Biên ải Vị Xuyên năm nào cũng nhớ...

1. Năm nay, dù mưa gió nhiều hơn mọi năm nhưng điều chúng tôi nhận thấy rõ nhất là Hà Giang vẫn tấp nập người đổ về Vị Xuyên dự Giỗ Trận. Bốn mươi năm rồi kể từ ngày 12.7.1984.

Ngày ấy, bất chấp đạn pháo địch nã sang như những trận mưa lửa, anh em bộ đội ta lao vào cuộc phản công giành lại các vị trí thuộc chủ quyền Tổ quốc đã bị quân xâm lược bên kia biên giới chiếm trái phép trước đó. Gần 600 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, hơn 100 người bị thương, các trái núi bị đạn pháo bóc trơ trọi như những lò vôi trắng xóa… Các cuộc sống mái với giặc xâm lược còn kéo dài suốt 5 năm sau đó mới chấm dứt.

Không còn pháo nổ, đạn rơi, lửa cháy nhưng 10 năm ròng chiến tranh ác liệt bảo vệ biên cương phía Bắc đã để lại cho đời sống của người dân dọc dài biên giới, đặc biệt là Hà Giang, những khó khăn chất chồng như núi. 35 năm qua, các nguồn lực Chính phủ và xã hội đã giúp Hà Giang thay da đổi thịt rất nhiều. Nhưng với địa hình núi cao, vực sâu, giao thông chưa thuận tiện, gần một trăm thôn bản của Hà Giang vẫn còn trong cảnh khó khăn, thiếu thốn.

Xem thêm: Đoàn viên thanh niên Đà Lạt, Đà Nẵng thể hiện lòng biết ơn và tri ân của thế hệ trẻ

Bà Nguyễn Thị Phương, thành viên tích cực và cao tuổi nhất (86 tuổi) của nhóm Chia Sẻ - Sharing tặng sổ tiết kiệm cho các cựu chiến binh khó khăn và các nạn nhân bom mìn ở Vị Xuyên, Hà Giang ngày 11.7.2024.

Minh họa cho tình trạng này là lời trao đổi chân thành của ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang với chúng tôi trong ngày 11.7.2024: “Đặc điểm của Hà Giang là các điểm dân cư thưa thớt, cách xa nhau hàng nửa ngày đường vì đường đi quanh co, gấp khúc. Có những vị lãnh đạo huyện (như huyện Bắc Quang) mặc dù rất chịu khó đi cơ sở nhưng gần hết nhiệm kỳ mà vẫn chưa đi giáp vòng các xã. Biết rõ tình hình khó khăn của Bắc Quang, tỉnh đã tập trung các nguồn lực trong và ngoài ngân sách giúp huyện rất nhiều trong các năm qua nhưng đến nay vẫn còn 5 xã (trong tổng số 23 xã) và 17 thôn đời sống của dân còn hết sức khó khăn. Huyện có 78 cơ sở giáo dục, trong đó có 70 trường trực thuộc huyện với hơn 29.300 học sinh nhưng do địa hình chia cắt, đường giao thông giữa các thôn không thuận lợi nên trên địa bàn huyện còn hơn 100 điểm trường lẻ nhỏ bé, đơn sơ nằm cheo leo, rải rác tại các thôn, bản”.

Có mặt cùng lãnh đạo tỉnh Hà Giang trong buổi khánh thành hai điểm trường Khuổi Én của huyện Bắc Quang và Thanh Đức của huyện Vị Xuyên, nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang vào thăm từng phòng học, phòng ngủ của học sinh, phòng giáo viên, phòng ăn và nhà vệ sinh mới xây xong. Vừa mở thử các van nước ở bồn rửa mặt và nhà vệ sinh ông vừa nói với những người cùng đi: “Đã có tấm lòng giúp các cháu có chỗ học, chỗ nghỉ khang trang thì ngay cả nơi vệ sinh cũng phải đàng hoàng, để các cháu có thói quen sử dụng tiện nghi văn minh ngay từ nhỏ”.

Thành viên nhóm Thiện nguyện Chia Sẻ - Sharing tại buổi khánh thành Điểm trường mới ở Khuổi Én, Bắc Quang, Hà Giang.

Xem thêm: Quán cà phê như rừng nhiệt đới, có góc ngắm đường tàu 'thần thánh' ở Nha Trang

Quay sang phía các nhà tài trợ là VPBank, tổ chức Thiện nguyện Xây ước mơ cùng em đến trường, Đài Truyền hình Việt Nam, Quỹ Tấm lòng Việt…, ông chắp hai tay lên cao nói với một nụ cười trên gương mặt tuổi 75: “Thay mặt đồng bào, thay mặt các thầy cô giáo và các cháu học sinh, tôi xin cảm ơn tấm lòng nhân ái của các vị và mong các vị tiếp tục quan tâm để Hà Giang có thể nhanh chóng có thêm vài chục điểm trường nữa khang trang như thế này. Cũng nhân đây tôi xin nói thêm rằng, lúc nãy khi từ xe bước xuống điểm trường Khuổi Én, nhiều anh chị em trong đoàn đi bị xiểng niểng vì say xe. Cũng đúng thôi khi xe phải chạy qua hàng chục đoạn cua gắt nhọn, một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Trải nghiệm này để chúng ta hiểu thêm rằng, đưa được một viên gạch lên đây làm đường, xây trường, xây trạm y tế khó lắm, chi phí xây dựng đắt gấp nhiều lần so với ở miền xuôi. Phải hiểu và thông cảm với anh em trên này”.

2. Trong rất nhiều vấn đề dân sinh cần khẩn trương giải quyết ở Hà Giang hôm nay và những năm tới, bên cạnh việc tạo điều kiện sinh sống ổn định và chỗ ở vững chãi cho đồng bào vùng phên giậu thì chăm lo chu đáo cho các cựu chiến binh luôn là nhiệm vụ quan trọng của lãnh đạo tỉnh. Hà Giang có Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên - nơi yên nghỉ của gần 2.000 liệt sĩ ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ biên cương. Nhưng Hà Giang cũng là nơi mà đến nay vẫn còn hơn 2.000 hài cốt liệt sĩ hy sinh từ 1979 đến 1989 nằm rải rác trong các khe núi hiểm trở và vực thẳm chưa được quy tập về yên nghỉ bên cạnh đồng đội ở nghĩa trang! Nước mắt của đồng đội, của thân nhân các liệt sĩ đã chảy xuống hòa với nước mắt của trời trong cơn mưa tầm tã đêm trước ngày Giỗ Trận năm thứ 40.

Điều an ủi cho tất cả những người về dự Giỗ Trận 2024 là Đội Quy tập Hài cốt Liệt sĩ của Hà Giang đã tìm được và dịp này đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc Gia Vị Xuyên hài cốt của 6 liệt sĩ hy sinh do bom mìn trên các bãi chiến trường giao tranh giữa bộ đội ta với quân Trung Quốc.

Đứng trên Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ Vị Xuyên trên điểm cao 468, những thành viên trong đoàn công tác của nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã chứng kiến những tiếng nấc nghẹn ngào của các cựu chiến binh khi hướng mắt về những ngọn núi bao phủ mây trắng, nơi đồng đội nằm lại hơn 30 năm qua chưa được về nhà. Nhưng rồi, cùng với nước mắt đau xót còn có cả nước mắt cảm động khi được biết rằng chỉ trong 5 năm qua Hà Giang đã xây được 6.700 căn nhà kiên cố cho các cựu chiến binh và đồng bào dân tộc nghèo ở sát đường biên, hàng trăm con bò sinh sản, hàng trăm sổ tiết kiệm được tặng cho cựu chiến binh và các hộ nghèo.

Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang tại Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ Vị Xuyên (điểm cao 468) ngày 11.7.2024.

Trong hàng ngàn căn nhà mang nặng niềm tri ân những người vào sinh ra tử để giữ yên bờ cõi tại Hà Giang, có 356 căn nhà do Nhóm Sharing ân tặng các cựu chiến binh Sư đoàn 356 - đơn vị nòng cốt trong cuộc chiến đấu bi tráng tại Mặt trận Vị Xuyên ác liệt năm xưa (70 triệu đồng/căn). Đây chính là sư đoàn của liệt sĩ Lê Viết Ninh, người đã khắc vào báng súng dòng chữ nổi tiếng “Sống bám đá, chết bám đá, hóa bất tử”. Dòng chữ ấy hôm nay được khắc chữ vàng trang trọng trên tường đá Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, như một lời nhắc nhở cho các thế hệ mai sau: Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt / Như mẹ cha ta, như vợ như chồng / Ôi Tổ quốc nếu cần, ta chết / Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông (Chế Lan Viên).

Rời Vị Xuyên, xe chúng tôi đi qua những đoạn đường vừa được khắc phục sau sạt lở từ vài hôm trước. Nỗi lo âu vì những rủi ro do thời tiết khắc nghiệt thoáng qua. Âm vang trong đầu dường như chỉ còn lời tâm sự của một cựu chiến binh sư đoàn 356 tại buổi gặp gỡ tối 11.7.2024: “Đối với các cựu chiến binh Sư đoàn 356 từng kiên cường chiến đấu bảo vệ biên giới tại Hà Giang, chúng tôi luôn xem Hà Giang là quê hương thứ hai của mình. Năm nào chúng tôi cũng lên đây để tưởng nhớ đồng đội, để nhắc nhở mình luôn sống tốt đẹp trong tư thế anh bộ đội của dân, vì dân. Khi Tổ quốc cần, chúng tôi lại một lần nữa cầm súng bảo vệ bờ cõi”...

Hà Giang, tháng 7.2024

Bài và ảnh: Nguyễn Thế Thanh