Đặc sắc các hoạt động chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại Hoàng thành Thăng Long

Nhiều hoạt động trưng bày đặc sắc được tổ chức tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: S.T

Đầu tiên là sự kiện trưng bày tư liệu "Hà Nội và những cửa ô" khai mạc sáng 7-10 tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Trưng bày giới thiệu khoảng 170 tài liệu, hình ảnh với nội dung về 3 chủ đề: Cửa ô xưa; cửa ô chiến thắng; cửa ô Hà Nội hôm nay.

Thông qua các nguồn sử liệu, các hình ảnh, bản đồ, bản vẽ, các tài liệu viết bằng ngôn ngữ Hán Nôm và tiếng Pháp được lưu trữ tại Trung tâm Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội (EFEO), Thư viện Khoa học Xã hội Việt Nam và đặc biệt là Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ lịch sử thành phố Hà Nội, Trưng bày tái hiện lịch sử các cửa ô của Hà Nội; cung cấp một góc nhìn trực quan, sinh động nhất về các hoạt động đời sống xã hội xung quanh các cửa ô và sự biến mất của hầu hết các cửa ô vào những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Bên cạnh đó, triển lãm giới thiệu về quá trình tiếp quản Thủ đô Hà Nội (10-10-1954) và những bước phát triển của Thủ đô sau ngày đất nước thống nhất đến nay.

Xem thêm: Khai mạc triển lãm 'Chiến dịch Biên giới năm 1950 - Một thời hoa lửa'

Triển lãm "Hồ Chí Minh - Hành trình vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội qua sưu tập tem và bưu ảnh" giới thiệu những mốc son lịch sử trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam và trở thành một bộ phận quyết định của lịch sử thế giới trong thế kỷ XX.

Hành trình cứu nước và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện qua bộ sưu tập hơn 400 mẫu tem, bưu ảnh cùng trưng bày với bộ sưu tập tem, bưu ảnh gốc phát hành từ năm 1911 đến nay.

Xem thêm: Một thoáng chợ phiên Tráng Kìm

Triển lãm gồm 6 phần kể về hành trình tìm đường cứu nước và sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa cách mạng Việt Nam giành độc lập dân tộc.

Trưng bày tranh về Hoàng Thành và cảnh non sông, di sản văn hóa của Hà Nội mang tên "Dấu thiêng" của họa sĩ Chu Nhật Quang, giới thiệu 52 tác phẩm sơn mài truyền thống vẽ về phong cảnh quê hương, các địa danh di sản dân tộc với phong cách nghệ thuật kết hợp giữa cổ truyền và hiện đại.

Triển lãm chia thành 4 chủ đề gồm: "Khởi"; "Cội"; "Linh" và "Nôi". Buổi giới thiệu trưng bày tranh về Hoàng Thành và cảnh non sông, di sản văn hóa của Hà Nội mang tên "Dấu thiêng" của họa sĩ Chu Nhật Quang không chỉ đơn thuần là một cuộc trình diễn nghệ thuật mà còn là một hành trình về nguồn cội, một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy nghề sơn mài và giá trị văn hóa truyền thống trong thế giới hiện đại.

Hoạt động tiếp theo là trưng bày diễn giải tại di tích Hậu Lâu nhằm phát huy giá trị di tích Hậu Lâu mà Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu thời gian qua. Thông tin diễn giải bằng hệ thống pano hình ảnh giúp du khách tìm hiểu thêm về ý nghĩa của công trình, nét đặc sắc của kiến trúc và mỹ thuật trang trí, gửi gắm ước vọng yên vui của các vua triều Nguyễn.

Trong dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cũng chỉnh lý Nhà trưng bày chuyên đề " Thăng Long - Hà Nội, lịch sử nghìn năm từ lòng đất". Chỉnh lý nội dung và không gian trưng bày theo hướng hiện đại, hấp dẫn, góp phần tôn vinh và làm nổi bật những hiện vật quý giá khai quật trong lòng đất khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Đặc biệt bổ sung công nghệ trình chiếu 3D mapping, màn hình tương tác, tủ trưng bày chuyên dụng gắn màn hình cảm ứng OLED giúp du khách tương tác và cảm nhận được những giá trị đặc biệt của di vật.

Các hoạt động trưng bày, triển lãm mở cửa phục vụ du khách tham quan từ ngày 5-10 tại Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, số 19 đường Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội.

Hoàng Lân