15 năm đưa con từ tự kỷ thành học sinh giỏi quốc gia

Hành trình sống của Gia Huy là một câu chuyện đầy cảm xúc và ý nghĩa, truyền cảm hứng cho những bậc phụ huynh có con em mắc chứng tự kỷ. Dù nhận được những chẩn đoán không mấy lạc quan từ các bác sĩ, cha mẹ của Gia Huy vẫn không bỏ cuộc. Anh và chị đã dành toàn bộ tâm huyết, thời gian và tình yêu thương để tìm ra được phương pháp giáo dục phù hợp với con.

Đưa con từ tự kỷ thành học sinh giỏi quốc gia

Tháng 6-2024, Trần Như Gia Huy, lớp 11A4 Trường THPT Lộc An, Bảo Lâm, Lâm Đồng, được xướng tên học sinh đạt giải Nhì cấp quốc gia cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng thế giới (Mos) năm học 2023-2024. Đó là khoảnh khắc vợ chồng chị Trần Thị Hằng, phụ huynh của Gia Huy nhận được rất nhiều lời chúc mừng. Đây cũng là “quả ngọt” trong cuộc đời anh chị, tính cho đến thời điểm này. Trong hành trình nuôi dạy con vốn có rất nhiều thử thách, chênh vênh, không ít lần khiến vợ chồng chị chán nản nhưng chưa bao giờ muốn bỏ cuộc.

Xem thêm: Nguồn gốc của chứng tự kỷ ở trẻ em

Trần Như Gia Huy

Chị Hằng, mẹ của Gia Huy cho biết, khi phát hiện ra con bị bệnh, vợ chồng chị rất hoang mang. Cũng giống như những phụ huynh có con tự kỷ, chị Hằng truy cập vào các nhóm khiếm khuyết nuôi con tự kỷ và tăng động, chậm nói. Câu hỏi chị đặt ra cho chính mình: “Nếu nỗ lực thì có kết quả hay không? Có ai con khó mà sau này con bình thường được hay chưa?”. Hỏi cũng chỉ là “cho có” vì chị Hằng và chồng chọn đồng hành cùng con: “Ông xã lúc đó đang làm việc kiếm được rất nhiều tiền nhưng phải gác lại tất cả để dạy con 5 năm. Còn mình lương giáo viên chỉ đủ cơ bản để sống. Hai vợ chồng cố gắng cùng con…”.

Dạy trẻ tự kỷ chưa bao giờ là dễ dàng. Khoảng thời gian khoảng 2-3 năm đầu, chị cảm thấy con mình tiến bộ rất là nhanh, thậm chí có những bước nhảy vọt thần kỳ vượt ngoài mong muốn của chị. Nhưng khi đem con đến lớp thì chị mới nhận ra sự thật, con mình hoàn toàn không giống con người khác. “Con mình có tiến bộ so với chính nó, nhưng mặt bằng chung thì con không đạt được một cái gì cả. Đến lớp học con chẳng đáp ứng được cái gì cả. Con sẽ kéo tất cả các đồ trên kệ đồ chơi xuống, cho nó đổ ầm ầm rồi cười lên một cách thích thú và con làm như vậy với tất cả các kệ đồ chơi. Tức là hành vi của con không phù hợp và con không biết giới hạn”, chị Hằng nhớ lại.

“Lúc mình tuyệt vọng nhất thì con chưa biết nói nhưng khi được dạy thì con từng bước có tiến bộ về mặt nhận thức (ví dụ dạy số, chữ học cực kỳ nhanh) thì điều đó như món quà làm mình phấn khích hơn, mình tin rằng mình dạy được. Con học hết lớp 1 mà được lên lớp là vợ chồng mình vui lắm rồi, con thi xong mình cũng không dám hỏi kết quả nhưng khi con nhận được giấy khen thì cả hai vợ chồng đều rất mừng. Giữa muôn vàn khó khăn, vất vả thì những sự tiến bộ của con là động lực để mình cố gắng hơn mỗi ngày. Con mình dạy cho mình sự kiên nhẫn, khả năng tìm tòi ngay trong quá trình nuôi và dạy con - chị Trần Thị Hằng.

Xem thêm: Tại sao trẻ bị tự kỷ, cách nào phát hiện?

Nhưng đó chưa phải là tất cả, khó khăn với vợ chồng chị không chỉ là phương pháp dạy con, chữa trị cho con, mà khổ tâm hơn với bậc làm cha mẹ là con mình bị kỳ thị. “Định kiến xã hội nói do cha mẹ ăn ở như thế nào thì con mới bị bệnh như vậy, hàng xóm không cho con họ chơi chung với con của mình. Có những khoảng thời gian mình đi phượt bằng xe máy đến làng chày mà người ta không biết mình là ai cả, không kỳ thị mình”, lời chia sẻ của chị Hằng đủ để biết gia đình chị đã từng trải qua những đoạn trường như thế nào?

Những ánh nhìn và định kiến trên đã tác động trực tiếp đến tâm lý của Gia Huy, thậm chí khi em đã vào độ tuổi thanh thiếu niên và có nhiều dấu ấn trong học tập. Chị Hằng cho biết: “Có một thời gian con không đồng ý cho mẹ chia sẻ với mọi người là con bị tự kỷ. Bởi vì con không thích những ánh mắt nhìn của người khác. Bởi vì trong xã hội người ta luôn nhìn người khuyết tật một cách kỳ lạ, hoặc là thương hại, hoặc là ghét bỏ hoặc là kỳ thị. Vì vậy con mình không cho mẹ chia sẻ”. Để con chấp nhận và vượt qua những định kiến đó, chị đã phải kiên nhẫn, rất nhiều lần và tìm nhiều cách nói với con, khuyên con đừng mặc cảm vào quá khứ, khi mình đã dũng cảm vượt qua được thì chúng ta phải tự hào vì chúng ta là người dũng cảm.

Nguồn cảm hứng cho câu chuyện tiếp sức

Xuất phát từ việc hiểu được nỗi khổ của các bậc phụ huynh có con tự kỷ nên hai vợ chồng chị Hằng luôn sẵn sàng tiếp đón khi họ đến nhà và giúp đỡ, hướng dẫn họ các kỹ năng cũng như hỗ trợ về mặt tinh thần. Mùa hè, chiều nào gia đình chị cũng có mấy mâm cơm với những phụ huynh cùng hoàn cảnh đến chơi.

Mong ước lớn nhất của chị Hằng ở hiện tại là con có thể sống độc lập, mong ước thứ hai lại dành cho phụ huynh có con tự kỷ: “Mong thay những người phụ huynh mới có con bị tự kỷ có được duyên lành để gặp được những người có chuyên môn tốt, những phụ huynh có chuyên môn tốt hướng dẫn đúng con đường họ có thể đi”.

Gia Huy bên cạnh ba, mẹ

Dạy trẻ tự kỷ rất khó, đòi hỏi tình yêu thương, sự bao dung rất lớn. Theo chị Hằng, chất liệu quan trọng nhất để nuôi và dạy con tự kỷ đầu tiên phải là sự cầu tiến, không chùn bước khi gặp khó khăn và niềm tin vào chính bản thân mình sẽ giúp con vượt qua được. Sự đồng hành, hỗ trợ, hiểu biết của phụ huynh chiếm phần lớn trong quá trình phát triển và tiến bộ của con.

Đó chính là lý do, nếu như có một thông điệp muốn gửi đến phụ huynh, chị Hằng chỉ có một điều muốn nói: “Tự kỷ không gì phải sợ, nó đến rồi bạn có sợ nó thì chỉ có bạn bị quật ngã thôi, vì vậy thấy nó rồi thì chiến đấu thôi chứ không còn con đường nào cả”.

Lan Anh/Báo Giác Ngộ