Điểm tựa tình người

Nối dài những sẻ chia

Những chuyến xe nối dài từ miền Nam, miền Trung, Hà Nội cùng một hướng lên Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái… mang theo những tấn hàng được đóng gói cẩn thận, từ quần áo, thuốc men đến đồ ăn, nước uống, sữa, bánh mỳ, thuốc… Đó là những hình ảnh xúc động lan truyền trên mạng xã hội trong những ngày qua. Ở ngay khu chung cư tôi sống, khu nhà cộng đồng trở thành điểm tập kết hàng, chăn, màn, gạo, quần áo, thuốc, sữa… Hàng ngày những chuyến xe tình nghĩa tỏa đi những điểm cần cứu trợ, mang theo tình cảm, sự sẻ chia của mọi người cho vùng lũ.

Người dân Hà Tĩnh gói bánh tặng đồng bào vùng lũ.

Xem thêm: Thắm đượm tình nghĩa Việt Nam - Lào sau cơn mưa lũ

Và cũng không thể kể hết những "anh hùng vô danh" lăn xả vào nơi hiểm nguy để cứu giúp đồng bào. Họ là lực lượng Công an, Quân đội, ở đâu gian khó, ở đó có họ. Hơn 500 con người đang vật lộn giữa dòng nước, giữa bùn lầy để tìm người mất tích ở làng Nủ.

"Lá rách ít đùm là rách nhiều", những cơ sở, nhà dân trong vùng lũ còn có thể ghé lưng được sẵn sàng đón bà con nhà bị ngập, những quán trọ, khách sạn 0 đồng, những chuyến xe 0 đồng, những suất cơm miễn phí… đều sẵn lòng đến với người cần. Nhà nhà, người người, ai có nguồn lực gì cũng sẵn sàng sẻ chia để ứng cứu kịp thời và cùng hướng về miền Bắc thân yêu.

Từ miền Trung yêu dấu cách đây 5 năm bị nhấn chìm trong cơn lũ lịch sử, được cả nước hướng về thì giờ đây, người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình lại hối hả gói bánh chưng, nấu để kịp gửi theo những chuyến xe ra Bắc. Người góp lá, người góp đỗ, nếp, thịt… Chùa, đình làng trở thành những điểm tập kết đồ, nấu bánh chưng… Hàng ngàn chiếc bánh chưng tình nghĩa, những đồ dùng thiết yếu được chạy xuyên đêm lên miền núi phía Bắc và các điểm ngập sâu ở Bắc Giang, Ninh Bình… Thế nhưng, cảm động hơn, trong hoạn nạn, những người dân vùng ngập lụt ở Hà Nội, Bắc Giang xin không nhận hàng cứu trợ để ưu tiên cho các tỉnh khác đang khó khăn hơn.

Những ngày này cũng là thời điểm đón Tết Trung thu của các em nhỏ. Dịp này mọi năm, không khí Trung thu đã khá rộn ràng ở khắp mọi nơi. Năm nay, dù kế hoạch đã sẵn sàng, việc huy động, đóng góp các nguồn lực để tổ chức trung thu cho các em đã triển khai xong. Nhưng, trước những đau thương, mất mát và những khó khăn, vất vả mà người dân vùng lũ đang phải gánh chịu, gần như toàn bộ hơn 600 đơn vị trường ở Sơn La đã quyết định dừng việc tổ chức Trung thu, dành nguồn lực ưu tiên hỗ trợ, ủng hộ người dân vùng lũ. Chị Nguyễn Thái Hà, Ban đại diện Hội phụ huynh Trường Tiểu học, THCS và THPT Chu Văn An, tỉnh Sơn La cho biết, qua dư luận xã hội, đông đảo phụ huynh và học sinh các trường đều rất đồng tình, ủng hộ và nhất trí cao với việc tạm dừng tổ chức Trung thu để tập trung ủng hộ cho các tỉnh chịu nhiều thiệt hại về bão lũ.

Tại Hà Nội, những em nhỏ lớp 3 của một trường tiểu học đã đề nghị bố mẹ không tổ chức Trung thu mà dành khoản tiền đó lên trụ sở một tòa soạn báo gửi tặng các em nhỏ vùng bão lũ. Một trường tiểu học ở Đắk Lắk cũng đã kịp thời quyên góp gửi đến trường tiểu học Hưng Đạo ở Nguyên Bình, Cao Bằng bị lũ cuốn trôi toàn bộ sách vở và thiết bị dạy học một món tiền nhỏ để mua chăn màn, đồ dùng… Rất nhiều sự sẻ chia như thế và càng ngày càng lan tỏa trong cộng đồng…

Xem thêm: 'Bà hoàng du lịch giá rẻ' Trung Quốc tái xuất

Điểm tựa Việt Nam

Quá nhiều mất mát và đau thương trong những ngày này khiến chúng ta không ai có thể đứng ngoài cuộc được nữa. Quỹ Hạt vừng trở lại với "Tiếng gọi yêu thương" chung tay của hàng triệu "Hạt vừng" khắp cả nước cùng cứu trợ đồng bào sau bão. Nhóm thiện nguyện Hạt vừng (Đạo diễn Việt Tú, nhà báo Trần Mai Anh, nhà báo Bùi Ngọc Hải, nhà văn Hoàng Anh Tú, Đoàn Phương Thảo, nhà báo Đinh Đức Hoàng, nhà báo Trương Anh Ngọc, nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương, doanh nhân Phan Đặng Trà My, MC Đức Bảo, MC Nguyễn Hồng Nhung … và nhiều thành viên tích cực khác…) chính thức phát động chương trình: "Tiếng gọi yêu thương" kêu gọi tất cả các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại sau cơn bão.

Một đêm nhạc thiện nguyện được tổ chức tại Hà Nội. Buổi biểu diễn nghệ thuật kết hợp với hoạt động đấu giá gây quỹ nhiều vật phẩm quý, được gửi đến "Hạt vừng", với niềm tin rằng những món quà từ tâm của mọi người sẽ được trao tặng vẹn nguyên đến người cần, nơi cần - một cách xác đáng và nhanh chóng nhất.

Chuyến xe nghĩa tình từ Đắk Lắk đến với bà con vùng lũ.

Ca sĩ Thái Thùy Linh với nhóm thiện nguyện "Người Việt thương nhau" cũng đã kêu gọi hỗ trợ của cộng đồng và ứng phó ngay đến những điểm cần kíp cho người dân trong mưa lũ. Trước đó, nhiều nghệ sĩ Việt đã có những hành động thiết thực nhằm hỗ trợ người dân. Tối 9/9, ca sĩ Tùng Dương cho biết, anh cùng một số người bạn đã kêu gọi được 500 triệu đồng cho người dân ở tỉnh Thái Nguyên, để khắc phục hậu quả sau cơn bão, số tiền trên đã được anh gửi qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Thái Nguyên.

Ca sĩ Uyên Linh và Quốc Thiên, Ninh Dương Lan Ngọc, ca sĩ Tuấn Hưng, NSND Phạm Phương Thảo và rất nhiều nghệ sĩ đã trực tiếp có mặt tại các vùng bão lũ hoặc kêu gọi cộng đồng quyên góp và gửi tiền đến quỹ của Mặt trận Tổ quốc, các tờ báo uy tín như Báo CAND, Tiền phong, Tuổi trẻ, Việt Nam Net… Con số ủng hộ trên 1.000 tỷ đồng mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận được vẫn chưa dừng lại.

Trong gian khó, người Việt đã cùng nhau sẻ chia, yêu thương. Giới họa sĩ, bằng những tác phẩm của mình đã bán đấu giá tranh để gây quỹ từ thiện. Nhóm 3 người bạn, họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt dành 100% số tiền bán mặt nạ trong triển lãm "Mặt khác" của họ để cứu trợ đồng bào… Hơn 20 tác phẩm của các họa sĩ Đoàn Văn Nguyên, Đào Hải Phong, Tào Linh, Giáng Vân, Phạm Luận, Phạm An Hải, Đỗ Thúy Hằng… sẽ được đấu giá để ủng hộ đồng bào bị bão lụt…

Đài truyền hình Việt Nam VTV trong 3 ngày đã tổ chức chương trình "Điểm tựa Việt Nam", nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành và đồng hành của các nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam. Ca sĩ Hồng Nhung trình bày một sáng tác mới của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh mang tên "Giọt nước mắt". Bài hát này xuất phát từ sự đồng cảm của chính tác giả với nỗi đau mà đồng bào phải trải qua vì thiên tai. Đó cũng là tinh thần xuyên suốt trong các phần tham gia của nghệ sĩ Tùng Dương, Văn Mai Hương, nhóm MTV, nhạc sĩ Dương Cầm và nhiều nghệ sĩ khác. Trong đó có những nghệ sĩ vừa đi cứu trợ trở về, có những nghệ sĩ đã dành tấm lòng đóng góp cho đồng bào. Nhạc sĩ Quốc Trung, cố vấn âm nhạc của chương trình chia sẻ tình cảm của mình với người dân vùng lũ với bản nhạc "Tre xanh ru" do ông sáng tác.

Những nỗi đau vẫn còn đó, những vết thương chưa kịp lành, những ngôi làng bị xóa sổ trong cơn lũ dữ và vẫn còn những thi thể chưa được tìm thấy…. Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Nhưng trong nỗi đau tận cùng ấy, những ấm áp tình người đã khiến trái tim mỗi người Việt được sưởi ấm. Những cô giáo vùng cao, ở mảnh đất đau thương mang tên làng Nủ nâng niu từng kỷ niệm của những đứa trẻ đã mất. Từng chiếc khăn thêu tên từng em, từng chiếc bát ăn, đồ chơi, các cô đều nâng niu, chuẩn bị cho ngày các con tới trường…. Ở một nơi xa xôi, thiếu thốn ấy, tình thầy cô, trái tim yêu thương của các cô lại thật ấm áp, đủ đầy…

Rồi cuộc sống sẽ vẫn phải tiếp diễn trên chính mảnh đất đau thương ấy, những đứa trẻ sẽ lại đến trường, những ngôi làng sẽ được tái thiết lại cùng với sự chung tay của cộng đồng. Và rồi, sự sống sẽ lại hồi sinh trên những mảnh đất đau thương… vì rất nhiều yêu thương và niềm tin đã được trao gửi.

Linh Nguyễn