ĐBSCL: Nhiều giải pháp ngăn sâu đầu đen tấn công vườn dừa

Tại các vườn dừa thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, người dân đang tất bật dọn tỉa vườn, tiêu hủy các lá bị sâu hại và đồng loạt phun thuốc trên ngọn cây để diệt sâu đầu đen

Theo ghi nhận, tại các vườn dừa thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, người dân đang tất bật dọn tỉa vườn, tiêu hủy các lá bị sâu hại và đồng loạt phun thuốc trên ngọn cây để diệt sâu đầu đen. Trong đó, một số vườn dừa của người dân không thể phục hồi, phải đốn bỏ hoàn toàn. Người dân đang nỗ lực phun thuốc để cứu những vườn còn lại.

Toàn tỉnh Tiền Giang có diện tích dừa bị sâu đầu đen gây hại khoảng 279,283 ha (trong đó huyện Chợ Gạo 245,61 ha, Tân Phú Đông 33,1 ha, Gò Công Tây 0,673 ha), tăng 242,123 ha so với năm 2023.

Xem thêm: Ban Tăng sự T.Ư họp, rà soát công tác tổ chức Khóa bồi dưỡng Giới luật cho Tăng Ni khu vực phía Nam

Xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo là địa phương có diện tích dừa bị sâu đầu đen gây hại lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Theo ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông, toàn xã có khoảng 220ha dừa bị sâu đầu đen gây hại (mức độ thiệt hại chủ yếu khoảng 30%-40%). Đến nay, người dân trên địa bàn xã đã phun xịt thuốc ít nhất 1 lần, có hộ xịt đến 4 lần.

Ngoài ra, xã đã tổ chức tập huấn nhiều lần để hướng dẫn nông dân các giải pháp phòng trị bệnh sâu đầu đen. Đồng thời tập trung tuyên truyền để nông dân chủ động phun xịt thuốc diệt sâu đầu đen.

Người dân trên địa bàn xã Xuân Đông đã phun xịt thuốc phòng trừ sâu đầu đen ít nhất 1 lần

Trước tình hình trên, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với các Phòng NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn hướng dẫn biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa cho các địa phương.

Đồng thời tăng cường tập huấn, hướng dẫn, phát tờ rơi cho người dân về quy trình phòng, chống sâu đầu đen hại dừa; vận động người dân chủ động phun xịt đồng loạt trên các vườn dừa bị nhiễm sâu đầu đen, kết hợp với treo bẫy đèn và các côn trùng thiên địch của sâu đầu đen như ong mắt đỏ… để tránh lây lan trên diện rộng; đốn bỏ và tiêu hủy những vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại nặng và không có khả năng phục hồi…

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục trực tiếp xuống địa phương tổ chức tập huấn, hội thảo về giải pháp phòng, trừ sâu đầu đen. Những cây dừa lão, không còn hiệu quả phải vận động nông dân đốn, đốt tiêu hủy để tiêu diệt mầm bệnh... Hiện Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam đã tập huấn cho nông dân về các loại thiên địch để phòng trừ sâu đầu đen.

Ngành chức năng vận động người dân, những cây dừa lão, không còn hiệu quả phải vận động nông dân đốn, đốt tiêu hủy để tiêu diệt mầm bệnh

Hiện toàn tỉnh Tiền Giang có khoảng 22.400 ha diện tích trồng dừa, ước sản lượng l246.600 tấn/năm, được phân bố từ huyện Cái Bè đến huyện Tân Phú Đông. Trong đó, diện tích dừa tập trung chủ yếu tại các huyện: Chợ Gạo (7.700 ha), Châu Thành (5.000 ha), Tân Phú Đông (2.700 ha), Gò Công Tây (2.500 ha), TP Mỹ Tho (1.700 ha)...

Tương tự tại Bến Tre, nhiều vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công gây cháy lá vàng, ngành nông nghiệp và người dân đang khẩn trương thực hiện các giải pháp để phòng trừ sâu đầu đen. Ngoài việc phòng trừ bằng thuốc bảo vệ thực vật, ngành nông nghiệp thường xuyên phóng thích ong ký sinh để bảo vệ đối với những vườn dừa bị nhiễm nhẹ.

Diện tích dừa nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh Bến Tre là hơn 592ha

Tỉnh Bến Tre có diện tích dừa lớn nhất cả nước với gần 80 ngàn ha. Từ đầu năm đến nay, diện tích dừa nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh là hơn 592ha, tăng hơn 327ha so với đầu năm. Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ là 295ha, nhiễm trung bình hơn 162ha, nhiễm nặng hơn 134ha.

Xem thêm: Triều Tiên nói về hành động 'đùa với lửa' của Mỹ trước cường quốc hạt nhân Nga

Ông Nguyễn Văn Mến, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bến Tre cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, tổng diện tích nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh là 615,99ha, ngành chức năng tỉnh Bến Tre đã thả 135.960.000 ong ký sinh sâu đầu đen hại dừa. Ngành chức năng tỉnh đang tăng cường công tác để kịp thời phát hiện, khoanh vùng diện tích dừa bị sâu đầu đen tấn công nhằm sớm ngăn chặn việc lây lan trên cây dừa.

NGỌC PHÚC