Bão Yagi thổi bay cửa kính nhiều tòa nhà: Cư dân khốn khổ vì nước tràn vào nhà xối xả

Theo các chuyên gia, siêu bão Yagi là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh cấp 8 có bán kính khoảng 250km, vùng gió mạnh cấp 10 khoảng 150km, vùng gió mạnh cấp 12 khoảng 80km xung quanh tâm bão. Với sức gió trên, nhà chung cư cao tầng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Chiều tối cùng ngày bão số 3 đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với sức gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 14-16. Gió bão đã quật đổ nhiều cây lớn, đánh chìm tàu, giật tung mái tôn, làm vỡ cửa kính nhiều tòa nhà.

Mưa to, gió mạnh đã gây thiệt hại lớn tại các chung cư, nhà cao tầng ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Hình ảnh được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội cho thấy, nhiều tòa nhà bị gió giật mạnh bung toàn bộ tấm kính chắn gió bên ngoài.

Xem thêm: Bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội với mưa lớn kèm gió giật mạnh

Mưa gió lớn từ bão số 3 khiến nhiều chung cư ở Hà Nội bị nước thấm vào nhà

Tại nhiều chung cư ở Hà Nội, gió giật mạnh khiến nhiều căn hộ bị bung, nứt cửa sổ, cửa chắn gió phòng khách khiến nước thấm hoặc mưa phả thẳng vào nhà. Nhiều cư dân phải vất vả chống thấm nước.

"Tôi ở Hà Nội 20 năm nay, nhưng chưa bao giờ chứng kiến cơn bão nào đáng sợ như vậy, gió mạnh khủng khiếp, cửa sổ nhà tôi lung lay. Khó có thể tưởng tượng được nếu cửa sổ này bị thổi bay, nước mưa phả thẳng vào phòng khách thì hỏng hết nhà và đồ dùng" - anh Trần Lâm, ở khu đô thị Thanh Hà, Hà Nội chia sẻ.

Một bức tường kính của một tòa trụ sở Quảng Ninh bị bão giật tung. Nguồn: OFFB

Tòa khách sạn A La Carte Ha Long Bay bị gió thổi bay cửa kính. Nguồn: OFFB

Mảng kính vỡ tại tòa nhà A La Carte Ha Long Bay

Xem thêm: Nghẹt thở bão Yagi đổ bộ vào bờ

Một bức tường của một khách sạn ở quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng) bị gió bão đánh vỡ. Nguồn: OFFB

Theo TS Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai - những gia đình sống trong nhà cao tầng, chung cư ở khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng… cần dùng keo dán cố định cửa kính, đề phòng trường hợp gió mạnh thổi bung cửa kính.

"Rất nhiều thành phố trên thế giới từng bị đánh tan hoang hệ thống cửa kính khi có siêu bão vào nên việc gia cố thêm cửa kính bằng keo dán hoặc các tấm gỗ ép là rất quan trọng", TS Huy cho biết.

Cũng theo TS Huy, các hộ dân sống trong chung cư cũng cần tính toán xem hầm để xe có bị ngập không để có phương án bảo đảm tài sản xe cộ.

Tại Hà Nội, cửa sổ tại chung cư FLC Twin Tower 265 Cầu Giấy bị nứt. Nguồn: OFFB

Gió mạnh gần như muốn nhấc cả cánh cửa. Nguồn: OFFB

Tại chung cư Hateco Apollo Xuân Phương (phường Phương Canh, Nam Từ Liêm) nước mưa tràn qua cửa sổ chảy vào nhà. Ảnh: Nguyễn Linh

Trên một group cư dân được chia sẻ hình ảnh nước tràn qua cửa sổ

Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, Ban quản lý các chung cư cần chú trọng phương án ứng phó, chuẩn bị hệ thống bơm thoát nước nếu xảy ra ngập lụt. Không chỉ riêng ở Hải Phòng, Quảng Ninh mà Hà Nội cũng cần sẵn sàng tinh thần ứng phó.

Ngoài ra, các hộ dân ở nhà cao tầng cần đem các chậu cây, đồ vật nặng ngoài ban công vào trong nhà, đóng kín cửa sổ để tránh tạt nước làm hỏng hệ thống sàn lát, đồ đạc.

Đức Hoàng