Đến với đồng bào Cao Lan ở Đèo Gia

Ngay khi đến xã Đèo Gia, tôi tìm đường đến rừng lim để tận hưởng không khí núi rừng. Bởi trên xe, tôi nghe được cuộc trò chuyện giữa Thượng tá Trịnh Đình Hiệp, Chủ nhiệm chính trị và nữ nhân viên quân y có giọng hát ngọt ngào “đốn tim” Hồng Hạnh của Bệnh viện Quân y 110 mà rằng, Đèo Gia có rừng lim cổ thụ rất quý. Nếu tối nay có chương trình văn nghệ, cô sẽ hát tặng bà con dân tộc Cao Lan bài “Tiếng rừng” của tác giả Phan Thanh Trường.

Bác sĩ Bệnh viện Quân y 110 khám bệnh cho người dân xã Đèo Gia (Lục Ngạn, Bắc Giang).

Tuy nhiên, khi hỏi đường đến rừng lim, tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu của người dân. Tôi trở lại UBND xã Đèo Gia khi bà con dân tộc Cao Lan đã đến chật kín sân đăng ký, chờ đến lượt được khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc. Tôi đến bên cụ ông Ninh Văn Váy (tên tôi nhìn được trong phiếu đăng ký khám bệnh), sinh năm 1947, để hỏi chuyện, nhưng chỉ nhận lại những cái lắc đầu tỏ ý không biết. May sao, một người đàn ông trung niên đầu đội mũ cối đến bên, bảo tôi: “Anh muốn hỏi gì? Tôi phiên dịch giúp”. À, thì ra ông Váy không biết tiếng phổ thông.

Xem thêm: Gia đình ở Nghệ An có 8 con gái xinh đẹp, cùng nhau theo ngành y, dược

Rồi người đàn ông đội mũ cối dịch lời của tôi sang tiếng dân tộc Cao Lan và hỏi ông Váy. Tôi được anh dịch lại rằng, từ bé đến giờ, ông Váy chưa phải đi viện. Đây là lần đầu tiên ông Váy được chụp X-quang để bác sĩ bắt bệnh, cho thuốc trị cái chứng khó thở, ho khan. Xong cuộc trò chuyện ngắn ngủi, anh đội mũ cối mới giới thiệu với tôi, tên anh là Hoàng Văn Dũng, sinh năm 1971, người dân tộc Cao Lan, Chủ tịch UBND xã Đèo Gia. Anh Dũng từng đi bộ đội và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, sau khi hết nghĩa vụ quân sự, anh trở lại địa phương và tham gia hoạt động công tác Đoàn, xây dựng phong trào thanh niên.

Với nhiều năm làm cán bộ và gần hai khóa liên tiếp làm Chủ tịch UBND xã, anh Dũng nắm rất chắc tình hình bà con dân tộc quê hương. Anh tóm tắt với tôi một số nét chính của địa phương. Theo đó, Đèo Gia có diện tích 4.414,5ha và hơn 1.200 hộ với dân số gần 5.000 người, sinh sống ở 7 thôn, xóm. Thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 43 triệu đồng/người/năm. Anh Dũng kể, từ ngày khánh thành con đường bê tông dài 9km vào năm 2019 đến nay, nhờ giao thông thuận tiện nên kinh tế-xã hội của Đèo Gia có bước phát triển đáng kể.

Với anh Dũng, việc tổ chức huy động bà con làm đường bê tông trong 100 ngày là một ví dụ cho khát vọng phát triển của bà con dân tộc Cao Lan trong xã. Anh kể, lúc ấy, ngoài kinh phí do Nhà nước và tỉnh hỗ trợ, mỗi khẩu đóng góp 200.000 đồng. Những cán bộ như anh Dũng thường đi đầu, đóng góp 5 triệu đồng. Các hộ kinh doanh, buôn bán hoặc có xưởng tách gỗ cũng tùy tâm mà góp. Có người đóng góp 10 triệu đồng. Thế là cả xã trở thành công nhân. Họ chia thành nhiều tổ. Tổ khai thác vật liệu tại sông Lục Nam mang về. Tổ san nền, phục vụ lu, nèn. Sau đúng 100 ngày thi công, con đường đã hoàn thành.

Các đơn vị phối hợp biểu diễn văn nghệ phục vụ người dân xã Đèo Gia (Lục Ngạn, Bắc Giang).

Nhờ có đường mới mà tốc độ phát triển, giao thương kinh tế cũng nhanh hơn. 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất của xã đạt 147,8 tỷ đồng, đạt 61,27% kế hoạch năm và cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 là hơn 30%. Trong đó, kinh tế đồi rừng, trồng cây lấy gỗ và hoa quả có múi rất phát triển, hứa hẹn nhiều tiềm năng, có thể trở thành thế mạnh thoát nghèo của các hộ dân. Dù Đèo Gia vẫn “đói” nhiều thứ nhưng người dân không hề xâm phạm đến khối tài sản quý là cánh rừng lim rộng 2ha mà tôi muốn đến. Anh Dũng bảo, cánh rừng ấy nằm trong khu dân cư thôn Đèo Gia, cách trung tâm xã gần 3km. Nhờ ý thức bảo vệ nghiêm ngặt, không ai chặt phá nên cánh rừng ngày một xanh tốt. Khách lạ đến địa phương này hỏi đường tới rừng lim đều bị từ chối. Thế nên ý định của tôi thất bại là cũng có nguyên do.

Câu chuyện giữa tôi và Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Dũng tạm dừng vì sự có mặt của Đại tá, bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thiện Quảng, Phó giám đốc y vụ, Trưởng đoàn khám, tư vấn, cấp thuốc miễn phí của Bệnh viện Quân y 110. Anh Quảng thông tin, hết buổi chiều đã có hơn 400 người được khám nội, ngoại, X-quang, siêu âm, điện tim, điện não... Anh giải thích, qua trích xuất số liệu từ chụp X-quang điện tử, tỷ lệ bà con của xã bị viêm phổi khá cao. Dự kiến hết buổi sáng hôm sau, Bệnh viện Quân y 110 sẽ khám, cấp 600 suất thuốc, tương đương trị giá 120 triệu đồng. Bệnh viện cũng tặng 21 suất quà trị giá hơn 10 triệu đồng. Đặc biệt, buổi tối, các y, bác sĩ của Bệnh viện sẽ phối hợp tổ chức chương trình văn nghệ phục vụ bà con.

Xem thêm: Đồng bào Công giáo Hà Tĩnh hăng say xây dựng nông thôn mới

Đêm ấy, sân UBND xã Đèo Gia sáng trưng ánh điện. Người dân đến xem văn nghệ chật cứng hội trường UBND xã. Anh Dũng bảo tôi, lâu lắm rồi người dân trong xã mới được thưởng thức món ăn tinh thần đậm đà. Các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Bắc Giang cũng đến tham dự và phối hợp nhuần nhuyễn với hạt nhân của Bệnh viện Quân y 110 trong thực hiện các tiết mục. Cô nhân viên quân y Hồng Hạnh được dịp thể hiện chất giọng và những tinh túy trong bài hát “Tiếng rừng”.

Bài và ảnh: HOÀNG PHONG