Cao Kim - người luôn thao thức

Nhà văn Cao Kim và một số tác phẩm của anh.

Thanh xuân cho Tổ quốc

“…Tuy bị thương tật nặng, tôi không muốn trở thành một kẻ sống què quặt về tâm hồn. Tôi muốn sống cuộc đời như bao người bình thường khác. Vậy thì tôi phải lao động.

Xem thêm: Chuyện về nhà văn Khái Hưng

Tôi liều lĩnh thử tập viết - viết về những chút tâm sự riêng tản mạn của mình và mạnh dạn gửi về “Đất Quảng” thân yêu, nơi chôn nhau, cắt rốn của tôi… cổ vũ để tôi được sống có ích hơn…”. Đó là những dòng tâm sự của người thương binh nặng Cao Xuân Kim, bút danh Cao Kim, khi anh đang điều trị tại Trại thương binh nặng ở Quy Nhơn.

Cao Kim quê xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, xung phong vào bộ đội, ước mong giải phóng hoàn toàn miền Nam sẽ được tiếp tục đi học. Ai ngờ không lâu sau ngày thống nhất đất nước, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra.

Anh được điều về Trường Quân chính Quân khu 5 tập huấn ngắn ngày và sang nước bạn. Trong một trận đánh, anh bị thương rất nặng. Đồng đội trông anh giống một “đống thịt nát”, “bê bết máu, hai chân dập còn dính tý thịt vào người lủng lẳng”… Cảm giác lúc đó “thấy mình như rơi xuống vực sâu, rất sâu, hai mắt tối sầm lại, toàn thân dường như mất trọng lượng”…

Khi đó anh luôn bất lực trước mọi ý muốn của mình. Bởi những cơn co rút lan khắp cơ thể. Cảm giác như ai đó dùng kìm rút từng thớ thịt ở đầu mõm cụt. Cả mõm cụt tê dại, mọi dây thần kinh dẫn xuống chân, tới đoạn bị đứt căng lên hết cỡ, hai mõm cụt cứng lại, rồi bỗng... giãn ra.

May mắn thay, anh được tiếp cận với cuốn “Ruồi trâu” của nữ nhà văn Anh - Ethel Lilian Voynich, viết về phong trào cách mạng Ý. Đọc sách, anh quên luôn cả thời gian, trước mắt anh chỉ có “Ruồi trâu” hiển hiện, nhìn anh với ánh mắt tin cậy, động viên…

Trong trại thương binh năm đó, anh chứng kiến nhiều người bị thương nặng hơn mình, mỗi người mỗi hoàn cảnh. Người thì chẳng còn hai tay, người thì cả hai chân, người thì không còn đôi mắt, có người bị tâm thần, bị liệt nửa người do trúng mảnh đạn vào đầu.

Anh cũng dần quen với cuộc sống không lành lặn, quen uốn nắn phần còn lại của thân thể đã yếu theo khả năng điều chỉnh các thao tác để… bình thường hóa cuộc sống của mình. Cảnh một người không có hai tay cõng người không chân di chuyển, anh mới nhận ra sự bù trừ và tiếp tục bước về phía trước.

Trước khi bị thương, Cao Kim có người yêu là một cô gái đang học sư phạm. Khi đã mang thương tật trên người, anh luôn tránh né người yêu, tìm mọi cách để từ chối tình yêu. Anh nghĩ, “Yêu người nào đó, là mong họ hạnh phúc, liệu cô ấy có hạnh phúc khi yêu mình, yêu một người không còn đầy đủ hình hài. Chưa kể, đến với thương binh nặng cũng cần lòng dũng cảm, bên cạnh tình yêu”.

Xem thêm: Hình ảnh chào đón Giáng sinh độc đáo trên khắp thế giới

Đó là con đường phải vượt qua để trở về với gia đình, bạn bè và chính mình. Trên hết, là phải có tâm hồn cao thượng. Và hai tâm hồn cao thượng đã đến với nhau. Cô giáo đó đã đến với anh bằng tất cả tình yêu, vượt lên mọi ngáng trở của gia đình, bạn bè và dư luận…

Những trang viết cho đồng đội

Để tạm quên đi nỗi đau trên cơ thể, Cao Kim làm thơ, viết văn và ôn tập bài vở để thi đại học. Anh đậu vào Trường Đại học Bách khoa, tiếp tục nuôi sống gia đình và trang trải cho bản thân bằng nghề viết báo.

Nhiều người luôn đặt câu hỏi, một con người ngồi trên xe lăn, lấy tư liệu đâu mà viết. Ít ai biết rằng, anh đã tự tập đi xe đạp, mà kiểu lạ là đi xe đạp với cây gậy, xa quá thì đi xe ôm để tìm kiếm tư liệu, gặp đồng đội, những cựu tù yêu nước để viết về họ.

Họ tin tưởng anh, bởi anh hiểu được họ, anh viết về những điều họ không nói lên được, họ được biết đến qua những trang viết của anh. Đọc những câu chuyện trong “Chiến đấu giữa đòn thù” hay trong các tập sách “Kiên trung bất khuất” của Hội Tù yêu nước tỉnh Quảng Nam, hiển hiện trên những trang sách là nhân chứng lịch sử kiên trung, anh hùng, nếu không viết về họ, quá khứ sẽ dễ bị lãng quên… Người thương binh nặng này viết báo, viết văn, làm thơ, không những sống nhờ nghề cầm bút, mà còn tự xây được ngôi nhà cho riêng mình.

Những năm 1980, khi hợp tác xã bộc lộ quá nhiều bất cập, anh có những dòng thơ trong tập thơ “Thao thức”. “Thao thức không phải vì mất ngủ/ Mà ngoài đời còn lắm gian truân/ Bữa cơm tuy đã khá hơn/ Nhưng lòng vẫn đói…”.

Anh đọc thơ ở diễn đàn, hội nghị cấp tỉnh, đến nỗi lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ cũng giật mình vì cái “bạo” của nhà thơ thương binh này. Không phải vì anh được “bảo hiểm bằng 95% thương tật, mà bằng sự hy sinh hết nửa người” để chỉ trích, phê phán, mà anh biết “Đêm nay, tôi không ngủ/ Hẳn trong phòng lãnh đạo - Ngọn đèn còn chong/ Những mái đầu xanh/ Những mái đầu bạc” đang trăn trở để ra đời “khoán 100”…

Hơn 20 năm qua, Cao Kim có hơn 10 đầu sách được xuất bản như “Thao thức”, “Những ngọn triều dâng”, “Người không gặp may”, “Mẹ và đồng đội”, “Mạch ngầm”; “Thơ viết trên xe lăn”, “Đội chim chèo bẻo”, “Chiến đấu giữa đòn thù”, “Tuổi thơ tôi trong lửa đạn”, “Anh và em”… Đề tài mà anh gắn bó chủ yếu là những số phận của người lính trở về sau chiến tranh với nhiều vết thương trên cơ thể, cùng với vết thương tinh thần nhưng vẫn giữ nguyên phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ”.

Mới đây, anh vừa hoàn thành bản thảo “Người của thiên hạ”, kể về câu chuyện nhân vật Trần - chủ tịch thị xã. Thị xã phố cổ nhiều năm bị lãng quên, nay đã được thiên hạ biết đến thông qua việc cải tổ bộ máy đưa vào hệ thống vận hành linh động và trách nhiệm, kiên quyết với nạn cửa quyền, mở cánh cửa quảng giao với thiên hạ, lấy du lịch và văn hóa làm đòn bẩy phát triển địa phương, giải quyết các vấn đề nảy sinh từ chuyện nhà cửa, đất đai, thu hút chất xám, kêu gọi đầu tư, trên tinh thần lợi ích nhân dân…

Qua từng nhân vật trong tập sách, hệ thống công quyền các cấp được phản ánh dưới biểu hiện tính cách từng người. Tiểu thuyết góp thêm một tiếng nói về những con người có chức quyền nhưng hết lòng vì dân.

Cao Kim - người lính già ấy - đang sống cùng người vợ đảm đang, chung thủy dưới mái nhà nhỏ ở phường Tân An, TP.Hội An. Có lẽ ngoài tình yêu, chị đến với anh còn vì tình thương, sự khâm phục, kính trọng, muốn bù đắp lại những mất mát, hy sinh của anh đối với mảnh đất quê nhà.

Các con của anh đã trưởng thành. Bây giờ, anh cũng không còn nhiều sức lực để đạp chiếc xe cà tàng rong ruổi khắp phố phường, những vết thương của chiến tranh vẫn hành hạ, nhưng anh bảo rằng, anh đang “giảm đau”, “hạ sốt” nhờ những trang viết.

Và anh đã chiến thắng. Vì anh là người lính!

HÀ AN