Ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' đã về đến Việt Nam

Lễ chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là kết quả sau hơn 1 năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan về việc dừng đấu giá công khai ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” tại Paris, Pháp tháng 11/2022; thỏa thuận chuyển giao cho Việt Nam theo đề nghị của Đoàn công tác liên ngành do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì cùng các Bộ: Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công an và sự hỗ trợ đặc biệt của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh quá trình hơn một năm qua thực sự là một thời gian dài đối với nhiều người, từ khi có công bố thông tin về cuộc đấu giá rao bán ấn vàng của Bảo Đại, đến thỏa thuận dừng đấu giá và nguyên tắc chuyển giao ấn song phương, cho đến những thương thảo nhiều ngày để đạt thỏa thuận cụ thể.

Cận cảnh ấn vàng "Hoàng đế chi bảo"

Xem thêm: Du khách nô nức trải nghiệm đoàn tàu di sản, nhà máy xe lửa Gia Lâm 120 năm tuổi

"Một năm qua cũng là một năm cam go, nhưng đó chỉ là một chặng đường rất ngắn trong cả hành trình mà chiếc ấn đã đi qua, bởi vì ấn vàng Hoàng đế chi bảo là một tài sản quốc gia của Việt Nam mang ý nghĩa lịch sử và chính trị đặc biệt, phản ánh nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng khác nhau của Việt Nam. Ấn vàng hôm nay trở về với đất nước của nó, với cội nguồn của nó là một hành trình dài nhưng cũng là một đoạn kết tuyệt đẹp, phần nào là sự trọn vẹn mà chúng ta đều mong muốn", Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết.

Chia sẻ về vai trò và nhiệm vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết quá trình hồi hương ấn vàng được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu kéo dài trong 2 tuần, là khoảng thời gian gay cấn nhất khi phía Việt Nam mới tiếp nhận thông tin về cuộc đấu giá của hãng Millon rao bán ấn vàng của Bảo Đại và phải đấu tranh để dừng đấu giá và thỏa thuận song phương về việc chuyển giao ấn. Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã đồng thời tiến hành nhiều bước, một mặt là báo cáo và tham mưu với các cơ quan trong nước, mặt khác là tiến hành tiếp xúc với hãng đấu giá Millon; thông tin và đề nghị hỗ trợ, tư vấn từ các cơ quan chức năng của Pháp gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Cố vấn đối ngoại của Tổng thống, Thủ tướng và UNESCO; tìm hiểu và tiếp xúc với một số đối tác, bạn bè, cộng đồng nhằm xác định và tiếp cận với chủ sở hữu và người rao bán; trao đổi, tham vấn với một nhóm luật sư về trình tự, thủ tục pháp lý đối với việc ngăn bán đấu giá cổ vật. Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ lúc hai bên bước vào thương thảo để chuyển giao ấn và kéo dài trong suốt một năm.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng phát biểu tại buổi lễ

Xem thêm: Dự án tháp Kim Thành: Công trình độc đáo nhất về kiến trúc chùa tháp ở Việt Nam

Nhân dịp này, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đánh giá cao thiện chí và sự trợ giúp của các đối tác, bạn bè, cộng đồng tại Pháp cũng như sự hợp tác và phối hợp của các cơ quan chức năng sở tại, của Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp, Bộ Văn hóa, Bộ Nội vụ Pháp và Tổ chức UNESCO trong thời gian qua.

Đề cập quá trình hồi hương ấn vàng, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: "Tháng 10/2022, ngay khi tiếp nhận thông tin ấn vàng Hoàng đế chi bảo được giao đấu giá tại Pháp, nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng và các giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là giá trị chính trị của ấn vàng, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các Bộ: Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công an và các cơ quan, tổ chức liên quan đã chủ động, nỗ lực, khẩn trương tìm kiếm giải pháp đưa ấn vàng Hoàng đế chi bảo trở về với đất nước".

Ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, tiếp nhận ấn vàng từ ông Alexandre Millon, Chủ tịch Hãng Millon

Sau nhiều cuộc họp đàm phán, thương lượng, hai bên đã thống nhất việc chuyển giao ấn vàng Hoàng đế chi bảo cho phía Việt Nam trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nhà nước Việt Nam và Pháp. Đồng thời, thống nhất thực hiện quy trình, thủ tục pháp lý để có thể đưa ấn vàng về Việt Nam theo quy định pháp luật của hai nước.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lựa chọn Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, Bắc Ninh là đại diện thực hiện các thủ tục tài chính với Pháp (hãng Millon) về quyền lợi các bên liên quan sở hữu Ấn vàng theo pháp luật của Pháp; đồng thời sẽ thực hiện việc lưu giữ, trưng bày và phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam để bảo vệ, phát huy giá trị của ấn vàng theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Chia sẻ về sự phối hợp của các cơ quan Pháp, ông Nicolas Chibaeff, Giám đốc Lưu trữ, Bộ Ngoại giao Pháp cho rằng việc chuyển giao ấn vàng là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Ngày 31/10/2022 đáng lẽ là ngày mà ấn vàng sẽ được đưa ra đấu giá, nhưng Bộ Ngoại giao Pháp ở thời điểm đó đã nhận được thông tin thông báo từ phía Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Bộ này đã kịp thời chuyển thông tin này đến các cơ quan ban ngành của Pháp. Bộ Ngoại giao Pháp đã làm việc một cách khẩn trương để đưa ra được một giải pháp đi tới kết quả là ngày hôm nay, sự hồi hương của ấn vàng Việt Nam.

Ông Nicolas Chibaeff cho biết: "Đây là một khoảnh khắc xúc động, hạnh phúc và tự hào khi có thể đại diện cho các bộ, ban, ngành của Pháp, những người đóng vai trò là cầu nối, giúp đỡ quá trình đàm phán cũng như là cộng sự của phía Việt Nam trong suốt 1 năm qua. Cảm giác của tôi là mãn nguyện khi có thể giúp đỡ Việt Nam hoàn thành việc đàm phán chuyển giao ấn vàng, một đồ vật quan trọng của người dân Việt Nam".

Buổi lễ chuyển giao ấn vàng là một minh chứng rõ nét về sức mạnh của sự đoàn kết và tinh thần tự tôn dân tộc, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa tốt đẹp của nhân dân Việt Nam. Đồng thời, buổi lễ cũng là kết quả của tình đoàn kết giữa hai quốc gia, sự đồng lòng của các cá nhân và tổ chức, các cơ quan ban ngành giữa Việt Nam và Pháp. Sau bao trắc trở, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã được hồi hương thành công về Việt Nam vào sáng ngày 18/11.

Anh Tuấn/VOV-Paris