Chiêm ngưỡng ba 'kho' cổ vật Champa ở ba miền Việt Nam

1. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam ở Hà Nội là nơi đang lưu giữ và trưng bày hàng chục hiện vật có niên đại thuộc nhiều giai đoạn phát triển khác nhau của vương quốc Champa cổ

Các cổ vật Chăm của Bảo tàng được trưng bày tại hai khu vực chính. Đầu tiên là khu vực trong tòa nhà bảo tàng, gồm các tác phẩm điêu khắc được thu thập từ nhiều di tích Chăm khác nhau.

Khu vực thứ hai là khu vực ngoài trời. Đây là nơi trưng bày khoảng 10 tấm bia đá Chăm cổ - nguồn tư liệu quan trọng về lịch sử và chữ viết của vương quốc Champa.

Xem thêm: Vị tiến sĩ hay chữ trở thành danh tướng triều Lê

Hiện vật đáng chú ý nhất trong "kho" cổ vật Chăm ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam là bia Võ Cạnh. Tấm bia này có niên đại từ thế kỷ 2- 3, là tấm bia cổ nhất còn lại của vương quốc Champa. Hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam.

2. Nằm ở đường 2 Tháng 9, bên cầu Rồng nổi tiếng Đà Nẵng, Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là cơ sở trưng bày hiện vật Chăm quy mô nhất ở Việt Nam hiện nay.

Tổng số hiện vật trưng bày tại Bảo tàng lên tới khoảng 500, được phân chia theo các khu vực tương ứng với khu vực địa lý nơi hiện vật được phát hiện, gồm Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Quảng Bình và Bình Định.

Xem thêm: Món ăn cứu đói nay thành đặc sản nhiều người thành phố muốn ăn thử

Có tới 9 hiện vật của Bảo tàng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia, gồm Tượng Bồ tát Tara, Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu, Đài thờ Đồng Dương, Tượng Ganesha, Tượng Gajasimha, Phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1, Tượng Shiva Mỹ Sơn C1, Phù điêu Apsara Trà Kiệu.

Ngoài các hiện vật độc đáo, Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cũng giới thiệu nhiều tư liệu quý về vương quốc Champa cổ và công cuộc khai quật các di tích của vương quốc qua các giai đoạn lịch sử khác nhau.

3. Bảo tàng Lịch sử TP HCM là nơi sở hữu bộ sưu tập hiện vật Champa cổ lớn nhất khu vực Nam Bộ. Các cổ vật này được trưng bày trong phòng Văn hóa Champa ở dãy nhà phía sau của Bảo tàng.

Trong bộ sưu tập này có nhiều cổ vật Chăm mang giá trị đặc biệt, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia, như Bảo vật quốc gia Tượng Avalokitesvara Hoài Nhơn, Bảo vật quốc gia Tượng nữ thần Devi Hương Quế...

Đặc biệt, Bảo vật quốc gia Tượng Phật Đồng Dương được coi là tượng Phật bằng đồng cổ nhất Đông Nam Á. Tượng có niên đại vào khoảng thế kỷ 8–9, được đúc đồng thau, nặng 120 kg, cao 120 cm, tạo hình Đức Phật trong tư thế đứng như đang thuyết pháp.

Ngoài các Bảo vật quốc gia kể trên, Bảo tàng Lịch sử TP HCM còn sở hữu nhiều hiện vật Chăm đặc sắc khác như tượng thần Siva, bệ thờ 9 vị thần Navagraha, tượng thần Ganesa, tượng người múa...

Mời quý độc giả xem video: Giải mã thông điệp ý nghĩa trống đồng Đông Sơn. Nguồn: Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội.

Quốc Lê