Dạt dào tình mẹ từ ca dao

Minh họa/INT.

Nói về công ơn cha mẹ thì ca dao có nhiều, rất nhiều nhưng có lẽ đây sẽ là câu mà đứa con Việt nào cũng biết, cũng thuộc từ thuở lên ba:

“Công cha như núi Thái Sơn

Xem thêm: Cả nhà hoảng loạn vì trò nghịch của bé trai, dân tình chỉ ra lỗi sai của người lớn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ là bao la vô tận. Tác giả dân gian đã không phải khó nhọc để diễn tả công đức đó vì chỉ cần dùng hai hình ảnh “như núi Thái Sơn”, “như nước trong nguồn” để so sánh.

Khi đó, công cha, nghĩa mẹ được tạc khắc đồ sộ trong lòng những đứa con. Đây là cái hay trong bút pháp của ca dao, rất cao tay khi diễn tả một điều lớn lao, không phải gồng lên khiên cưỡng mà vẫn thật tự nhiên, thật thuyết phục, thật hiệu quả.

Có nhiều người (đặc biệt là phái nam) thắc mắc, tại sao cả bố và mẹ đều yêu thương, đều chăm lo nuôi dạy con cái thế nhưng người ta viết, nói, hát, hò, tạc, vẽ… đều đề cập đến mẹ nhiều hơn.

Minh họa/INT.

Tình mẹ sâu nặng hơn tình cha ư? Không phải đâu! Hãy nghĩ thoáng một chút, đừng cứ tách bạch rạch ròi như vậy khi cái lẽ “mọi sự so sánh đều khập khiễng” luôn tồn tại. Dù thực tế như vậy thì cũng không có nghĩa “thiên vị” cho mẹ. Xã hội, đặc biệt là các tác giả dân gian rất thiết diện vô tư, luôn công tâm bình đẳng về chuyện này.

Làm sao có thể đem tình thương của cha mẹ để cân đo dong đếm rồi phân hơn thua? Ai lại cố công đi làm cái điều không thể. Tác giả dân gian chẳng đã nói rõ, nếu tình mẹ “như nước trong nguồn” thì “công cha như núi Thái Sơn” rồi đấy sao, cả hai đều lớn lao, vĩ đại. Nhưng mẹ vẫn được nói nhiều hơn, vì mẹ là mẹ, vậy thôi.

Nhắc đến ca dao về mẹ, từ nhỏ, tôi đã ám ảnh với những câu ca dao này:

“Mồ côi cha ăn cơm với cá

Mồ côi mẹ lót lá mà nằm”

Hay:

“Mất cha ăn cơm với cá

Mất mẹ liếm lá ngoài đường”

Chính xác là tôi ám ảnh bởi sự độc đáo về nghệ thuật và cảm động bởi tầng nghĩa chìm của những câu ca dao này. Cả hai câu ca dao đều có thanh điệu hài hòa, cân xứng.

Cách sử dụng phép tương phản gây hiệu ứng nghệ thuật cao bởi cách đối chuẩn xác, nhấn mạnh, xoáy sâu. Điều tạo nên sự độc đáo là bài ca dao có vần hài hòa, có nhịp nhẹ nhàng, đọc lên nghe êm ái mà lại tạo cảm giác nặng nề, nhức nhối. Đọc xong vẫn còn thấy xót xa…

Nhiều bạn thắc mắc, câu ca dao làm mờ nhạt vai trò người cha? Không hề! Bởi câu ca dao không nhằm phân biệt, so sánh tình thương cha - con, mẹ - con mà cái đích hướng đến là tình mẹ, lòng mẹ.

Tác giả dân gian chỉ muốn nói rõ, tình mẹ là vậy, từng chút từng chút một, mẹ chăm lo cho con từng miếng ăn giấc ngủ. Mẹ sẵn sàng “Ăn cá mút xương, ăn mắm mút dòi” để dành phần cơm ngon cá ngọt cho con. (Bố cũng thương con nhưng bố sẽ cần, rất cần khi con lớn, lập thân lập nghiệp…

Bố thân dài vai rộng, bố không giỏi chuyện lo ăn lo ngủ cho con nhưng lớn một chút thì con không thể thiếu sự định hướng của bố). Điều làm nên sự cảm động là câu ca dao đã nhấn vào vai trò của người mẹ, tận tụy, chu đáo.

Xem thêm: Vượt thoát sợ hãi sinh già bệnh chết

Minh họa/INT

Mẹ tôi, người chỉ biết hát ca dao để ru con nói rằng, câu ca dao đó gián tiếp nói rằng, người mẹ có thể làm được tất cả các công việc của một người đàn ông (nếu lỡ con “mồ côi cha”) nhưng người cha không thể làm tất cả những công việc của một người phụ nữ nếu lỡ con “mồ côi mẹ”. Mẹ giải thích vậy, tôi “bừng tỉnh” trước chiều sâu của ca dao.

Và còn nữa những câu ca dao ca ngợi đức hy sinh, sự dịu dàng mềm mỏng, chịu thương chịu khó, lao tâm lao lực của người mẹ:

“Gió mùa Thu mẹ ru con ngủ

Năm canh chày thức đủ vừa năm”.

Hay:

“Nuôi con chẳng quản chi thân

Chỗ ướt mẹ nằm chỗ ráo con lăn”.

Vẫn là mẹ, chỉ có mẹ. Những câu ca dao thấm đẫm tình thương, đọc lên lâng lâng cảm động, mủi lòng muốn khóc.

“Con ho ngực mẹ tan tành

Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi”

Chín tháng hoài thai khó nhọc, mẹ ẵm bồng bú mớm, tập ăn, tập nói, tập cười... Mẹ nuôi con khôn lớn, mẹ nâng đỡ khi con té đau, mẹ ôm vào lòng vuốt ve khi con trầy xước, mẹ bao dung khi con sai lầm, mẹ nâng đỡ tâm hồn con trên mỗi bước đường đời:

“Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học mẹ đi trường đời”

Suốt cuộc đời, con luôn có mẹ đồng hành, mẹ lăn lộn “trường đời” để dìu con, che chở con, mẹ gìn giữ phần hồn con luôn thắm đỏ. Có phải đây chính là lí do mà lễ Vu Lan những người con lên chùa cài hoa hồng trên ngực? Hoa hồng đỏ trỗi màu thắm tươi trên ngực áo đứa con còn mẹ, hoa hồng trắng tinh khôi yêu thương, nhung nhớ dành cho những ai mất mẹ.

Hạnh phúc và may mắn thay cho những đứa con được cài hồng đỏ. Và cũng thật bất hạnh cho những đứa con cài hoa hồng trắng. Nhưng mẹ mất, đâu có nghĩa tình mẹ không còn nên dù là hoa hồng đỏ hay hoa hồng trắng thì vẫn là con đang về với mẹ, về với tình yêu thương thẳm sâu, bất diệt:

“Dù đi trăm núi nghìn sông

Cũng không ra khỏi tấm lòng mẹ tôi”

Ngày buồn nhất, khủng khiếp nhất của cuộc đời sẽ là ngày bạn mất mẹ, như lời ca dao:

“Mẹ hiền như thể trăng sao

Một mai trăng lặn đất trời lung lay”

Và còn nữa, nhiều, rất nhiều những câu ca dao hay về mẹ…

Ca dao về mẹ giúp ta tạm khép lại cánh cửa bon chen, bụi bặm, dẫn ta vào một thế giới bình yên, ấm áp…

Nguyễn Thị Bích Nhàn (Giáo viên Trường THCS Trần Hưng Đạo, thị xã Đông Hòa, Phú Yên)