Bài 2: Góp phần lan tỏa những điển hình học tập và làm theo Bác

Những năm qua, báo chí luôn giữ vai trò quan trọng trong việc lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại tỉnh Tiền Giang, các cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ đưa tin kịp thời, chính xác, mà còn đóng góp vào việc phát hiện, tôn vinh và nhân rộng những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác.

Chính sự tận tụy và sáng tạo của những người làm báo đã giúp cho tinh thần và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh được lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực phát triển cho xã hội.

LAN TỎA NHỮNG HÀNH ĐỘNG ĐẸP

Xem thêm: 'Từng phải vay nóng nuôi 2 con học đại học, tôi quyết cho cậu út đi xuất khẩu lao động'

Từ khi tỉnh Tiền Giang phát động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, báo chí đã trở thành một kênh tuyên truyền chủ lực, góp phần đưa những tấm gương điển hình, tiên tiến lan tỏa trong cộng đồng.

Nhà báo Huỳnh Hương nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương đoạt giải C Giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2023.

Các nhà báo tại Tiền Giang, thông qua những bài viết chân thực và sinh động, đã giới thiệu đến công chúng những cá nhân, tập thể tiêu biểu, những câu chuyện đời thường, từ đó thể hiện được tầm ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh đến cuộc sống của người dân.

Những tấm gương đó không chỉ là cán bộ, đảng viên, mà còn là những người dân bình dị trong cuộc sống thường nhật, từ nông dân, công nhân, y bác sĩ, giáo viên đến học sinh, sinh viên, họ đã và đang học tập Bác từ những điều giản dị nhất: Tính tiết kiệm, đức hy sinh, lòng yêu thương đồng bào…

Còn nhớ, năm 2021 cả nước “căng mình” chống đại dịch Covid-19 và chính trong hoàn cảnh ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương người tốt việc tốt, điển hình học tập và làm theo Bác. Đó là những tấm gương bác sĩ, Công an, cựu chiến binh... tạm gác lại việc riêng, thầm lặng suốt 2 năm “căng mình” nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19…

Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, những cán bộ tổ dân phố tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, vận động nhân dân hiến đất chỉnh trang đô thị, làm đường; hay những sáng kiến trong công nhân, lao động thực hành tiết kiệm, làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng...

Và gần đây nhất là cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây thiệt hại lớn cho đồng bào miền Bắc..., nhiều tấm gương không ngại khó ngại khổ hỗ trợ đồng bào trong những ngày bão lũ và hàng ngàn nhà hảo tâm từ miền Bắc đến miền Nam đã chung tay quyên góp hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra…

Tất cả được các cơ quan báo chí, các nhà báo bằng nhiệt huyết, niềm đam mê với nghề đã mang những thông tin giá trị đến công chúng.

Qua các tin, bài phóng sự đó, bạn đọc, khán giả thấy được câu chuyện học Bác, làm theo và noi gương Bác không ở đâu xa, mà ngay trong những công việc cụ thể, hành động thiết thực, giản dị hằng ngày.

Những câu chuyện về các tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác không chỉ là sự tôn vinh, mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều người. Được lan tỏa qua các phương tiện truyền thông như báo in, báo điện tử, đài phát thanh và truyền hình, báo chí nói chung và báo chí Tiền Giang nói riêng đã tạo nên “hiệu ứng dây chuyền” trong việc khơi dậy sức mạnh nội tại của mỗi cá nhân và tập thể.

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang ở nhiều diễn đàn hội nghị, một trong những thành công đáng kể của báo chí Tiền Giang là không chỉ dừng lại ở việc đưa tin, mà còn giúp kết nối, lan tỏa những câu chuyện đẹp đến với đông đảo người dân.

Từ đó thúc đẩy nhiều phong trào thi đua như: “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Tuổi trẻ học tập và làm theo Bác”; “Công chức, viên chức thi đua làm việc tốt” hay phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”… thu hút sự tham gia của đông đảo người dân trong việc chung tay xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Xem thêm: Độc đáo những quốc gia nằm trọn trong lãnh thổ nước khác

VIẾT SAO CHO “MỀM HÓA” NỘI DUNG CHÍNH TRỊ

Để phát hiện và tôn vinh những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác, các nhà báo Tiền Giang không ngừng nỗ lực, bám sát địa bàn, đến tận những nơi xa xôi, khó khăn để tìm hiểu và ghi lại những câu chuyện đầy cảm hứng. Họ đã dành nhiều thời gian, công sức để có thể phản ánh chân thực cuộc sống và những nỗ lực của từng cá nhân, tập thể trong hành trình học tập và làm theo Bác.

Chị Dương Ngọc Duyên công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Chợ Gạo đang tác nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phó Tổng Biên tập Báo Ấp Bắc Nguyễn Trọng Tấn cho biết: “Để viết về đề tài học Bác, làm theo Bác, trước hết phải hiểu “tư tưởng, đạo đức, phong cách” của Người, phải trung thực, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tạo ra sự chuyển biến về tình cảm và nhân cách, đó là tôn trọng chân lý, yêu cái đúng, ghét cái sai, tôn trọng sự thật, lẽ phải… Từ đó, mới soi chiếu vào thực tiễn cuộc sống, tìm tòi, phát hiện những nhân tố điển hình để tuyên truyền đúng và trúng…”.

Đối với cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Ấp Bắc, trong thời gian qua, việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác về trung thực và trách nhiệm đã góp phần tích cực trong việc khắc phục suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; trong thu thập tư liệu viết tin, bài; trong biên tập, duyệt bài, duyệt nhuận bút...

Sống trung thực, trách nhiệm đã giúp cho cán bộ, nhân viên Báo Ấp Bắc không những giữ vững nhân cách người cán bộ, phóng viên, biên tập viên, mà còn góp phần làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội để có được niềm tin của mọi người, nhất là tạo được niềm tin của độc giả.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì mảng đề tài viết về học tập và làm theo Bác, các phóng viên, nhà báo cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn là mảng đề tài về chính trị, viết sao cho “mềm hóa” nội dung chính trị là một thách thức đối với nhà báo.

Chia sẻ với chúng tôi về những trang viết muốn để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc, Nhà báo Nguyễn Minh Trí, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Tiền Giang, người có hơn 40 năm gắn bó với báo chí, cho rằng dù công cụ làm báo hiện đại nhưng có lẽ điều làm nên dấu ấn của mỗi nhà báo qua trang viết của mình mà bạn đọc nhớ đến vẫn không nằm ngoài bút pháp, phong cách viết của nhà báo.

Người viết không nên bám vào báo cáo, tham luận để “xào” thành bài viết dễ gây nhàm chán cho người đọc. Mảng nội dung học tập và làm theo Bác thuộc lĩnh vực chính trị, viết rất khô khan, nên trong tác phẩm báo chí, người viết phải cụ thể vấn đề, gắn với người thật, việc thật, phải chịu khó đi, cảm và viết để công chúng cảm nhận và nhận thức được việc làm theo gương Bác lan tỏa trên từng trang viết. Trang viết của nhà báo chỉ có thể lay động trái tim độc giả khi phía sau những văn bản, ngôn ngữ mang tính hành chính là những việc làm, hành động chạm đến cảm xúc người đọc.

Nhà báo Huỳnh Hương, công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang đã có nhiều năm kinh nghiệm viết về đề tài học tập và làm theo Bác với nhiều tác phẩm báo chí chất lượng và đoạt giải cao trong các Cuộc thi Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”..., chia sẻ: “Người viết phải thâm nhập thực tế, bám sát cơ sở để có nhiều chất liệu sinh động cho tác phẩm báo chí mang đậm hơi thở cuộc sống.

Viết về đề tài học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ không bao giờ thiếu những đề tài hay, mới, hấp dẫn; bởi đó không phải là những điều xa xôi, mà rất gần gũi, thiết thực xung quanh chúng ta. Điều còn lại chỉ là góc nhìn, kiên trì tìm kiếm và đặc biệt là cảm nhận từ trái tim của mỗi nhà báo”.

Với kinh nghiệm 20 năm làm báo, công tác tại Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Chợ Gạo (nay là Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Chợ Gạo), chị Dương Ngọc Duyên bày tỏ, với tính chất công việc vừa quay phim, vừa viết, không chỉ chị, mà những người làm công tác tuyên truyền ở tuyến huyện phải không ngừng nỗ lực, vượt khó.

Đặc biệt là khi thực hiện các đề tài về học tập và làm theo Bác, với trách nhiệm của người đảng viên, chị luôn nỗ lực, nghiên cứu, đọc thêm những tác phẩm, những câu chuyện về Bác để thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là vai trò, trách nhiệm của người làm báo.

Từ đó, chị vận dụng những điều Bác dạy luôn giữ vững phẩm chất đạo đức của người làm báo, bám sát địa bàn, ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng của người dân và phản ánh trung thực trên từng sản phẩm báo chí. Với chị, niềm vui của bản thân là khi tác phẩm được đăng trên trang báo hay được phát trên sóng phát thanh, truyền hình, được công chúng đón nhận và khen ngợi.

Sự tận tụy và yêu nghề của những người làm báo đã làm sáng tỏ sứ mệnh cao cả của nghề báo chí cách mạng: Không chỉ là người đưa tin, mà còn là người thắp sáng niềm tin, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần cống hiến cho xã hội.

Các nhà báo Tiền Giang đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện vai trò của mình một cách đầy trách nhiệm và tâm huyết, góp phần lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào đời sống xã hội.

HOÀI THU - LÊ NGUYÊN

(còn tiếp)