Chợ làng biển 'độc nhất vô nhị' tại Quảng Ngãi

Vào lúc 5 giờ sáng, khi những tia nắng đầu tiên chiếu rọi, những chiếc tàu đầu tiên trở về sau một đêm đánh bắt cũng là lúc chợ cá Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bắt đầu hoạt động. Khi trời bắt đầu hừng đông, số lượng tàu thuyền về bờ ngày càng nhiều, đây là lúc chợ cá nhộn nhịp nhất.

Vào sáng sớm, chợ cá Châu Thuận Biển họp ngay bên chân sóng, nơi nguồn hải sản tươi ngon được chuyển nhanh chóng đến các chợ trong tỉnh để kịp phục vụ phiên chợ sáng hàng ngày.

Sau mỗi chuyến đánh bắt xuyên đêm quanh vùng biển Lý Sơn, tàu thuyền lại tấp nập cập bờ mang theo hải sản để bán.

Xem thêm: Tổ chức tuần 'Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam' năm 2024

Khi bình minh chưa ló dạng, hàng trăm đầu nậu và người dân đã tập trung tại bờ biển để mua cá từ các ngư dân vừa trở về, tạo nên một khu chợ được mệnh danh là “độc nhất vô nhị” tại Quảng Ngãi.

Từ 4h sáng, bà Nguyễn Thị Nhung đã tranh thủ ra chợ chờ tàu cập bờ để mua cá. Bà Nhung cho biết: “Hải sản được ngư dân đánh bắt gần bờ nên rất tươi, ngon, giá thành lại rẻ. Vì vậy, có rất nhiều tiểu thương tới đây để mua cá về bán lẻ, trung bình một ngày chợ có đến 50 - 70 tiểu thương”.

Các tàu cá neo đậu cách bờ 50m, ngư dân dùng thúng để vận chuyển cá, mỗi chuyến chở khoảng 2 - 3 tạ.

Sau khi thúng vào gần bờ, người dân đưa cộ ra mép sóng để chất cá lên.

Sau đó kéo vào điểm tập kết để thu mua.

Những sọt cá tươi rói vượt biển vào chợ.

Hàng trăm tạ cá nục suông, cá trác, cá ngừ, mực,... liên tục cập bờ.

Chợ cá Châu Thuận Biển không chỉ là nơi mua bán hải sản mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động nữ. Công việc gánh cá, phân loại cá thuê giúp mỗi người kiếm được 150 - 200 nghìn đồng trong một buổi sáng.

Thương lái với những mẻ cá đầy bắt đầu di chuyển đến các chợ trong tỉnh để bán lẻ.

Xem thêm: Nghề làm sạch đáy tàu

Chợ cá nằm tại thôn Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) cách TP. Quảng Ngãi khoảng 30 km về phía Đông Bắc. Nghề đánh bắt hải sản đã trở thành nguồn sinh kế chính của ngư dân qua nhiều thế hệ.

Thy Phước