Cảm nhận nước Đức

Cách đây 20 năm, trong một chuyến công tác tôi đã có dịp đến Cộng hòa Liên bang Đức. Thời điểm ấy, ngoài việc xúc tiến đầu tư ở các thành phố cảng Cuxhaven và Bremerhaven, thì còn được ghé thăm TP Postdam, thủ đô Berlin và thành phố cảng Hamburg với thời gian ngắn ngủi.

Tác giả (giữa) chụp ảnh lưu niệm trước cổng Brandenburg ở Berlin. Ảnh: CTV

Cuxhaven nằm ngay cửa sông Elbe, là một sông lớn ở Đức đổ ra biển Bắc, tại đây có một cảng biển khá lớn. Trong điều kiện không có lợi thế tự nhiên như vịnh biển sâu hay núi che chắn, người Đức đã xây dựng một hệ thống công trình cảng biển Cuxhaven bằng bê tông, có cửa vào qua một đường gấp khúc để chắn sóng và TP Cuxhaven đã dùng hình tượng cửa vào cảng này làm huy hiệu thành phố. Dịp đó khi đến Berlin, tôi đã đến thăm cổng Brandenburg, biểu tượng của thành phố; thăm nhà thờ tưởng niệm Hoàng đế Wilhelm trong Thế chiến II bị tàn phá nghiêm trọng, chỉ giữ lại tháp chuông cụt ngọn như một đài kỷ niệm chiến tranh; thăm Nhà quốc hội Đức Reichstag và thăm tháp truyền hình cao 368m có bán vé thang máy lên nhìn bao quát Berlin, và cũng đã đến thăm Postdam - di sản văn hóa thế giới từ năm 1990 với những cung điện, vườn hoa; đặc biệt là lâu đài Sanssouci xinh đẹp.

Xem thêm: Những nghệ nhân lưu giữ thanh âm bản làng

Thủ đô xanh với dấu ấn một thời chia cắt

Chuyến đi lần này thuần túy đi du lịch và Berlin là chặng đến thăm đầu tiên trên nước Đức. Berlin là thủ đô và cũng là một trong 16 bang của Đức, có diện tích gần 900km2 với dân số 3,7 triệu người, nếu kể cả vùng đô thị lân cận là 6,1 triệu người, là thành phố lớn nhất Liên minh châu Âu. Berlin được nhắc đến từ thế kỷ XIII, là một đô thị nằm hai bên bờ sông Spree - một nhánh nhỏ của lưu vực sông Elbe, đến thế kỷ XVIII trở đi đã nhanh chóng phát triển thành thủ đô của Vương quốc Phổ và sau đó là nước Đức qua các thời kỳ. Khi đến Berlin, hầu như ai cũng đến thăm cổng Brandenburg nằm ở trung tâm thành phố, có kiến trúc tân cổ điển, xây dựng từ năm 1788-1791. Cổng cao 26m, phỏng theo cổng Propylaea ở Athen (Hy Lạp), trên đỉnh có cỗ xe tứ mã với Nữ thần chiến thắng Victoria, nằm ở cuối đường Unter den Linden về phía Tây, phía kia con đường này chạy đến Nhà thờ Chính tòa Berlin. Phía Bắc cổng là Nhà Quốc hội Đức, cũng là một công trình lịch sử ở Berlin, được xây dựng cho Quốc hội đế chế Đức hoàn thành từ năm 1894, cao 47m, trong Thế chiến II bị đổ nát, mới được trùng tu hoàn toàn vào năm 1999 trở thành nơi họp của Quốc hội Đức. Trên nóc tòa nhà có một vòm kính khung sắt lớn được xem là một kỳ công vào cuối thế kỷ XIX.

Hai bên đường Unter den Linden đều là mảng cây xanh rộng lớn với hàng cây đoạn bạc, cùng cây dẻ gai, phong… tạo thành khu rừng lớn giữa trung tâm thủ đô, lấy Tượng đài Chiến thắng xây dựng từ 1939 làm tâm điểm. Thống kê cho thấy có đến 5.500ha cây xanh, vườn hoa, hồ nước… ở Berlin, trong đó Vườn thú lớn, công viên Treptow có diện tích lớn nhất. Tôi thấy có những thanh thiếu niên mang theo dụng cụ cắm trại đi picnic trong những khu rừng công viên này.

Các họa sĩ đang vẽ lại tranh tường trên bức tường Berlin. Ảnh: Đ. T. L

Từ cổng Brandenburg, chúng tôi di chuyển đến quảng trường Potsdamer, trước đây, từ năm 1961 bị bức tường Berlin chia cắt, sau khi nước Đức thống nhất, bức tường Berlin ở đây được phá bỏ và có đánh dấu bằng cách lát đá. Ngày nay khu vực này được xây dựng nhiều tòa nhà cao tầng, khu thương mại, hàng quán đông đúc kết nối hai nửa thành phố phía Đông và phía Tây lại với nhau. Giữa quảng trường là ga tàu điện ngầm Postdam trông như hình một chiếc hộp bánh.

Chúng tôi cũng đến thăm Trạm kiểm soát Charlie (Checkpoint Charlie) là một điểm qua lại nổi tiếng nhất dọc bức tường Berlin do quân đội Mỹ kiểm soát, tồn tại từ 1947-1991, hiện được giữ lại làm điểm tham quan cho du khách. Tại đây trong cuộc khủng hoảng 1961, xe tăng Mỹ và Liên Xô đối mặt nhau rất căng thẳng. Bên cạnh Trạm Charlie là Bảo tàng Checkpoint trưng bày hình ảnh liên quan bức tường Berlin, trong đó có cả quán cà phê cùng tên. Hình ảnh Tổng thống Mỹ Kennedy đến thăm nơi này ngày 26/6/1963, đứng trên một đài ở bức tường Berlin nhìn về phía Đông thành phố, được lưu lại ở bảo tàng này.

Sau đó, chúng tôi được đến tham quan một đoạn bức tường Berlin còn lại trên đường Muehlen dài 1,3km so với trước kia toàn bộ dài 167,8km chia cắt Berlin làm hai nửa. Sau khi bức tường này sụp đổ, có 118 nghệ sĩ từ 21 quốc gia đến vẽ trên đoạn tường còn lại hơn 100 bức tranh tường lớn, mở cửa ra mắt công chúng ngày 28/9/1990 xem như một bảo tàng tranh ngoài trời dài nhất thế giới, hàng năm đón hơn 3 triệu lượt khách đến xem. Vào thời điểm chúng tôi đến thăm, nhiều họa sĩ đang vẽ lại những bức tranh đã bị xuống cấp ở mặt tường phía Tây, mặt phía Đông bên sông Spree chưa thấy có người vẽ lại.

Di tích trạm kiểm soát Charlie ở Berlin. Ảnh: Đ. T. L

Berlin có GDP đầu người 42.000 Euro, nền kinh tế dịch vụ chiếm vị trí chủ yếu, là nơi tập trung các cơ sở đào tạo và nghiên cứu lớn nhất châu Âu với 24 trường đại học và gần 80 cơ sở nghiên cứu, có hơn 5 vạn người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu. Berlin là thành phố có số phương tiện giao thông công cộng rất lớn: 15 đường tàu nhanh S.Bahn, 9 đường tàu điện ngầm, 22 đường tàu điện, 150 tuyến xe buýt… nên mật độ xe cộ lưu thông trên đường phố không cao, ít tắc nghẽn giờ cao điểm.

Xem thêm: Cho tiếng sóng biển mãi rì rào hát khúc tình ca

Chúng tôi cũng đến thăm Tòa thị chính Berlin, xây bằng gạch đỏ, cao 4 tầng, dáng đẹp cổ kính. Gần đó có mấy nhà thờ, trong đó Nhà thờ Đức Bà Berlin rất nổi tiếng, có quảng trường, ga tàu điện, tháp truyền hình. Sau đó, đi ăn ở một quán ăn món Đức do một người Việt kinh doanh ở gần chân tháp truyền hình Berlin, được giới thiệu một món ăn truyền thống Đức là chân giò sấy ăn với khoai tây, củ cải xắt mỏng, mù tạc và uống bia tươi Đức khá ngon với giá 3 Euro một ly 0,3 lít. Tôi cố gắng ăn hết phần chân giò 4 lạng thì no ơi là no, nhưng nhìn những thực khách phương Tây họ ăn hết phần 8 lạng đến 1kg, đúng là ăn khỏe!

Ăn xong, sau khi đi dạo chụp hình trên quảng trường trước mặt Tòa thị chính, mọi người lên xe đi TP Dresden cách Berlin khoảng 150km. Đường đi Dresden là loại đường 4 làn xe ô tô và 2 làn dừng khẩn cấp, không hạn chế tốc độ. Hai bên đường phần lớn là rừng cây lá kim, cây dẻ, xen lẫn các khu đồng cỏ mới trồng vài tháng, chỉ thấy một màu xanh um, thỉnh thoảng có ruộng hoa cải dầu vàng rực (để chế biến mù tạc) và từng khu nhà nông thôn đẹp, ngăn nắp như tranh vẽ.

Lâu đài Dresden nhìn từ Cung điện Zwinger. Ảnh: Đ.T.L

Dresden cổ kính và thơ mộng trên bờ sông Elbe

Dresden là thành phố lớn thứ tư của Đức (sau Berlin, Hamburg và Kologne), là thủ phủ của bang Sachsen của Đức trước kia thuộc Đông Đức, trên thung lũng sông Elbe. Diện tích của thành phố gần 330km2, dân số trên 510.000 người, tính cả vùng đô thị xung quanh là 1,143 triệu người.

Tên của thành phố có ngữ nguyên là “dân tộc của rừng”, từ thế kỷ XIII là thủ đô của một nước nhỏ, đến cuối thế kỷ XV là thủ đô Vương quốc Sachsen. Đến thế kỷ XIX trở thành một nơi sản xuất ô tô, chế biến thực phẩm, thiết bị y tế, máy ảnh, xì gà…; đồng thời là trung tâm hàng đầu châu Âu về nghệ thuật, âm nhạc, văn hóa, có nhiều công trình kiến trúc Baroque, phong cách nghệ thuật Rococo như cung điện Dresden Zwinger, lâu đài Dresden, nhà thờ chính tòa… rất cổ kính và xinh đẹp.

Dresden có sông Elbe chạy qua giữa thành phố. Sông Elbe là một sông lớn ở châu Âu dài hơn 1.100km, góp phần biến bang Sachsen thành vùng đất trù phú, khí hậu ấm áp, thích hợp trồng nho và là một vùng sản xuất rượu vang nổi tiếng. Thung lũng sông Elbe ở Dresden rất đẹp, được UNESCO công nhận là di sản thế giới 2004, nhưng sau đó đến 2006 bị tước danh hiệu này do Dresden xây dựng cầu Waldschlosschem. Dresden là một thành phố có 63% diện tích phủ xanh, lớn nhất châu Âu, nên mặc dù GDP đầu người không cao (so với bình quân ở Đức) nhưng là một thành phố trong top đáng sống nhất ở Đức. Đường phố ở Dresden nhìn chung không rộng lắm, nhiều tuyến đường có tàu điện chạy chung, thỉnh thoảng có tuyến đường sắt trên cao. Chắc là nhờ có nhiều phương tiện giao thông công cộng nên trên đường phố ô tô ít và chạy khá chậm.

Nhà hát opera Semper nổi tiếng ở Dresden. Ảnh: Đ.T. L

Xe chúng tôi qua cầu trên sông Elbe vào khu phố cổ Altstadt, dừng cho chúng tôi đi thăm những công trình cổ kính ở đây. Ở quảng trường nhà hát bên cạnh sông Elbe có tượng vua Johann cưỡi ngựa rất sống động hướng nhìn về cụm công trình cổ với kiến trúc Baroque như lâu đài Dresden, nhà thờ chính tòa… Sau lưng tượng vua Johann là nhà hát Opera Semper rất nổi tiếng của Dresden, bên tay phải là cung điện Zwinger Dresden khá độc đáo. Đáng tiếc là thời điểm chúng tôi đến tham quan, cung điện này đang được sửa chữa lớn nên các công trình bên trong như bồn hoa, hồ nước, đài phun nước… đều ngổn ngang gạch đá, chỉ có biểu tượng vương miện lớn phía trong và các tòa nhà xung quanh là còn nguyên nhưng cũng đang có giàn giáo để sơn sửa. Chúng tôi theo cầu thang bên hông lên tầng trên tham quan, chụp hình về phía lâu đài Dresden có cả những cụm tượng rất đẹp bên hông cung điện. Tòa nhà phía trước cung điện nhìn ra quảng trường là Bảo tàng Old Masters Picture Gallery lưu giữ nhiều kiệt tác của một số nghệ sĩ bậc thầy của Đức và châu Âu. Vườn hoa nhỏ trước mặt bảo tàng có những luống tuy líp và nhiều loài hoa sặc sỡ khác, một số du khách ngồi nghỉ trên ghế đá nhìn từng đám trẻ mẫu giáo ríu rít đi tham quan theo sự hướng dẫn của các cô giáo hay thưởng thức tiếng hát của một nghệ sĩ hát rong dưới chân tượng vua Johann chờ du khách thưởng tiền.

Chúng tôi đi ra bờ sông Elbe ở phía trái của nhà hát Semper, dưới sông thuyền du lịch đậu dày đặc hình như đang chờ phục vụ du khách đi trên sông Elbe vào buổi tối. Di chuyển dần đến chiếc cầu vòm cổ Augustus nhìn về phía khu Neustadt đối diện ở bờ Nam sông Elbe, trên cầu tàu điện và ô tô chạy chung. Tiếp tục đi checkin tượng đài vua Augustus và vào thăm khu phố cổ, ở đây có nhiều bảo tàng, thư viện, khách sạn, có những hàng quán trên lề đường với đông đảo du khách ngồi uống bia nói cười rôm rả. Trong lịch sử, vào tháng 4/1945, máy bay đồng minh đã thả bom gần như hủy diệt trung tâm phố cổ Dresden, các công trình cổ kính ngày nay du khách đi thăm là được khôi phục trong thời kỳ chính quyền Đông Đức.

***

Thăm Berlin và Dresden đã để lại trong lòng tôi về hình ảnh một đất nước gây chiến nhưng bị bại trận và từng bị tàn phá nặng nề trong Chiến tranh thế giới thứ II, sau đó chia cắt 45 năm trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, nhưng từ khi thống nhất năm 1990, đã nỗ lực xây dựng lại một nước Đức chung có nền tảng công nghiệp hiện đại, ra sức hòa hợp dân tộc, khôi phục các công trình văn hóa cổ kính, tạo nên diện mạo mới cho nước Đức ngày nay. Dân tộc Đức với sự thông minh sáng tạo và trình độ kỹ thuật cao đã đưa nước Đức lên vị trí thứ ba thế giới về GDP vượt cả Nhật Bản; thật xứng đáng được khâm phục.

Thăm Berlin và Dresden đã để lại trong lòng tôi về hình ảnh một đất nước gây chiến nhưng bị bại trận và từng bị tàn phá nặng nề trong Chiến tranh thế giới thứ II, sau đó chia cắt 45 năm trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, nhưng từ khi thống nhất năm 1990, đã nỗ lực xây dựng lại một nước Đức chung có nền tảng công nghiệp hiện đại, ra sức hòa hợp dân tộc, khôi phục các công trình văn hóa cổ kính, tạo nên diện mạo mới cho nước Đức ngày nay.

ĐÀO TẤN LỘC