10 ngón thu giữa hai bờ hư thực

Nhà thơ Võ Văn Luyến, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trong năm 2023 đã cho ra mắt tập thơ “10 ngón thu” và tác phẩm này vừa được Hội VHNT tỉnh Quảng Trị tặng giải A về mảng văn học.

Tập thơ trên là một sự kế thừa và tiếp nối trong sáng tác của nhà thơ Võ Văn Luyến, thể hiện sự nhất quán trong bút pháp của một nhà thơ chuyên nghiệp ở Quảng Trị. Xen lẫn giữa bài thơ thiên tả thực là những thi phẩm thiên về phi tả thực, thể hiện sự đa dạng, tìm tòi trong lao động nghệ thuật của tác giả. Đề tài của tập thơ cũng phong phú, nhiều hình, nhiều vẻ. Đó có thể là kỷ niệm về những chuyến đi và cảm nhận thi ca từ các địa danh hoặc là những suy tư, triết lý riêng tây của một cây bút nặng lòng với thơ và cuộc đời.

Như bài thơ thiên về tả thực “Cơn mưa nhắc nỗi nhớ người” đằm thắm, nghĩa tình như ca dao mang phong vị dân gian mà vẫn tìm thấy cách nói khác: “hết nắng cháy lại mưa dầm/ miền Trung nhẫn chịu âm thầm bấy nay/màu đông lạnh cả lưỡi cày/xâu tươi lộc biếc còn đầy trân cam...chưa xa mấy trận bão lùa/chưa lành mấy vết thương xưa nhắc mình/trắng đêm chờ một lặng im/mà sao trời đất dỗi tình chi nhau...”. “Mùa đông lạnh cả lưỡi cày” hay “Trắng đêm chờ một lặng im” là những phát hiện tinh tế của nhà thơ.

Xem thêm: Trao Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam năm 2023

Bài “Sen Thượng Xá” mở đầu: “những búp sen như tuổi rằm vừa chớm/thôi hát khúc đồng dao/thôi bím tóc đuôi gà/sóng đã biết ba đào...”. Ba câu trước mang hơi hướng ca dao nhưng câu cuối là một tìm tòi của thi ca hiện đại, đem lại sự liên tưởng bất ngờ cho người đọc.

Nhưng có khá nhiều bài chất siêu thực lấn át tả thực, hiện thực nếu có cũng hiện là như một cái cớ, một chiếc đinh đóng vào tường để treo bức thơ của nhà sáng tác. “Mười ngón thu” là một ví dụ : “...mười ngón ngắn dài nhấp nhô ảo ảnh/giấc mơ của đàn bò/về giữa lòng thành phố/tham vọng của ngọn gió/chết nằm miền cỏ thơm...” đến đoạn kết thơ ý thơ cô đặc, nhòe mờ và đứt quãng hiện ra không rõ nét, đòi hỏi một trường liên tưởng khác với thông thường và cả những phán đoán mơ hồ từ những câu thơ ám gợi: “mười ngón mù/những ký tự đảo chiều đen trắng/ sông xanh hóa biển đỏ/tiếng tiêu bức tử ký ức/bất ngờ thu”.

Từ một góc nhìn khác nếu khảo sát từ góc độ hình thức cũng có thể có những phát hiện khá thú vị. Chẳng hạn sự thao thức sáng tạo của người viết thường được ký thác khi đêm về hay sau giấc ngủ, hoặc chính là sự mất ngủ như tên gọi của nhiều bài thơ: Thức cùng tiếng chim, Thức, Tiếng chim trong đêm, Đêm qua, Đêm mơ về Huế và em, Đêm linh hiện, Buồn như lá đêm, Đêm không trăng cồn cào nhớ mẹ, Đêm không còn nông nổi với trời xanh, Giấc mê, Đêm rót đầy giấc mê, Thao thức tiếng chim, Đêm mơ tiếng chim về gõ cửa, Ru đêm mất ngủ, Giấc mơ chim, Đêm mơ hát về Sài Gòn đang ốm, Đêm nghe tiếng mưa, Đêm vẫy gọi.

Ám tượng đêm đã trở thành một ý niệm nghệ thuật, một biểu tượng lặp đi lặp lại khá nhiều trong tập thơ này, đó cũng là cách tác giả đối diện với bản thể, đào sâu suy tưởng và phiêu bồng giữa hai bờ hư thực, có cả hóa thân và phân thân, lắm lúc như là mộng du phân tâm học: “như có tiếng quay đều đếm nhịp thời gian/những canh đêm bây giờ đã khác/giấc ngủ chập chờn giấc mơ sai lạc/cứ như anh làm phản ánh chính anh/ ai đó nói sợ hãi làm người ta hèn nhát/ không cất nổi đôi chân của mình/nhưng liều lĩnh đồng hành cái chết/biết làm sao đặt cược giữa u minh...” (Đêm không còn nông nổi với trời xanh).

Xem thêm: Nơi cuối con đường

Võ Văn Luyến vẫn giữ được phong độ thơ của mình qua “10 ngón thu” và nhiều tác phẩm cũng đã “chín” hơn, nhiều thể nghiệm hơn. Mong anh vẫn tiếp tục hành trình thi ca, luôn chân cứng đá mềm trên đường đời và đường thơ.

Phạm Xuân Dũng