Cuộc sống mới ở 'vùng rốn da cam' A Lưới

Vùng rốn da cam” là cái tên mà nhiều người dân địa phương quen gọi khu vực sân bay A So, xã Đông Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sân bay A So xã Đông Sơn huyện A Lưới

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, khu vực Đông Sơn là hành lang của Đoàn vận tải 559 Bộ đội Trường Sơn trên con đường chiến lược Hồ Chí Minh chi viện vũ khí, lương thực... từ miền Bắc vào miền Nam. Ngày ấy, vùng đất này phải hứng chịu những “cơn mưa” chất độc hóa học dioxin của địch rải xuống, hòng ngăn chặn tuyến đường chiến lược này. Sân bay A So vì thế cũng là mảnh đất chứa lượng lớn tồn dư chất độc dioxin.

Xem thêm: Người họa sĩ sống trong nghệ thuật

Từ khi lực lượng chức năng Bộ Quốc phòng hoàn thành dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So, bà Hồ Thị Thiêm cũng như người dân xã Đông Sơn có thêm nhiều hy vọng mới trên “vùng rốn da cam” đã được tẩy rửa dioxin thành vùng đất sạch:

“Trước đây, người dân xã Đông Sơn gặp rất nhiều khó khăn về đất đai vì đất đai bị nhiễm chất độc ảnh hưởng đến cuộc sông của người dân. Quá trình trồng trọt hiệu quả trồng trọt rất thấp, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế. Người dân hy vọng sau khi xử lý như thế này có thể chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả cao hơn”- Bà Thiêm nói.

Những khu vực bị nhiễm dioxin ở Sân bay A So đã được xử lý

Huyện A Lưới là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số như Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu… Trong chiến tranh, quân đội Mỹ đã sử dụng thung lũng A So của huyện A Lưới làm sân bay dã chiến. Đây cũng là nơi chứa, đựng chất độc hóa học, là trạm trung chuyển chất độc để không quân Mỹ đi phun rải trên khu vực miền Trung Việt Nam. Sau chiến tranh, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 16.000 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, riêng huyện A Lưới chiếm khoảng 5.000 người. Việc tẩy độc dioxin sân bay A So thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số:

“Việc tẩy độc sân bay A So tạo sự tin tưởng đối với người tiêu dùng đối với các nông đặc sản của địa phương Đông Sơn nói riêng và huyện A Lưới nói chung. Thời gian tới, huyện đã đề nghị với Bộ Quốc phòng xây dựng khu chứng tích chiến tranh do quân đội Mỹ sử dụng tại Việt Nam và trong khi đó, chúng tôi muốn khách trong nước và quốc tế đến với A So, xem như đây là biểu tượng của hòa bình, sự hồi sinh, đặc biệt là khát vọng của bà con sau chiến tranh”- Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới. khẳng định.

Người dân xã Đông Sơn, huyện A Lưới bây giờ đã yên tâm trồng trọt, chăn nuôi

Năm 2020, dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So” đã được Bộ Quốc phòng giao cho Binh chủng Hóa học chủ trì thực hiện. Đến nay, dự án đã xử lý xong hơn 38 nghìn m3 đất nhiễm trên tổng diện tích 9,35 ha và bàn giao đất sạch cho địa phương.

“Đồng bào ở đây, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ nhưng mà chịu ảnh hưởng rất nặng nề của chất độc da cam dioxin ném xuống thời chiến tranh chống Mỹ. Sau 3 năm nỗ lực cố gắng, vượt qua cả đại dịch, chúng ta đã hoàn thành toàn bộ xử lý đất, nhiễm dioxin để cho bà con nhân dân được hưởng không khí trong lành. Phát triển cây trồng, vật nuôi, các mô hình sinh kế, để đưa vùng căn cứ cách mạng, vùng nghèo khó của huyện A Lưới ngày càng phát triển bền vững và đi lên”-Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tin tưởng.

Xem thêm: Quán bánh rán 'trốn' trong ngõ khuất, khách xếp hàng dài đợi mua ở Hà Nội

Đến với vùng đất Đông Sơn hôm nay, một màu xanh tươi mới phủ lên vùng đất khô cằn, màu xanh của những vườn cây trái hòa vào màu xanh của núi rừng đang hồi sinh mạnh mẽ.

Lê Hiếu/ VOV- Miền Trung