Chuyện của ông Tây yêu nước mắm

Nước mắm là gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn của người Việt. Ảnh: ĐMX.

Nói chắc như đinh đóng cột rằng đa số người Việt chúng ta đều hảo nước mắm!

Theo đúng quy trình, thuở nằm nôi đã được nghe mùi nước mắm từ những bữa cơm vội vàng của mẹ. Cho đến khi lấy chồng (vợ), sinh con đẻ cái ta cho chúng tiếp tục thưởng thức mùi rồi vị của chất nước màu xám đỏ bốc mùi “hôi nào như hôi mùi nước mắm và thơm nào như thơm mùi nước mắm” từ lúc biết ăn dặm.

Xem thêm: Đoàn Văn Hậu được vợ khen

Chính vì vậy khi rời xa Việt Nam, hay người nước ngoài đã ở Việt Nam lâu ngày đã từng ăn nước mắm thì mùi vị nước mắm chính là một yếu tố quan trọng để gợi lại ký ức. Tôi đố có người Việt Nam nào đi du lịch nước ngoài chừng ba ngày mà lại không nhớ mùi và vị của nước mắm.

Rất nhiều năm về trước, những người Việt ở nước ngoài vẫn gửi thư về nước xin “nước mắm để cho con ăn với bột…”. Thời nay, trong siêu thị bán hàng Việt tại khu Cali, quận 13 (Pháp) đầy rẫy những chai nước mắm dành cho dân mũi tẹt da vàng, dù đi khắp bốn phương trời vẫn nhớ về mùi nước mắm. Đối với họ quê hương là… mùi nước mắm.

Nước mắm được nhắc nhiều trong ca dao, thơ ca, hò vè hiện đại. Nhắc đến đây mới nhớ có nhà thơ người Mỹ, ông Bruce Weigl, là bạn của một số nhà văn, nhà thơ Việt Nam được gọi là “Đại sứ nước mắm”. Ông “xịt” nước mắm hàng ngày trong mọi bữa ăn, còn cho cả nước mắm vào cà phê để uống. Nghiện nước mắm đến thế là cùng!

Vậy mà sao âm nhạc Việt Nam, những nhạc sĩ tài hoa của Việt Nam, những người đã nghe mùi nước mắm từ thuở không biết cái nốt tròn nó khác cái móc đen ra sao, chưa ai sáng tác được bài ca ngợi ca nước mắm. Có phải vì sợ nó bốc mùi trong âm nhạc?

Tưởng như chuyện đùa. Đâu chỉ có nhà thơ Bruce Weigl mới yêu nước mắm, vào những năm 1971 đã có một ông người Mỹ khác sáng tác một bài ca ngợi ca nước mắm. Thế mới tài.

Theo một tuần báo, vào đầu năm 1971, trước mặt nhạc sĩ Phạm Duy và một vài người bạn, ông Dolf Droge đã hát bài ca ngợi ca nước mắm như sau: “Nếu bạn khui hũ nước mắm trong bếp, cả xóm sẽ ngửi thấy mùi đặc biệt của nó liền. Nhưng cứ yên tâm nếm thử, nước mắm chấm ngon tuyệt vời”. (Lời tiếng Anh, báo chuyển ngữ).

Được biết cái ông người Mỹ này là nhân viên trong “Ban Việt Nam sự vụ” của Nhà Trắng từ năm 1961-1971 đã sang làm việc ở Việt Nam nhiều lần. Công việc của ông là tìm hiểu về phong hóa, tập tục và con người Việt Nam.

Không biết ông Dolf Droge có lấy vợ người Việt Nam hay không (do không thấy ông đề cập trong bản nhạc) vì tôi đồ rằng những người chồng nước ngoài thường biết đến nước mắm qua… người vợ bản xứ. Nếu nhờ vợ, ắt ông cũng phải đề cập đến hình ảnh người con gái Việt Nam và hũ nước mắm chứ!

[…]

Vào năm 1914, Hoa kiều trong Chợ Lớn dùng hóa chất để tạo ra nước mắm. Ngày 21/12/1916, chính quyền đã ban hành một nghị định để trừng trị bọn mạo hóa và trong nghị định này đã định nghĩa chính danh cho nước mắm: “Phải làm bằng cá biển tươi và muối biển” .

Xem thêm: Chuyện tình cổ tích đời thực: cô dâu ngồi xe lăn vào lễ đường

Té ra thời xưa đã có tệ nạn sản xuất nước mắm bằng hóa chất rồi chứ đâu phải đợi đến bây giờ. Mà thời nào sản xuất nước mắm giả cũng làm giàu cả. Nếu không có chính quyền bảo vệ thì coi như nước mắm truyền thống đã dẹp tiệm vì các loại nước mắm giả bán giá rẻ, bao bì đẹp. Nước mắm truyền thống Phan Thiết, Phú Quốc, Nam Ô, Nha Trang, Vạn Vân, Cát Hải, Ninh Thuận… đã có thời lao đao, lận đận, nhưng rồi nước mắm truyền thống đã được trả lại đúng tên Nước Mắm.

Lê Văn Nghĩa/ NXB Trẻ