Bếp ăn dã chiến tại Hà Nội, các cô giáo mầm non nấu cơm 0 đồng nuôi bà con

15h30, bếp ăn của Trường Mầm non Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) đỏ lửa. 12 giáo viên luôn tay nấu nướng, mỗi người một việc để hoàn thiện gần 300 suất cơm cho các gia đình phải đi trú tránh lụt do ảnh hưởng của bão số 3.

Bếp ăn dã chiến này được lập lên từ ngày 16/9, khi Nam Phương Tiến rơi vào cảnh ngập lụt nặng nề do nước sông dâng cao tràn về xã. Các khẩu phần ăn đầy đủ rau, thịt được chia vào hộp xốp, đảm bảo vệ sinh.

Chị Hoàng Thị Luyện cho biết, buổi sáng họ khởi động công việc từ hơn 8h, buổi chiều sau 15h các cô giáo mầm non đến đây chuẩn bị cơm cho mọi người. "Chúng tôi đều cảm thấy vui khi có thể giúp đỡ bà con. Rất nhiều nhà cửa của chính các giáo viên cũng bị ngập nước, cần dọn dẹp nhưng ai cũng sẵn lòng dành thời gian vào bếp ăn này", chị nói.

Xem thêm: Tên lửa FGM-148F Javelin: 'Sát thủ diệt tăng'

26 gia đình lưu trú tại ủy ban và những gia đình bị ảnh hưởng do trận lụt được hỗ trợ suất ăn. Theo chị Cao Thị Luyến (Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nam Phương Tiến), ngày 10/9, các hộ dân bị ngập nặng, nhà ở không đảm bảo an toàn đã được di dời về UBND xã để lưu trú. Ngay sau đó, phụ nữ xã và cô giáo mầm non xây dựng phương án bếp ăn dã chiến để phụ giúp bà con.

Nhà của chị Nguyễn Thị Đường bị ngập suốt 20 ngày qua. Vợ chồng chị gửi con ở nhà họ hàng sau khi nghe thông tin UBND hỗ trợ chỗ ở và bếp ăn, đăng ký cho gia đình chuyển đến đây. "Tôi cảm thấy biết ơn và thấy rất yên tâm vì được hỗ trợ kịp thời trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay", chị nói.

Bà Nguyễn Thị Nục (1963) và người thân đến điểm lưu trú từ ngày 10/9, mỗi ngày mỗi thành viên được hỗ trợ hai suất ăn trưa và tối, buổi sáng có bánh mì và sữa. Khi tình hình ngập lụt diễn biến nặng, bà được công an xã hỗ trợ cano tới đón. "Trước đó tôi tính đến việc đi ở nhờ họ hàng nhưng nhà ai cũng ngập, không ít thì nhiều. Sau cùng tôi quyết định tới đây tránh trú chờ nước rút", bà kể.

Bà Nục nóng lòng, không biết nước đã rút hết chưa để về nhà dọn dẹp. Trong lòng bà, cháu Nguyễn Đăng Khôi (5 tuổi) còn bàng hoàng vì trận lụt chưa từng thấy.

17h, chiếc xe tải vận chuyển suất cơm 0 đồng cũng được chất đầy ắp phần cơm tối để đi phân phát cho các gia đình khó khăn trong khu vực.

Bà Nguyễn Thị Sáu 66 tuổi (năm 1959) chia sẻ, ngoài các bữa ăn, những gia đình ở đây đều nhận được đồ nhu yếu phẩm từ hội liên hiệp phụ nữ gửi đến mỗi khi cần.

Trường học trở thành nơi cư trú của những em nhỏ trong thời gian lũ lụt. Hiện, các em chưa thể đi học trở lại vì khu vực này vẫn còn ngập.

Xem thêm: Ngày 30/9: Không khí lạnh về, Miền Bắc và Bắc Trung Bộ trời mát

Chị Cao Thị Luyến (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nam Phương Tiến) cho biết, trong thời điểm khó khăn, cần vận động hỗ trợ, nhiều gia đình, điểm trường, UBND tại đây đã sẵn sàng giao chìa khóa, làm nơi ở cho bà con. "Việc bếp ăn chỉ là một công việc rất nhỏ mà chúng tôi có thể hỗ trợ bà con. Các cô giáo nấu ăn đều ấm lòng mỗi khi nhận được lời cảm ơn từ phụ huynh và các em nhỏ trong khu vực", chị Luyến nói.

Thạch Thảo - Đan Nguyễn