Cây bút Việt sinh sống tại Pháp Quyên Gavoye: 'Quê hương luôn hiện diện trong tôi'

Tác giả Quyên Gavoye

  • Được biết chị đến với sáng tác văn chương vài năm gần đây nhưng cái tên Quyên Gavoye đã định hình được một lối viết riêng. Duyên nợ nào đã đưa chị đến với văn chương?

Tôi đến với sáng tác khi tuổi đời đã khá chín chắn. Vào thời điểm cuối năm 2019, tôi tập tành viết rồi đưa lên Facebook. Các bạn tôi nhắn nhủ: "Hãy mạnh dạn lên, viết thật đi, đừng đùa vui nữa".

Thế là tôi viết. Cũng bởi vào thời điểm đó, các con tôi vừa bước qua giai đoạn nhi đồng, do vậy lợi thế của tôi chính là đồng hành cùng các con trong cảm nhận văn học. Nhờ đó, các sáng tác của tôi dành cho lứa tuổi này đều đến từ những chiêm nghiệm của một người mẹ.

Xem thêm: Công bố giải thưởng Human Act Prize 2024, chủ đề 'Cộng đồng kiến tạo'

Ngoài kinh nghiệm cá nhân thì phải kể đến kinh nghiệm nghề nghiệp của một chuyên viên di sản và văn hóa dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên cho phép tôi nắm bắt được gu của giới trẻ.

Như một lẽ dĩ nhiên khi sáng tác, tôi ưu tiên viết cho giới trẻ. Đó là lý do bạn đọc thấy rất nhiều tác phẩm đã phát hành của tôi đều là sáng tác văn học trẻ.

  • Bận rộn với nhiều vai trò, chị sắp xếp ra sao để sáng tác? Chị có kỷ luật nào cho công việc sáng tác không?

Có nhiều tác giả cũng vừa đi làm, vừa chăm con và vừa sáng tác nên rất cần tính kỷ luật để không lỡ dở bất cứ vai trò nào. Đối với tôi, công việc sáng tác chỉ có thể bắt đầu sau 8 giờ tối, khi các con đã lên giường đi ngủ.

Các con của tôi có thói quen sống khá nề nếp nên tôi không gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức gia đình. Một may mắn khác chính là công việc của tôi khá linh hoạt về thời gian nên tôi có thể tổ chức công việc hợp lý.

Tuy nhiên, nếu như trước kia tôi có nhiều thời gian để làm những công việc khác như thêu, đan… thì bây giờ tôi tập trung hầu hết thời gian rảnh vào việc đọc sách và sáng tác.

  • Cảm nhận trang văn của chị rất Việt Nam, rất làng quê, phải chăng vì tâm hồn chị luôn hướng về quê hương?

Các tác phẩm đã xuất bản của Quyên Gavoye

Tôi sinh ra và lớn lên, trưởng thành rồi ra đi từ quê hương. Dù bây giờ tôi đã lập nghiệp và xây dựng tổ ấm của mình ở một mảnh đất khác thì trong tôi, dòng máu Việt Nam vẫn chảy và nó sẽ còn chảy chừng nào tim tôi còn đập.

Quê hương luôn hiện diện trong tôi không chỉ trong cảm nhận văn học mà ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, trong công việc và trong suy nghĩ.

Xem thêm: Đêm nhạc 'Nghĩa tình phương Nam' kêu gọi hơn 5 tỷ đồng ủng hộ người dân vùng lũ

Nữ giới cần cố gắng hơn để khẳng định vai trò trong văn chương

+Qua văn chương, độc giả còn thấy được một Quyên Gavoye hiện đại, với những suy ngẫm, triết lý mang ý nghĩa toàn cầu. Việc đi, sống và làm việc ở nước ngoài phải chăng đã cho chị tư duy ấy?

Tôi có một may mắn là được đặt chân tới nhiều mảnh đất, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, phong cách sống và suy nghĩ khác nhau nên đã học được rất nhiều từ đời sống phong phú đó.

Do vậy, triết lý sống của tôi khá cởi mở dù tôi sống hướng nội. Đối với tôi, giá trị của cuộc sống nằm ở giá trị nhân văn, mọi sự vật, hiện tượng, con người và lối tư duy đều phải được đối xử công bằng và được trân trọng như nhau.

  • Ngoài tuổi 40, Quyên Gavoye vẫn mang một tâm hồn tự do, đầy phóng khoáng. Được biết, chị còn viết truyện cho thiếu nhi, được nhà xuất bản đặt hàng tác phẩm?

Có lẽ những chuyến đi đã cho phép tôi giữ được tâm hồn và triết lý sống tự do. Việc tôi vào nghề khá muộn khi tuổi đời đã khá cứng cỏi và có không ít kinh nghiệm sống cũng giúp tôi có được cái nhìn lạc quan và phóng khoáng.

Ngay từ đầu, tôi coi việc sáng tác như một thú vui đưa tôi về gần với quê hương. Đôi khi tôi nói với các bạn tôi rằng, viết là sự hồi hương về mặt tâm tưởng. Rất may, tôi được các nhà xuất bản đồng hành, đặc biệt là Nhà xuất bản Kim Đồng.

Những năm gần đây, họ có đặt tôi một số đầu sách và đây chính là động lực để tôi sáng tác đa dạng hơn.

  • Sinh sống và làm việc ở nước ngoài, chị có trải nghiệm, đánh giá như thế nào về vai trò của phụ nữ trong văn chương, trong đời sống?

Theo quan điểm cá nhân của tôi thì phụ nữ và nam giới là hai mặt không thể tách rời của thế giới chung. Nếu như trong cuộc sống, vai trò của người phụ nữ phải được đề cao ngang bằng với nam giới thì trong văn học, họ cũng phải chiếm lĩnh vị trí tương tự.

Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những tác giả nữ được công nhận vẫn còn ít. Một ví dụ điển hình của sự khác biệt này chính là giải thưởng Nobel Văn học, chỉ có 13 trên tổng số 120 tác giả được trao giải thưởng cao quý này là nữ.

Phải chăng phụ nữ không viết chất lượng bằng nam giới? Câu trả lời có lẽ là "không". Vì trong cuộc sống hiện đại, phụ nữ và nam giới có cùng một nền giáo dục. Tuy nhiên, có lẽ các cây viết nữ vẫn còn dè dặt trong cách viết, chưa dám mạnh dạn phá vỡ những chuẩn mực văn chương để tạo cú hích.

Ngoài ra, còn phải kể đến những yếu tố xã hội, công việc và nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến việc sáng tác của giới nữ. Theo tôi, giới nữ vẫn cần rất nhiều cố gắng để khẳng định vai trò trong nền văn học.

Tác giả Quyên Gavoye tên thật là Phạm Thị Thanh Quyên, sinh năm 1980, là chuyên gia di sản, làm việc tại thành phố Besancon, Cộng hòa Pháp. Chị từng giành giải Khát vọng Dế Mèn năm 2022 với đôi truyện dài "Biệt đội thám tử" và "Emma Thảm họa" (NXB Kim Đồng); giải Khuyến khích Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại năm 2022.

Võ Hà (Thực hiện)