đốc trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết điện Thái Hòa hiện cơ bản hoàn thành các hạng mục như nền móng, tường bao, mái lợp, hệ khung và các kết cấu gỗ, hệ thống sân đại triều nghi và cây xanh cảnh quan.

Tổng thể Điện Thái Hòa đang trong quá trình trùng tu. Ảnh: LĐ

Đơn vị đang trong giai đoạn hoàn thiện nội thất, sơn thếp các đồ án hoa văn trang trí bên trong điện.

Xem thêm: Minh Hải từng là tên gọi của tỉnh nào?

Hôm 22/9 di tích được tháo gỡ rào chắn xung quanh, mở lối đi vào phần chính điện để du khách tiện theo dõi các nghệ nhân đang hoàn thiện các bước cuối trong trùng tu ngôi điện.

Theo ông Trung, đây là lần đầu tiên một công trình di tích đang trùng tu được mở cửa đón du khách. Việc này tạo thêm trải nghiệm cho du khách và góp phần phát triển du lịch của địa phương.

Đại diện trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết từ khi mở cửa, mỗi ngày điện Thái Hòa đón hàng trăm lượt khách đến tham quan. Dù tầm nhìn vẫn còn bị hạn chế bởi các giàn giáo, nhiều khách vẫn dành thời gian để theo dõi các nghệ nhân trang trí công trình.

Qua hàng trăm năm tồn tại, trước các tác động của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, điện Thái Hòa xuống cấp nghiêm trọng dù đã trải qua hơn 20 lần trùng tu. Một số cấu kiện gỗ của công trình bị mục, không đảm bảo an toàn.

Cơn bão Noul (bão số 5) năm 2020 đã làm hư hại một phần mái ngói của công trình. Tháng 4/2022, điện Thái Hòa được Trung tâm Bảo tồn di tích Huế tháo dỡ trùng tu với tổng kinh phí 128 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.

Điện Thái Hòa được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1805 tại khu vực Đại Cung môn. Đến năm 1833, vua Minh Mạng cho xây dựng lại công trình ở vị trí hiện nay. Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng nhất trong Hoàng cung triều Nguyễn. Đây là nơi Hoàng đế ngự ngai vàng, tổ chức các buổi thiết triều, đại lễ và nghi thức quan trọng của triều đình.

Xem thêm: Khách Hàn ăn 4 loại phở bò trong 2 ngày ở Đà Nẵng, hài hước nói một câu

Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc tiêu biểu của di tích Cố đô Huế còn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến nay. Đây không chỉ là công trình kiến trúc mà còn là nơi lưu giữ hệ thống văn thơ, theo hình thức trang trí “nhất thi, nhất họa” độc đáo đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thủy Tiên