Ấm lòng người khó khăn

Các mô hình như: “cơm treo”, “bánh treo”, “nước treo”... hẳn không còn xa lạ với nhiều người vì đã được lan tỏa mạnh mẽ thông qua mạng xã hội. Ðây là một cách làm mới trong hoạt động thiện nguyện mà nhịp cầu nối giữa người cho và người nhận chính là những chủ cửa hàng tốt bụng.

Thông thường, sản phẩm chính của cửa hàng sẽ được dùng để đặt tên cho mô hình, có thể là cơm, bánh hoặc nước... kết hợp với từ “treo”. Người cho sẽ trả tiền số phần ăn họ muốn tặng, rồi gửi lại tại quán để khi có người đến nhận thì cửa hàng sẽ trao lại. Các phần ăn này được chủ quán “bán” với giá vốn.

Từ cuối tháng 8, “bánh bao treo” chính thức có mặt tại TP Cà Mau. Chị Ðặng Thanh Quí, Phường 5, TP Cà Mau, người thành lập mô hình, cho biết: “Tình cờ lướt Facebook, tôi biết đến mô hình “phở treo” ở Hà Nội. Tôi liền chia sẻ bài đăng ấy và thử kêu gọi xem có ai mở hàng, đồng hành cùng hay không. Ngay lập tức có người gửi ủng hộ vào quỹ. Ðiều đó đã tạo cảm hứng và nguồn động lực để tôi quyết định thực hiện luôn chương trình này”.

Xem thêm: Cần bổ sung trò chơi, trò diễn dân gian vào các tour du lịch

Chị Đặng Thanh Quý, Phường 5, TP Cà Mau, là người thành lập mô hình.

Mỗi người khó khăn khi đến cửa hàng sẽ được tặng một chiếc bánh, có thể nhận giùm người khó khăn khác không có điều kiện đến nhận trực tiếp. Bánh có cả nhân chay và nhân mặn sẽ được tặng theo mong muốn của người nhận. Ðể giúp lan tỏa hoạt động, đồng thời giúp người nhận dễ nhận biết, chị Quí còn tự tay thiết kế một bảng hiệu đề dòng chữ: “Tại đây có “bánh bao treo” gửi tặng mọi người có hoàn cảnh khó khăn. Miễn phí 100%”. Khi nào tấm biển ấy còn dựng lên thì nguồn bánh được ký gửi vẫn còn và cửa hàng đã chuẩn bị sẵn để tặng.

Xem thêm: Bán ảnh nghệ thuật để hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ

Mỗi người khó khăn khi đến cửa hàng sẽ được tặng một chiếc bánh, có thể nhận dùm người khó khăn khác không có điều kiện đến nhận trực tiếp.

Trong lúc đạp xe đi thu mua phế liệu, chị Lê Thị Bòn Thu, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vô tình thấy biển “bánh bao treo” nên ghé vào nhận. Cầm bánh trên tay, chị nói: “Tôi rất cảm ơn khi nhận được chiếc bánh này. Ði giữa buổi trưa, đang mệt và đói mà nhận được cái bánh ấm lòng này, tôi thật sự rất quý và rất cảm ơn người đã tặng mình. Cái bánh này cũng giúp tôi no một buổi, có thêm sức đi làm kiếm sống”.

Khi một chiếc bánh được tặng đi, lại có những chiếc bánh khác được thêm vào. Cứ thế, tình yêu thương, sự san sẻ được truyền tay, phát triển và lớn mạnh hơn.

Mỗi lần đi đâu cùng các con, chị Quí đều mang theo vài bao gạo nhỏ, hễ thấy ai trên đường cần hỗ trợ thì chị đưa cho các bé tặng lại.

Ðược biết, ngoài làm mô hình “bánh bao treo”, chị Quí còn là người năng nổ trong nhiều hoạt động thiện nguyện khác. Có lẽ vì vậy mà chị đã khéo léo hướng các con của mình biết sống sẻ chia ngay từ khi còn nhỏ. Tại nhà của chị Quí luôn có sẵn số lượng gạo nhất định, được chia sẵn thành các bao nhỏ, mỗi lần đi đâu cùng các con, chị đều mang theo vài bao, hễ thấy ai trên đường cần hỗ trợ thì chị đưa cho các bé tặng lại.

Với nhiều cách làm hay trong công tác thiện nguyện của chị Ðặng Thanh Quí, tin rằng sẽ góp sức lan tỏa, gieo thêm nhiều giá trị tốt đẹp hơn nữa trong cộng đồng./.

Minh Thừa