Cuốn sổ tiết kiệm của mẹ

Quê Dịu ở vùng cao. Sau bão số 3, nơi cô sinh ra phải chịu nhiều tổn thất. Xem truyền hình thấy có những đợt sạt lở đất vùi lấp hàng chục người mà cô thao thức khó ngủ. Phương tiện liên lạc duy nhất với mẹ là điện thoại di động nhưng do bão lũ cô không thể kết nối. Sốt ruột nên vợ chồng Dịu quyết định cùng về thăm mẹ đợt này.

Lâu lắm mới được trở về căn nhà tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm, thấy mẹ vẫn khỏe, bình yên, Dịu thấy nhẹ lòng. Trong khi chồng và cậu em ra ao câu cá, cô em dâu và mẹ lúi húi trong bếp nấu những món ăn ngon, Dịu vào từng căn phòng nhỏ, ngắm lại các vật dụng nơi gắn bó với tuổi thơ của mình. Dịu vào căn phòng của mình. Căn phòng vẫn được mẹ giữ nguyên như hồi cô còn ở nhà. Dịu nghẹn lòng, cô đứng ở giá sách, lấy những cuốn truyện hay mà thời còn là học sinh lớp chuyên văn trường huyện, cô đã dành dụm tiền để mua. Những cuốn sách đều được mẹ giữ gìn cần thận, phẳng phiu, không một hạt bụi, chứng tỏ mẹ thường xuyên chăm chút, dọn dẹp cho nơi này. Bất ngờ, từ giá sách, một cuốn sổ tiết kiệm rơi xuống. Tò mò, Dịu mở ra xem. Những con số bên trong khiến Dịu sững sờ.

Dịu người miền ngược về thành phố học, lập nghiệp rồi lấy chồng luôn ở phố. Cuộc sống vật chất tuy đầy đủ nhưng phận làm dâu, lại là viên chức nhà nước nên không thể tự do nghỉ làm. Bố đẻ Dịu đã mất, chỉ còn mẹ năm nay đã ngoài 70 tuổi đang ở nhà một mình. Em trai cô cũng đi làm ăn xa. Thương mẹ, nhưng vì xa xôi, cô bàn với chồng mỗi tháng gửi biếu 8 triệu đồng để mẹ chi tiêu, mua thuốc men.

Xem thêm: Truyện ngắn: Đồng điệu nơi tâm hồn

Lớn lên trong tình yêu thương vô bờ của bố và mẹ, dù kinh tế gia đình không mấy dư dả song chị em Dịu luôn được chăm lo không thua kém bạn bè. Dịu nhớ những ngày đông lạnh giá, mẹ vẫn dậy sớm chuẩn bị bữa sáng nóng hổi cho hai chị em trong khi bố mẹ chỉ ăn cơm nguội.

Thời gian trôi qua, Dịu học đại học rồi định cư luôn tại thành phố. Guồng quay cuộc sống, công việc cứ cuốn đi. Dịu không về thăm bố mẹ thường xuyên được. Bố qua đời vì bệnh hiểm nghèo, em trai đi làm ăn xa, Dịu tìm cách đền đáp công ơn đấng sinh thành bằng cách gửi tiền về biếu mẹ đều đặn hằng tháng. Mỗi tháng mẹ cô cũng có lương hưu nhưng bà mắc nhiều bệnh mạn tính, tiền lương chắc không đủ tiền mua thuốc.

Khi Dịu quyết định gửi tiền cho mẹ, chồng cô ủng hộ. Chồng Dịu bảo, 8 triệu chứ nhiều hơn thì thực ra với mẹ cũng vẫn là thiệt thòi vì bà có mỗi cô con gái, nuôi ăn, nuôi học vất vả giờ lại lấy chồng xa không một ngày được phụng dưỡng. Anh cũng chủ động nhắc vợ chuyển tiền đúng ngày để mẹ vui. Khi nhận tiền, mẹ không quên nhắc cô: "Con cũng phải giữ lại một ít để chi tiêu. Ở thành phố chi phí sinh hoạt đắt đỏ, con cái ăn học tốn kém. Mẹ ở quê chi tiêu không đáng bao nhiêu, đừng đưa hết cho mẹ".
Lúc đó, Dịu chỉ nghĩ đơn giản là mẹ nhắc mình chỉ vì lo cho cô. Nhưng mẹ cũng phải mua thuốc và chăm lo cuộc sống. Cô còn động viên mẹ đi du lịch cùng mấy bạn già. Nhưng giờ nhìn cuốn sổ tiết kiệm với số tiền lớn mẹ đã dành dụm bấy lâu Dịu hiểu ra tất cả. Mẹ đã không tiêu một đồng nào cô gửi về mà đã đem gửi tiết kiệm và chịu cảnh túng thiếu.
Mẹ Dịu bước vào phòng từ khi nào cầm tay Dịu giải thích: “Mẹ đã già, không cần tiêu nhiều. Mẹ biết con đang phải mua nhà trả góp, xe ô tô thì vẫn nợ, lại tiền học của con cái. Mẹ muốn dành một khoản để sau này cho con”.
Dịu hiểu, với mẹ, nhu cầu về vật chất và tiền bạc không nhiều, mẹ chi tiêu tiết kiệm vừa đủ. Mẹ chưa bao giờ cảm thấy thiếu thốn. Cái mẹ cần là sự bầu bạn và được con cái gần gũi, chăm sóc. Dịu đã sai. Từ ngày gửi tiền về, cô luôn nghĩ rằng bản thân đã hoàn thành bổn phẩn, trách nhiệm với mẹ. Từ trước đến giờ, cô quan niệm mọi thứ đều không thiết thực nếu không có vật chất và chỉ cần dùng tiền là có thể bù đắp được tất cả. Cô cũng hiểu rằng việc gửi tiền cho mẹ thực chất chỉ là để chạy trốn trách nhiệm, để không phải chăm sóc mẹ mà thôi chứ không phải là thứ mẹ cần.
Dịu ôm chặt mẹ, ngày bé mẹ là người bao bọc, chở che cho cô vậy mà giờ đây khi cô lớn lại không chăm sóc mẹ chu đáo được. Trong đầu cô dự định sẽ sớm bàn với chồng đón mẹ lên thành phố chăm sóc nếu mẹ đồng ý. Còn mẹ vẫn muốn ở quê thì cô cũng sẽ cùng chồng và các con thường xuyên về thăm mẹ.

Xem thêm: 'Phông bạt' tiền ủng hộ đồng bào bão lũ: Phạm Như Phương thừa nhận cố tình để sống ảo

Ngoài kia mưa đã tạnh, nước lũ cũng đã ngừng lên. Dịu thấy nhẹ lòng...

ĐỨC LONG