Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53: Hy vọng một thế giới hội nhập và kế thừa truyền thống dân tộc

Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53 như sau:

Ngày… tháng… năm

Chào người bạn ở “thì tương lai” của tôi.

Xem thêm: Thanh niên Đà Nẵng tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng

Tôi viết lá thư này, để tham dự cuộc thi viết thư UPU năm 2024, sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn kéo dài vừa qua. Đây có thể coi là lần đầu tiên tôi có ý niệm về việc “về quê ăn Tết”, khi tôi đã 11 tuổi.

Quê tôi, nơi bố mẹ sinh ra, là ở một huyện của ngoại thành Hà Nội. Bố mẹ tôi vào TP.HCM lập nghiệp từ 15 năm nay. Bố mẹ kể rằng khi tôi 3 tuổi đã từng cho về quê ăn Tết. Nhưng thú thực, tôi không nhớ chút gì về lần đó, kể cả lúc được cho xem ảnh chụp lại.

Sau đó, vì bận rộn công việc mỗi mùa Tết, rồi lại đến những năm dịch Covid-19, rồi chúng tôi có thêm em bé, nên nhiều năm sau đó chúng tôi ít về quê, đặc biệt là không về vào dịp Tết.

Đến năm nay, dù kinh tế khó khăn, bố mẹ vẫn quyết định đưa anh em chúng tôi về quê ăn Tết với ông bà.

Khi mẹ thu dọn đồ đạc, tôi từng thắc mắc: "Con nghe nói Tết ở quê lạnh lắm, con lại không có bạn bè, gần nhà ông bà cũng không có khu vui chơi như chỗ nhà mình. Tại sao nhà mình không ăn Tết ở đây cho đỡ phải đi lại với tốn tiền thế?".

Lúc đó, mẹ tôi không mắng mà từ tốn giải thích rằng có một thứ không thể đo bằng tiền, và dù phải vất vả thế nào mình cũng sẽ thấy xứng đáng. Đó là tình cảm gia đình, tình thân ruột thịt. Mẹ nói khi về quê ăn Tết, đoàn tụ với ông bà, cô chú, các anh chị em họ hàng là điều hạnh phúc nhất, bởi đó là những người yêu thương mình nhất. Từ khi sinh ra đến nay, tôi luôn được ở bên bố mẹ nên chắc hẳn chưa thể hình dung được cảm xúc trở về với người thân là như thế nào. Mẹ mong muốn qua chuyến đi này, anh em chúng tôi sẽ phần nào thấm thía được tình cảm đó.

Xem thêm: Hơn 40 đoàn lân, sư, rồng 'hộ tống' linh vật năm 2024 đến hội trại tiễn tân binh

Mẹ bảo tôi rằng: "Chúng ta sẽ cùng ông bà dọn dẹp trang trí nhà cửa, gói bánh chưng và đón giao thừa. Chúng ta cũng sẽ đi chúc Tết các ông bà, cô bác trong họ, và gặp những người bạn từ thời thơ ấu của bố mẹ…”.

Quả thực, trong gần nửa tháng ở quê, tôi đã nhận ra ý nghĩa của những điều mẹ nói, và thấy mình hạnh phúc hơn rất nhiều bạn nhỏ khác khi được về quê ăn Tết.

Sự háo hức khi cùng mọi người chuẩn bị cho ngày tất niên đã từng khiến tôi không ngủ được. Đêm giao thừa, mọi người chúc mừng nhau, lì xì cho đám trẻ… Tôi đã khóc nức nở khi chào ông bà, chia tay những anh chị em họ để về lại TP.HCM...

Năm 2024 này, cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 53 gắn với kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (1874-2024). Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi.

Tôi tự hỏi rằng không biết khi bạn nhận được thư này, UPU đã trải qua thêm bao nhiêu lễ kỷ niệm ngày thành lập? Liệu đã có thêm bao nhiêu thế hệ người dân được UPU phục vụ và thế giới đã tiếp tục thay đổi ra sao?

Nhưng tôi mong mỏi rằng thế giới của bạn vẫn sẽ được kế thừa những truyền thống dân tộc tốt đẹp đã tồn tại đến thế kỳ XXI này, trong đó có truyền thống “ăn Tết” như đã có hàng nghìn năm nay.

Bởi rằng không khí Tết sum vầy đầm ấm, những nghi lễ thờ cúng tổ tiên, những bữa cơm đầy đủ các thành viên gia đình ở khắp nơi tụ lại sau một năm làm ăn xa nhà… là thứ keo gắn kết mọi người bền chặt nhất.

Khi biết rằng ở quê hương luôn có người chờ đợi mình, dù ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ công việc gì, mọi người đều có thể mạnh mẽ đối mặt với những khó khăn hay thách thức.

Khi đó, mọi người đểu sẽ góp phần của mình vào những mục tiêu chung lớn lao hơn của đất nước, của cả hành tinh này, để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn: Không còn đói nghèo, ai cũng khỏe mạnh, ai cũng được học hành...

Tôi rất hy vọng rằng bạn đang sống ở thế giới hạnh phúc như vậy.

Trân trọng

Ký tên