Bão vào khu vực giữa Quảng Ninh – Hải Phòng, các tỉnh Bắc Bộ sẵn sàng ứng phó

Thủ đô Hà Nội đã có mưa từ sáng sớm nay.

Thời điểm này, gió tại khu vực đảo Cô Tô (Quảng Ninh) mạnh cấp 12, giật cấp 15; Cửa Ông (Quảng Ninh): cấp 12, giật 14; Thành phố Hải Phòng: cấp 7, giật cấp 9; Thái Bình cấp 7, giật cấp 10; TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) cấp 6, giật cấp 8...

Khu vực Hà Nội gió cũng tăng cấp và mưa dồn dập hơn.

Xem thêm: Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024: Yêu cầu dừng 'bán áo tặng kèm giấy mời'

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, đến 19h ngày 7/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h và đi sâu vào đất liền phía Đông Bắc Bộ; cường độ cấp 9, giật cấp 12.

Rủi ro thiên tai cấp 4 ở khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng, cấp 3 ở khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa.

Đến 7h ngày 8/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15-20km/h và đi sâu vào đất liền các các tỉnh Tây Bắc, sau đó suy yếu và tan dần. Rủi ro thiên tai cấp 3 ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa.

Ngay từ sáng sớm nay, tại Hà Nội đã có mưa và gió mạnh tăng dần. Clip: Trương Huyền

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 88/CĐ-TTg ngày 6/9/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3/9/2024 và số 87/CĐ-TTg ngày 5/9/2024, tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên, căn cứ diễn biến tình hình bão, mưa lũ thực tế tại địa phương khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; quyết định việc cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 12, giật cấp 14. Đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 7, giật cấp 11. Móng Cái (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 9. Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 8, giật cấp 9.

Trên đất liền, các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội đã có mưa từ sáng sớm nay. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối ngày 7/9).

Thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng, chống bão

Sáng 7/9, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng, chống bão. Một số Bộ trưởng, Thứ trưởng được cử xuống các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố ven biển để chỉ đạo, đôn đốc phòng, chống bão; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã huy động lực lượng ứng trực và giúp dân phòng chống bão.

Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các Công điện về theo dõi diễn biến, tổ chức các biện pháp phòng, chống bão, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp chỉ đạo phòng, chống bão và khắc phục hậu quả ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão theo đúng tinh thần các Công điện của Thủ tướng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão của Sở Y tế phân công thành viên ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão trực tại địa phương để trực tiếp chỉ đạo. Các Bệnh viện tuyến Trung ương khẩn trương ra quyết định thành lập các tổ (Đội) cấp cứu lưu động để hỗ trợ trong các tình huống khẩn cấp; chuẩn bị phương tiện, vật tư, sẵn sàng lên đường ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Tại Quảng Ninh, phóng viên Công Hoan phản ánh, 9h hôm nay, toàn khu vực huyện đảo Cô Tô mưa trắng trời, gió giật mạnh lên đến cấp 11-12 theo từng cơn.

Thông tin nhanh từ các địa phương, gió bão làm gãy đổ một số cây xanh, rào tôn, bảng hiệu trên đường TP Móng Cái, đảo Cô Tô.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoàn làm trưởng đoàn cùng Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã thị sát tình hình bão tại Cảng Quốc tế Tuần Châu, hồ Yên Lập và đang họp tại UBND tỉnh Quảng Ninh về công tác chống bão.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác thị sát tình hình bão tại tại hồ Yên Lập, Quảng Ninh.

Ảnh hưởng của bão số 3, từ sáng sớm nay, trên địa bàn huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) có gió và mưa, gió cấp 7-9 trên đất liền, tại các đảo là cấp 9-10.

Phóng viên Tại huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) mưa to và gió giật mạnh cấp 10, gây biển động. Toàn huyện đảo mất điện, nhiều biển báo, cây xanh, một số hạng mục công trình bị gió kéo đổ, làm hư hại.

Một số hình ảnh tại huyện đảo Cô Tô ngày 7/9. Ảnh: Hiền Vũ

UBND huyện Cô Tô đã có lệnh giới nghiêm đối với người và phương tiện trên toàn bộ địa bàn thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến, đảo Thanh Lân. Lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 22h ngày 6/9 đến 21h ngày 7/9.

Bão tiến sát Cô Tô gây gió mạnh và mưa lớn tại Cô Tô, Quảng Ninh.

Trước khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Ninh, lượng nước trữ tại hồ Yên Lập ở mức 87%. Đây là hồ thủy lợi có dung tích 127 triệu m3, hồ chứa lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh, cung cấp phần lớn nước sinh hoạt cho thành phố Hạ Long, thành phố Uông Bí và thị xã Quảng Yên.

Xem thêm: Nẻo thu đi về

Theo ông Đoàn Mạnh Phương, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy Lợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTN - TKCN & PTDS tỉnh Quảng Ninh: Đến thời điểm hiện nay các hồ chứa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt từ 85 – 87% công suất thiết kế, để ứng phó với tình hình mưa kéo dài trên địa bàn tỉnh, các hồ chứa đã được xả lũ từ 4 ngày trước, cố gắng đưa mực nước các hồ xuống mức trung bình khoảng 80%, đảm bảo mực nước để chống hạn cho mùa khô. Hiện tại Hồ Yên Lập đang cho xả là 60 khối/ giây, tùy theo diễn biến của tình hình thời tiết, tình huống mưa để điều tiết tại chỗ, do đây là hồ có cửa van nên điều tiết rất thuận lợi.

Tại Hải Phòng, từ 10h hôm nay, 7/9, người dân đã cảm nhận rõ sự tác động của bão số 3, gió mạnh lên nhiều, cây cối nghiêng ngả. Trên các tuyến phố tại quận Lê Chân, quận Ngô Quyền, huyện Tiên Lãng, huyện Vĩnh Bảo, nhiều cây xanh bật gốc, gãy đổ. Chính quyền địa phương các cơ quan đang tập trung khắc phục.

Cây đổ trên hè phố Hải Phòng sáng 7/9.

Phóng viên Thùy Linh dẫn thông tin từ Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vỹ, trên địa bàn huyện đang mưa rất to, gió mạnh cấp 14, giật cấp 15. Hiện có 101 phương tiện cùng 128 lao động vào tránh trú bão trên địa bàn.

Hình ảnh tại Khu Thanh niên xung phong, đảo Bạch Long Vĩ vào 10h40 ngày 7/9.

Ảnh hưởng bão trên đảo Bạch Long Vĩ lúc 8h30 ngày 7/9. Clip: Trạm Khí tượng Hải Văn Bạch Long Vĩ

Huyện Bạch Long Vỹ đảm bảo an ninh an toàn cho ngư dân khi lên tàu tránh bão; chỉ đạo và hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa. Đồng thời, thành lập 2 sở chỉ huy tại trụ sở UBND huyện và tại đồn Biên phòng Bạch Long Vỹ sẵn sàng các phương án ứng phó khi các sự cố xảy ra.

Phóng viên Hải Anh phản ánh, mưa liên tiếp theo đợt, lượng mưa không quá lớn từ sáng sớm tại Hải Phòng nhưng từ khoảng 8h trở đi, gió giật mạnh hơn. Một số cây xanh bị gió kéo đổ.

Cây xanh đổ trong gió tại đường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng.

Người dân Hải Phòng đã hạn chế ra đường. Hầu hết các chợ dân sinh tạm dừng hoạt động, chỉ còn một số hàng thực phẩm tươi sống bày bán trên vỉa hè. Quá trình mua - bán diễn ra khá nhanh, người bán - người mua đều cố gắng nhanh được về nhà tránh bão.

Một số hàng thực phẩm tươi sống phục vụ người dân bên lề đường ở TP Hải Phòng.

9h ngày 7/9, đường Hàng Kênh, quận Lê Chân (TP Hải Phòng) vắng lặng do bão.

Dân cư khu vực nguy hiểm do mưa bão đã được di dời đến các điểm an toàn của thành phố Tàu thuyền được neo đậu chắc chắn.

Sẽ tạm dừng lưu thông qua cầu Bính trong thời điểm bão.

Lực lượng chức năng đã có mặt tại cầu Bính (huyện Thủy Nguyên) để tạm dừng các phương tiện giao thông qua cầu vào thời điểm bão.

Tại Hà Nội, mưa gió không ngừng và gió ngày càng mạnh hơn. Mưa từ 7h hôm nay, gió tăng cường độ từ khoảng 10h cùng ngày. Mưa không dứt gây úng nước nhẹ một số điểm.

Phóng viên Ngọc Nga và Hồng Quân ghi nhận, ngày cuối tuần, nhiều gia đình dậy muộn, đường phố khá vắng vì ít người và phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là xe máy. Chợ nội thành vẫn mở bán, giá các mặt hàng được cho là "nhích" hơn so với bình thường.

Chị Ngọc Trâm (trú phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, chị đi chợ khá sớm và mua được đầy đủ thực phẩm tươi sống như dự định. "Chợ ít người bán, ít hàng và cũng ít người mua hơn do mưa bão, tuy nhiên vẫn đầy đủ cá thịt, rau xanh, hoa quả. Tôi mua ăn trong 2 ngày thôi, không dự trữ lâu", chị Trâm nói.

Nhiều người dân "cố thủ" trong nhà. Các hộ dân trong những căn nhà mái cấp IV ở phường Bồ Đề, quận Long Biên, cảm nhận rõ tiếng mưa rơi, gió đập. Một phụ nữ ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, chia sẻ: "Khu nhà tôi không trong quy hoạch nhưng chưa được làm "sổ đỏ", chưa được xây dựng kiên cố, nhà cấp IV tồn tại hơn 10 năm rồi, ngày càng xuống cấp. Mưa bão thế này, ở trong nhà cũng không cảm thấy an toàn, nơm nớp lo gió giật mạnh bật mái tôn, đổ bồn chứa nước từ trên cao xuống, nguy hiểm tính mạng".

Mưa nặng hạt dần và gió mạnh dần ở Thủ đô Hà Nội.

Tại Thái Bình, phóng viên Quốc Khải đưa tin, sáng 7/9, đoàn công tác do ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh dẫn đầu đi kiểm tra công tác ứng trực, chủ động ứng phó bão tại cảng cá Cửa Lân, xã Nam Thịnh và đoạn đê số 6 qua xã Đông Minh (huyện Tiền Hải) và một số điểm tại huyện Thái Thụy.

Theo dự báo của chuyên gia khí tượng thủy văn Quốc gia, mưa sẽ tăng dần ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, trong đó cao điểm mưa xảy ra vào trưa và tối hôm nay. Đối với các tỉnh sâu trong đất liền mưa sẽ bắt đầu muộn hơn và kéo dài. Lượng mưa đối với khu vực phía Đông Bắc Bộ phổ biến 100-350mm, trong đó sáng và trưa nay nhiều nơi có thể lượng mưa 100-150mm.

Trên biển, theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.

Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 3,0-5,0m, vùng gần tâm bão đi qua 6,0-8,0m. Vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sóng cao 2,0-4,0m.

Khu vực ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5m (Thanh Hóa) đến 2,0m (Quảng Ninh) vào chiều và đêm 7/9. Ven biển Quảng Ninh -Hải Phòng cần đề phòng nước rút khoảng 0,5m vào khoảng sáng và trưa ngày 7/9.

Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia khuyến cáo, người dân ở các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 03 cần tuyệt đối không ra ngoài lúc mưa to gió lớn khi hoàn lưu bão ảnh hưởng trực tiếp.

Đối với các tỉnh thành phố vùng núi, trung du Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa là những nơi đối mặt với nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là nhà ở, các công trình (nhà tạm, nhà cạnh các khai trường, hạ lưu hồ chứa...) và tổ chức di dời ngay người dân và tài sản khi thấy không đảm bảo an toàn; kiên quyết di dời người dân đến nơi đảm bảo an toàn. Sau khi bão qua, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn còn hiện hữu những ngày sau đó nên cần hết sức đề phòng.

Tiếp tục cập nhật

Nhóm Phóng viên