Bất an bên bờ kênh sạt lở ở Nghi Xuân

Ven tuyến kênh đất từ cầu Xuân Hải đi ra bờ sông Lam thuộc thôn Trường Lam (xã Xuân Hải) có gần 10 hộ dân sinh sống. Khu vực này hiện đang bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhà cửa, tài sản của các hộ dân.

Anh Ngô Xuân Hiền có nhà ở sát tuyến kênh cho biết: Dòng nước chảy qua cống bên hông cầu Xuân Hải xoáy mạnh tác động trực tiếp vào bờ kênh bên trái dẫn đến sụt lún đất khiến cột trụ và bức tường giữa 2 vách khu nhà bếp, nhà tắm của gia đình bị rạn nứt.

Khe nứt ngày càng mạnh.

Xem thêm: Dấu ấn Chiến dịch Mùa hè xanh ở Hà Tĩnh

"Từ năm 2017 đến nay, gia đình tôi luôn sống trong tình trạng thấp thỏm lo âu, nhất là vào mùa mưa lũ bởi sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra, không biết ngôi nhà sẽ bị đổ sập lúc nào” – anh Hiền lo lắng.

Tuyến kênh sau cầu Xuân Hải đến bờ sông Lam dài khoảng 600m, nhưng chỉ mới được gia cố 2 bên sau cầu 30m bằng bê tông, phần còn lại đang là kênh đất. Trong khi đó, bờ kênh có hình vòng cung khiến dòng chảy tác động mạnh vào bờ, gây ra sụt lún đất.

Bằng giải pháp tạm thời, năm 2020, chính quyền xã Xuân Hải đã huy động lực lượng kè bằng rọ đá có chiều dài 25m phía bờ trái. Tuy nhiên, hiện nay, do vận tốc dòng chảy sau cống khá lớn đã làm hư hỏng đoạn mới gia cố, tiếp tục ảnh hưởng đến sân vườn, nhà ở của 3 hộ sinh sống cạnh bờ kênh.

“Khi xảy ra mưa lũ, mực nước dâng cao lên hơn 2m tạo thành dòng xoáy mạnh. Hàng năm, tôi phải bỏ tiền ra mua rọ đá về kè để giữ đất, đảm bảo an toàn cho nhà ở của gia đình” – ông Nguyễn Văn Diễn nhà ở cạnh bờ kênh cho hay.

Theo người dân địa phương, khi xảy ra mưa lớn, nguồn nước sẽ chảy mạnh ra sông Lam nên hệ thống cống bên cầu Xuân Hải buộc phải mở để tiêu thoát nước. Đây có thể là nguyên nhân dẫn tới xói lở bờ kênh trong nhiều năm nay. Để đảm bảo an toàn, tuyến kênh cần phải được đầu tư xây dựng chắc chắn bằng bê tông cốt thép.

Xem thêm: Mưa chiều

Hoàng Long