Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer

Lớp học chữ Khmer tại chùa Buppharam (hay còn gọi chùa Cái Giá Chót), xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Hồng Dân là địa phương có đông đồng bào Khmer ở Bạc Liêu. Toàn huyện có gần 3.000 học sinh Khmer đang học ở các bậc học. Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân chia sẻ, thời gian qua, ngành giáo dục huyện luôn duy trì lớp song ngữ Việt - Khmer trong nhà trường và lớp dạy chữ Khmer tại các chùa. Ngoài ra, học sinh Khmer còn được thụ hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước.

Ông Dương Hồng Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu thông tin, ở vùng đồng bào Khmer của tỉnh hiện có 77 trường phổ thông được đầu tư xây dựng, trên 11.000 học sinh người Khmer theo học ở cả ba bậc học. Mỗi năm, có trên 600 học sinh người Khmer theo học tại trường phổ thông dân tộc nội trú. Việc đưa tiếng Khmer vào giảng dạy song song với các môn học khác tại một số trường học giúp học sinh là con, em đồng bào Khmer hình thành, phát triển kỹ năng sử dụng chữ Khmer, nâng cao hiểu biết về văn hóa dân tộc của mình, góp phần giữ gìn, phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào. Cùng với các lớp song ngữ Việt - Khmer trong nhà trường, nhiều chùa Khmer còn mở lớp dạy tiếng nói và chữ viết vào dịp hè. Những lớp học do các vị sư và Achar (người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số) thông thạo tiếng Khmer đảm nhiệm.

Xem thêm: TP.HCM: Bạn bè quốc tế 'mãn nhãn' với nghệ thuật mời trà

Ông Châu Phát ở xã Long Điền, huyện Đông Hải, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu là một trong những người có nhiều đóng góp trong việc dạy chữ Khmer cho sư sãi và con em tại chùa. Năm 2010, sau khi về hưu, ông đem vốn kiến thức, sự hiểu biết của mình truyền dạy cho sư sãi, con em tại chùa Giá Rai Mới, thị xã Giá Rai. Ông Châu Phát luôn tìm tòi, nghiên cứu, giảng dạy với mong muốn tiếng Khmer không bị mai một mà còn được bảo tồn, phát triển hơn nữa cho các thế hệ mai sau.

Xem thêm: Sạt lở đê nghiêm trọng hơn 100m, chia cắt giao thông tỉnh lộ 323

Đại đức Hồ Mít, Trụ trì chùa Dìa Quán, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân chia sẻ, ở lớp học trong chùa, con em đồng bào Khmer không chỉ được dạy tiếng nói, chữ viết mà còn được giáo dục về đạo đức, văn hóa truyền thống cùng với các quy định khác để trở thành công dân tốt, hữu ích, sống tốt đời, đẹp đạo.

Sư Thạch Duông dạy chữ Khmer cho học sinh tại chùa Buppharam (hay còn gọi chùa Cái Giá Chót), xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Để lưu truyền tiếng mẹ đẻ cho con cháu, các chùa Khmer còn tổ chức “Đội nhạc ngũ âm Khmer”, góp phần lưu giữ nét đặc trưng một loại hình nhạc cụ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa. Được tham gia vào “Đội nhạc ngũ âm” là niềm vinh dự, tự hào của thế hệ trẻ, góp sức tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống nên các em rất phấn khởi, tích cực tham gia buổi tập tại chùa, biểu diễn trong dịp lễ, Tết.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định, chữ viết là linh hồn của mỗi dân tộc, việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết chính là bảo vệ, gìn giữ linh hồn của dân tộc đó. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh luôn dành nguồn lực, ưu tiên bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc. Năm 2023, UBND tỉnh hỗ trợ cho người trực tiếp dạy tiếng và chữ viết Khmer trong dịp hè tại các chùa với số tiền gần 550 triệu đồng.

UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa; phối hợp xây dựng Nghị quyết quy định chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy tiếng và chữ Khmer dịp hè. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với việc dạy học, quyền lợi, trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị tiếng nói, chữ viết của dân tộc Khmer.

Tin, ảnh: Tuấn Kiệt (TTXVN)