Chuyến tàu 'Hành trình di sản'

Chuyến tàu “Hành trình di sản” lần đầu tiên khởi hành phục vụ đoàn đại biểu tham dự khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội. Chuyến tàu có các toa dành riêng cho triển lãm nghệ thuật, kết nối các điểm di sản hai bên bờ sông Hồng.

"Đây là chuyến tàu đặc biệt mà tôi chưa được trải nghiệm bao giờ, được đi qua nhiều di tích di sản, vừa ôn lại ký ức lịch sử, vừa khám phá vẻ đẹp đất nước quê hương mình", chị Khánh Huyền, Hà Nội, chia sẻ.

Sân khấu chính của lễ khai mạc là tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thuộc phường Ngọc Lâm, quận Long Biên. Nhà máy được thành lập năm 1905 trong thời kỳ Pháp thuộc với tổng diện tích 20ha. Sau rất nhiều nỗ lực cải tạo, thiết kế, Nhà máy xe lửa Gia Lâm có tiềm năng trở thành tổ hợp văn hóa sáng tạo mới vô cùng hấp dẫn. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm nay truyền đi thông điệp: thiết kế sáng tạo – đánh thức di sản công nghiệp, giúp biến đổi các nhà máy, kho xưởng đang “say ngủ” thành tổ hợp sáng tạo mang tính thẩm mỹ và giá trị giáo dục cao.

Xem thêm: Đưa Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào cuộc sống

Xem thêm: Bí kíp 'trẩy hội' bộ đôi 8Wonder và VinWonders Phú Quốc chỉ từ 1,5 triệu đồng

"Quan điểm của Hội Kiến trúc sư là muốn tạo cho cộng đồng một sân chơi trải nghiệm và với mục tiêu thực sự biến chương trình hành động về phát triển văn hóa thành hành động cụ thể, mang đến sự phát triển cho thành phố.", KTS Phan Đăng Sơn, Chỉ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết.

Trong xuyên suốt Lễ hội, từ ngày 17 đến 26/11, dự kiến có hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc, hơn 20 trưng bày và triển lãm, hơn 20 hội thảo, tọa đàm trong đó có 5 hội thảo quốc tế, 9 hoạt động giới thiệu nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo được tổ chức tại tuyến địa điểm chính của Lễ hội là Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu và vườn hoa Vạn Xuân; ga Long Biên; ga Gia Lâm và các hoạt động, sự kiện văn hóa trên địa bàn các quận huyện thị xã tại Hà Nội./.