Cơ sở dữ liệu là 'nền tảng' phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch thông minh tại Việt Nam

Cơ sở dữ liệu không chỉ là công cụ quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, mà còn là yếu tố nền tảng thúc đẩy sự phát triển bền vững của công nghiệp văn hóa và du lịch thông minh. Nhờ vào việc ứng dụng dữ liệu số, các ngành công nghiệp này có thể tạo ra những giá trị mới, mang lại lợi ích kinh tế và xã hội, đồng thời góp phần vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của cơ sở dữ liệu trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa và du lịch, Báo điện tử Tổ Quốc đã có buổi trao đổi với Phó Chủ tịch Tập đoàn Vietsoftpro Ths. Hoàng Như Hoa.

+ Dưới góc độ doanh nghiệp, theo bà, việc xây dựng cơ sở dữ liệu có vai trò quan trọng như thế nào đối với phát triển ngành công nghiệp văn hóa và du lịch?

-Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, mang lại sự thay đổi toàn diện trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ kinh tế, xã hội cho đến văn hóa. Công nghệ số không chỉ tạo ra những đột phá trong cách chúng ta làm việc và tương tác, mà còn mở ra những cơ hội mới cho việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa. Tại Việt Nam, với bề dày lịch sử và văn hóa phong phú, việc xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa là một nhiệm vụ cấp thiết, không chỉ để bảo vệ di sản khỏi nguy cơ mai một, mà còn để khai thác tối đa tiềm năng của di sản trong việc phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch thông minh.

Xem thêm: CLB Thơ facebook Sông Nhuệ - Nơi gặp gỡ những người yêu thơ

Phó Chủ tịch Tập đoàn Vietsoftpro -Ths. Hoàng Như Hoa

Trên thực tế, ngành công nghiệp văn hóa và du lịch tại Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn trong việc bảo tồn và phát triển bền vững. Những di sản văn hóa có nguy cơ bị lãng quên hoặc tổn hại do sự thay đổi nhanh chóng của xã hội. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa sẽ giúp tạo ra một hệ thống thông tin mạnh mẽ, hỗ trợ việc quản lý, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa một cách hiệu quả. Điều này không chỉ giúp bảo vệ di sản cho thế hệ mai sau mà còn tạo ra những cơ hội kinh doanh mới, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo.

Đồng thời, việc số hóa di sản cho phép các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn tài nguyên văn hóa, từ đó sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, góp phần đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới. Hơn thế nữa, cơ sở dữ liệu này còn là chìa khóa để xây dựng các trải nghiệm du lịch thông minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong thời đại công nghệ số.

+ Vậy theo bà, ở Việt Nam, việc sử dụng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa để phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch thông minh đã và đang được triển khai như thế nào?

  • Tại Việt Nam, việc sử dụng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa để phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch thông minh đã bắt đầu được triển khai và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Nhiều đơn vị, tỉnh, thành đã triển khai có hiệu quả bước đầu.

Điển hình có thể kể đến, tour đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đây là một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo của Hà Nội, khai thác những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc biệt của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sản phẩm này không chỉ mang đến cho du khách trải nghiệm mới lạ, mà còn thể hiện sự kết hợp giữa công nghiệp văn hóa và du lịch thông minh. Sản phẩm du lịch này không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn cả du khách quốc tế, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho các cơ sở văn hóa và du lịch địa phương. Đồng thời tour đêm góp phần tạo ra và phát triển các sản phẩm phụ trợ. Cùng với tour, các sản phẩm lưu niệm như sách, tranh, tượng, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ liên quan đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám được phát triển và bán cho du khách. Đây là cách khai thác các giá trị văn hóa để tạo ra lợi ích kinh tế bền vững, giúp bảo tồn di tích và phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam, hiện nay, nhiều bảo tàng và di tích triển khai số hóa dữ liệu, xây dựng bảo tàng số và hệ thống tra cứu thông tin dữ liệu hiện vật, nhằm phục vụ khách tham quan hiệu quả và phát huy được nhiều giá trị văn hóa lịch sử đang lưu giữ: Hệ thống tra cứu thông tin hiện vật và không gian trưng bày số tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Hệ thống tra cứu thông tin di tích, hiện vật và hỏi đáp công nghệ AI tại Bảo tàng tỉnh Nghệ An;…

Xem thêm: Đại hội thi đua yêu nước 'Cựu chiến binh gương mẫu' lần thứ VII

Phó Chủ tịch Tập đoàn Vietsoftpro Ths. Hoàng Như Hoa chia sẻ tại hội thảo "Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình"

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua. Trong thời gian gần đây, các cơ quan quản lý văn hóa đã và đang nỗ lực số hóa các di sản văn hóa, từ các di tích lịch sử, danh thắng, đến các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật dân gian. Nhưng, quá trình này đòi hỏi nguồn lực lớn về tài chính, nhân lực, và công nghệ, trong khi sự nhận thức và quan tâm của cộng đồng đối với việc số hóa di sản còn hạn chế.

+ Trong thời gian tới, chúng ta cần phải làm gì tận dụng tối đa vai trò của cơ sở dữ liệu di sản văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch thông minh, thưa bà?

  • Để tận dụng tối đa vai trò của cơ sở dữ liệu di sản văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch thông minh, thì chúng ta cần phải xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu di sản văn hóa toàn diện. Điều này bao gồm việc thu thập, số hóa và lưu trữ thông tin chi tiết về các di sản văn hóa, bao gồm: Vị trí địa lý, mô tả, lịch sử, và trạng thái hiện tại của di sản; Tư liệu về kiến trúc, nghệ thuật, phong tục tập quán, và các hoạt động liên quan; Hình ảnh và video; Tài liệu trực quan giúp du khách hiểu rõ hơn về di sản….

Việc duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu thường xuyên là cần thiết để đảm bảo tính chính xác và cập nhật của thông tin. Bên cạnh đó, cần thiết lập một hệ thống quản lý và giám sát chất lượng dữ liệu để xử lý và phản hồi nhanh chóng các thông tin mới và thay đổi.

Ngoài ra, chúng ta cần phải sử dụng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa để phát triển các ứng dụng du lịch thông minh và các dịch vụ phát triển công nghiệp văn hóa đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách như: Cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh; Ứng dụng thuyết minh tự động đa ngôn ngữ; Bản đồ số; Trải nghiệm Thực tế ảo (VR),..

Đặc biệt, cần phải tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo như: Tour du lịch chủ đề là loại hình du lịch được thiết kế xoay quanh một chủ đề cụ thể, tập trung vào một khía cạnh văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, thiên nhiên, ẩm thực, hoặc sở thích cá nhân của du khách; Tổ chức các sự kiện văn hóa và lễ hội dựa trên thông tin từ cơ sở dữ liệu; Phát triển các sản phẩm lưu niệm dựa trên các kỹ thuật và mẫu thiết kế truyền thống,…

Tour đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đây là một sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo

+ Ngày 1/10 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo "Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình", theo bà, việc tổ chức Hội thảo này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh Nhà nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu trong phát triển văn hóa, du lịch?

  • Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, có thể thấy xây dựng kho dữ liệu số là một nhiệm vụ cần thiết nhằm giúp cho công tác quản lý ngành thực chất, hiệu quả, hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá, thúc đẩy sự phát triển chung của ngành văn hóa và du lịch. Vì thế, tôi cho rằng, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo "Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình" là một chương trình có ý nghĩa rất lớn dành cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và các nhà quản lý đang hoạt động trong lĩnh vực này. Thông qua Hội thảo, chúng tôi đã được trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở dữ liệu ngành văn hóa, du lịch cùng với các ngành liên quan. Qua đó, đã giúp cho chúng tôi có thêm những định hướng để phát triển cơ sở dữ liệu cho ngành trong thời gian tới.

Tôi hy vọng rằng, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có thêm nhiều chương trình liên quan đến chuyển đổi số, phát triển cơ sở dữ liệu cho ngành để những doanh nghiệp như chúng tôi có cơ hội trao đổi cũng như học hỏi thêm những kinh nghiệm, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho ngành./.

+ Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!

Thương Nguyễn